Bài học dầu hỏa từ Indonesia
| |||
09:16' 09/10/2005 (GMT+7) | |||
Việc Chính phủ Indonesia tăng giá xăng dầu để tránh nguy cơ “vỡ nợ” vì bù lỗ xăng dầu là chuyện tất yếu. Việc một số dân chúng xuống đường cũng chẳng lạ lùng gì. Lạ chăng là việc Indonesia từ một nước OPEC nay lại lâm vào tình trạng túng quẫn dầu hỏa. Sản lượng dầu thô từ 1,5 triệu thùng/ngày năm 1998, đến năm 2002 còn 1,1 triệu thùng/ngày, năm 2003 chỉ còn 1,02 triệu thùng/ngày (không bằng quota sản lượng dầu mà OPEC phân cho Indonesia là 1,22 triệu thùng/ngày). Từ năm 2003 Indonesia phải nhập khẩu dầu, và giờ đây đang định rút khỏi OPEC. Có phải giảm sản lượng là do các mỏ dầu đang cạn như một lẽ đương nhiên? Vấn đề không đơn giản như thế. Mọi nước sản xuất dầu đều phải tránh sa vào tình cảnh này bằng cách luôn thăm dò tìm kiếm các mỏ dầu mới. Ở Indonesia, đã không có sẵn các dự án khác trong những năm qua để có thể nối tiếp các giếng cũ. Tại sao lại để ra cơ sự như thế? Báo New York Times 19/3/2005 mô tả Công ty dầu khí nhà nước Pertamina như sau: “Nền công nghiệp dầu hỏa và lọc dầu của Indonesia trong nhiều năm qua cứ đem tiền ra đốt, cứ phung phí tài nguyên quốc gia, do những đầu tư yếu kém, bệnh cửa quyền, tham ô. Hậu quả là chỉ có vài giếng dầu mới trong thập niên qua, sản lượng dầu cứ tuột hằng năm. Trong khi các nước OPEC khác hốt bạc với giá dầu tăng vọt, thì Indonesia lại không đón gió được để kiếm lợi. Vấn đề đối với ngành sản xuất dầu hỏa của Indonesia là chỉ có một ít dân chúng được giáo dục và đào tạo để lãnh nhiệm vụ ở Công ty Pertamina cũng như ở các giếng dầu và nhà máy lọc dầu. Trong khi công nghiệp dầu khí đòi hỏi nhiều nhân lực, thì lại có quá nhiều thanh niên thất nghiệp”. Một trong những hậu quả của quản lý kém này là việc không thu hút được đầu tư mới cho các dự án thăm dò mới để nay lâm vào bế tắc. Những đàm phán giữa Công ty Pertamina và Công ty dầu Mỹ ExxonMobil cùng các công ty khác cứ cù cưa suốt mấy năm qua vì các khoản góp vốn và lợi nhuận thu hồi.
Từ 2001, tức mấy năm sau khi nhà độc tài Suharto bị đổ, phe cánh ông này giảm quyền lực, ở Indonesia mới bắt đầu nói đến giảm vai trò của Công ty Pertamina. Báo cáo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ ghi nhận: “Các nhóm quyền lợi chính trị có quan hệ với Công ty Pertamina tỏ ra chống lại việc công ty nhà nước này mất đi những lợi nhuận đã được bảo kê. Dẫu sao đến 2006, công ty này cũng sẽ phải được tư nhân hóa hoàn toàn”. Có thể học gì từ bài học Indonesia? Trong lĩnh vực này, có thể tham khảo WB: “Tại nhiều nước đang phát triển, thu nhập từ các công ty dầu, khí, mỏ, dưới dạng thuế, nhượng quyền khai thác..., tạo thành một động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng tại một số nước, việc thiếu công khai kiểm kê các thu nhập này càng làm cho việc quản lý trở nên tồi tàn hơn, càng dẫn đến tham ô, xung đột và bất công. Chính vì thế mà WB sẽ tiếp tục làm việc với các nước đang phát triển về những cách thức công bố các thu nhập từ dầu khí, mỏ”.
|
0 Comments:
Post a Comment
<< Home