Tuesday, June 07, 2005

Dự án Dung Quất chậm 7 năm, lãng phí hàng triệu USD

Dự án Dung Quất sẽ lỡ hẹn ít nhất 7 năm. Ảnh: T.T

Ngày mai, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội. Theo dự kiến ban đầu, năm 2002, nhà máy sẽ đi vào sản xuất nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. Tổng mức đầu tư phát sinh do chậm tiến độ lên tới hàng triệu USD.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải, dự án chỉ có thể hoàn thành vào tháng 12/2008, bắt đầu hoạt động từ 2009. Nếu đúng tiến độ này và không phát sinh thêm gì thì thời gian hoàn thành dự án đã bị chậm 7 năm.

Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu là 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Bộ Công nghiệp cho thấy, dự kiến tổng mức đầu tư sẽ vượt trội so với mức 1,5 tỷ USD. Các nhà thầu đề nghị tăng giá hợp đồng do phải bổ sung thêm các hạng mục công trình cần thiết để thay đổi thiết kế tổng thể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục phát sinh do điều tra, khảo sát địa chất không kỹ, trượt giá, biến động giá cả vật liệu, chế độ chính sách tiền lương thay đổi. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí VN (Petro VN) Phạm Quang Dự xác nhận, tổng mức đầu tư có thể lên tới 2,5 tỷ USD.

Theo đánh giá của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do tiến độ thực hiện chậm, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã không thể đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước theo kế hoạch 5 năm 2000-2005. Tỷ lệ thu hồi vốn nội tại (IRR) theo tính toán lúc trình dự án có thể đạt tối thiểu 15%, thì nay do tổng mức đầu tư tăng so với dự kiến ban đầu nên có thể chỉ còn 6%.

Phần lớn các công trình phụ trợ của nhà máy như đường giao thông, điện nước, các trạm thông tin... đều đã hoàn thành. Nhưng các công trình này đang “chờ” nhà máy, chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn. Việc chậm tiến độ còn ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, trước hết là ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất. Nhiều nhà đầu tư dự kiến đầu tư vào đây, nay có chiều hướng muốn chuyển đầu tư sang nơi khác.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc chậm tiến độ này cũng đã ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế do phải nhập khẩu xăng dầu giá cao. Gần đây, giá dầu thô trên thế giới tăng ở mức kỷ lục, nhà nước đã phải bỏ tiền ngân sách để bù lỗ xăng dầu nhập khẩu. Nếu nhà máy hoạt động từ năm 2002, VN đã có thể giảm được việc nhập khẩu và giành được một khoản ngoại tệ đáng kể đầu tư vào các công trình khác. Dự án Dung Quất chậm tiến độ đã ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, nhất là những người đã phải di dời, dành mặt bằng xây dựng nhà máy.

Theo dòng sự kiện:
Ký hợp đồng gói thầu Nhà máy lọc dầu Dung Quất (18/05)
Đẩy nhanh tiến độ dự án lọc dầu Dung Quất (12/04)
'Bộ Công nghiệp nếu có liên quan, xin nhận trách nhiệm' (30/11/2004)
Sắp khởi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất (01/09/2004)
Điều chỉnh thiết kế nhà máy lọc dầu Dung Quất (12/02/2004)
Xem tiếp»

Theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chưa được chuẩn bị chu đáo, điều tra cơ bản còn sơ sài, thẩm định chưa kỹ. Các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không đảm bảo đầy đủ các yếu tố và độ chính xác cần thiết về tài chính, thông tin về thị trường, địa chất nơi xây dựng, nhà thầu... Điều tra cơ bản về địa chất và định hướng sản phẩm chưa kỹ, dẫn đến phải bổ sung thêm các hạng mục công trình, rà soát tính toán lại thiết kế tổng thể, làm phát sinh chi phí. Do chủ quan trong dự báo khả năng thu xếp tài chính, dẫn đến bị động, phải thay đổi chủ trương từ hình thức “tự đầu tư” ban đầu sang hình thức “liên doanh” rồi lại trở về hình thức “tự đầu tư”.

Tổng công ty Dầu khí VN - chủ đầu tư dự án - tổ chức thực hiện không tốt, không kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, ỷ lại, trông chờ Chính phủ. Chọn đối tác liên doanh không có kinh nghiệm về công nghệ hóa dầu, hình thành mô hình liên doanh theo tỷ lệ góp vốn 50/50 với cơ chế đồng thuận, làm phát sinh khó khăn. Sự chỉ đạo của Chính phủ cũng thiếu tập trung và trực tiếp, không quyết liệt yêu cầu các ngành hữu quan cũng như chủ đầu tư kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh..

Qua kết quả giám sát, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án trong năm 2008 trên cơ sở đảm bảo chất lượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, các khoản chi phí cần thiết, hợp lý của việc tăng vốn đầu tư.

Ý kiến của bạn:

Việt Anh

0 Comments:

Post a Comment

<< Home