Monday, November 28, 2005

Những hứa hẹn của plutonium

Dư luận bàn tán khá nhiều về nguy cơ của plutonium. Có ý kiến rằng plutonium là một đe dọa cho môi trường vì có chu kỳ (hay nửa đời) hơn 24.000 năm[i]. Có ý kiến rằng plutonium là nguyên liệu cho bom nguyên tử nên là một đe dọa cho hòa bình Thế-giới. Và lẽ cố nhiên có ý kiến rằng plutonium rất nguy hiểm vì cả hai lý do trên.

Để làm sáng tỏ những điều này chúng tôi xin trình bày một số khái niệm vật lý hạt nhân, những áp dụng dân sự và những áp dụng quân sự của plutonium.

I/ Một chút vật lý

Plutonium là một nguyên tử đứng ở vị trí thứ 94 trong bảng Mendelev. Người ta đã xác định được 15 đồng vị plutonium trong đó có năm đồng vị có tỷ lệ đáng kể. Đó là những đồng vị Pu‑238, Pu‑239, Pu‑240, Pu‑241 và Pu‑242.

Ngoài đồng vị Pu‑241 ra, những đồng vị plutonium khác đều có hoạt tính thấp. Những đồng vị đó là những vật phóng xạ alpha. Đống vị Pu‑241 có thể t phân rã theo phản ứng bêta và trở thành đồng vị americium Am 241, một vật phóng xạ alpha không ổn định nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng tỷ lệ sản xuất đồng vị Pu‑241 trong những lò phản ứng hạt nhân lại không đáng kể. Vì thế plutonium không phải là một hiểm nguy phóng xạ trừ khi xâm nhập cơ thể. Ngược lại, vì có số nguyên tử lớn nên plutonium có thể bị coi là một chất độc nếu xâm nhập cơ thể sinh vật. Tuy nhiên, cũng tại vì khối lượng nguyên tử quá lớn, plutonium không thể chuyển vào dây chuyền thực phẩm một cách tự nhiên và nếu đã xâm nhập cơ thể thì cũng không ở lâu để làm hại. Vì những lý do đó mà việc thất lạc một chút plutonium không phải là một rủi ro cho môi trường[ii].

Trong ngành vật lý hạt nhân người ta phân biệt những vật liệu khả phân hạch và những vật liệu phong phú. Những vật liệu khả phân hạch gồm bởi những hạt nhân có thể bị neutron đập vỡ sinh ra những hạt nhân khác nhẹ hơn, gọi là sản phẩm phân hạch, năng lượng và vài neutron nữa. Những neutron bội sản này có thể đập vỡ những hạt nhân khác tạo nên một dây chuyền phản ứng sinh ra neutron và năng lượng. Những đồng vị phong phú gồm bởi những hạt nhân có thể hấp thụ neutron để trở nên hạt nhân khả phân hạch.

Người ta cũng phân biệt neutron mau lẹ và neutron chậm. Khi một hạt nhân phân hạch và sinh ra neutron thì tốc độ những neutron đó là khoảng 20.000 km/giây. Ở tốc độ đó neutron được gọi là neutron mau lẹ. Sau khi va chạm với những vật có mặt trong lò phản ứng tốc độ sẽ giảm. Khi tốc độ giảm xuống dưới một vài nghìn mét/giây thì neutron được gọi là neutron chậm hay neutron nóng.

Tất cả những đồng vị plutonium đều có thể bị neutron mau lẹ phân hạch. Những đồng vị Pu‑239 và Pu‑241 cũng có thể bị những neutron chậm phân hạch. Ngoài việc là đồng vị khả phân hạch, những đồng vị Pu‑238 và Pu‑240 cũng có thể hấp thụ neutron để trở nên những đồng vị khả phân hạch Pu‑239 và Pu‑241.

Những hiên tượng trên xẩy ra trong tất cả những lò phản ứng hạt nhân : những lò dùng để nghiên cứu khoa học cũng như những lò dùng để sản xuất năng lượng, những lò phản ứng neutron mau lẹ cũng như những lò phản ứng neutron chậm. Vì thế mà plutonium được coi là một nguyên liệu quý báu của ngành hạt nhân chứ không phải là một phế liệu có thể bị vứt bỏ ngoài môi trường thiên nhiên.

Khi địa cầu được hình thành thì có khá nhiều đồng vị plutonium Pu‑239 còn những đồng vị plutonium khác thì không đáng kể. Chu kỳ của đồng vị Pu‑239 chỉ là 24.110 năm nên, từ khi địa cầu được hình thành cách đây năm tỷ năm, tất cả những hạt nhân của đồng vị này đã phân rã thành những đồng vị khác rồi. Hiện nay không còn plutonium Pu‑239 tự nhiên nữa trừ một chút ở Oklo bên Gabon.

Địa điểm Oklo có địa hình tạo ra một lò phản ứng hạt nhân tự nhiên đã khởi động từ hai tỷ năm nay. Như mọi lò phản ứng hạt nhân, lò này sinh ra những đồng vị plutonium. Đây là nơi duy nhất người ta tìm thấy plutonium không phải do con người tạo ra. Hiện tượng này đang được nghiên cứu để dự đoán tương lai những phế liệu phóng xạ của những lò phản ứng nhân tạo.

Rất may là khi địa cầu được hình thành thì cũng có nhiều nguyên tử uranium ở dạng đồng vị U‑238. Đồng vị U‑238 có chu kỳ 4,5 tỷ năm nên hãy còn rất nhiều trên địa cầu[iii]. Đồng vị này có thể dùng làm nguyên liệu để chế tạo plutonium. Nếu bắn một neutron mau lẹ vào một hạt U‑238 thì hạt đó hấp thụ một neutron và sinh ra đồng vị U‑239. Đồng vị này không ổn định vì chu kỳ chỉ là 24 phút đồng hồ. Sau khi phân rã, đồng vị uranium U‑239 biến thành đồng vị neptunium Np 239. Đồng vị Np 239 này cũng có chu kỳ ngắn, hơn hai ngày một chút, nên mau chóng phân rã để trở thành đồng vị plutonium Pu‑239 khả phân hạch và ổn định hơn vì có chu kỳ 24.110 năm.

Tất cả mọi loại lò phản ng hạt nhân đều sinh ra plutonium do những hạt nhân trong lò hấp thụ neutron khi những neutron này vừa mới thoát ra khỏi một hạt nhân bị phân hạch. Trong một lò phản ứng neutron mau lẹ thì phản ứng hấp thụ là hiển nhiên vì đồng vị uranium U‑238 chỉ có phản ứng hấp thụ khi những neutron hãy còn ở tốc độ cao. Nhưng trong một lò phản ứng neutron chậm cũng có một tỷ lệ đáng kể neutron chưa bị giảm tốc thì đã bị những hạt U‑238 hấp thụ để trở thành những đồng vị plutonium, trong đó tỷ số đồng vị Pu‑239 chiếm chừng ba phần tư những đồng vị plutonium sinh ra như vậy.

II/ Những áp dụng dân sự của plutonium

1- Dẫn tiến phi thuyền.

Như nói ở trên plutonium là những vật phóng xạ alpha nên có thể dùng để dẫn tiến một phi thuyền. Theo định luật tác động và phản động, nếu hướng những tia alpha phát ra từ sự phân rã tự nhiên của plutonium về cùng một hướng thì phi thuyền sẽ chuyển về hướng đối diện. Một khi phóng lên trời rồi thì một phi thuyền nhỏ chỉ cần một chút ít năng lượng để duy trì sự chuyển dịch. Khối lượng nhỏ của những hạt alpha đủ để làm việc này. Vì chu kỳ của đồng vị có nhiều nhất, đồng vị plutonium Pu‑239, là 24.110 năm nên bộ dẫn tiến có thể hoạt động trong cả chục năm, thời gian cần thiết để một phi thuyền bay tới mục tiêu.

2- Phát điện

Ngoài việc đẩy một phi thuyền, plutonium còn được dùng để phát điện : tia alpha đập vào một vật bán dẫn tạo ra một luồng điện cho những dụng cụ đo đạc của phi thuyền. Bây giờ thì những bộ khích tim bị cấm vì dư luận sợ plutonium. Nhưng cách đây hai chục năm, những người có nhịp tim không đều có thể được ghép một bộ khích tim chạy bằng điện do tia alpha của plutonium phát ra. Nhờ đời người ngắn hơn là chu kỳ của plutonium, loại bộ khích tim này tránh cho bệnh nhân phải bị giải phẩu có định kỳ để thay thế pin. Vì bệnh tim thường có tính cách gia truyền, có nhiều luật sư đã nghĩ đến việc cha mẹ để lại bộ khích tim làm của thừa kế cho con cháu !

3- Sản xuất năng lượng

Tuy nhiên áp dụng dân sự gần như là duy nhất của plutonium là sản xuất năng lượng. Vì mỗi lần một hạt nhân plutonium phân hạch thì sinh ra nhiều neutron hơn là khi một hạt nhân uranium phân hạch nên plutonium là nhiên liệu hạt nhân tốt hơn là uranium.

Nguồn plutonium chính là những lò phản ứng hạt nhân các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và cơ sở sản xuất điện hạt nhân. Riêng nước Pháp, với chừng sáu chục lò phản ứng, mỗi năm sản xuất mười tấn plutonium.

Khi xưa, công nghiệp vũ khí hạt nhân là thị trường plutonium chủ yếu của những cơ sở điện hạt nhân. Bây giờ, những áp dụng dân sự lại có thêm một nguồn plutonium nữa. Đó là plutonium lấy từ những quả bom nguyên tử đã được tháo gỡ theo hiệp định giải trừ quân bị hạt nhân. Plutonium này có nhiều giá trị vì chứa tới 95 phần trăm đồng vị Pu‑239, đồng vị dùng làm nhiên liệu tốt nhất trong số những đồng vị plutonium. Người ta ước có chừng hơn một nghìn tấn plutonium đã được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân có thể đưa ra thị trường dân sự.

Người ta dùng plutonium để sản xuất năng lượng bằng hai cách :

1. Phân hạch plutonium ngay khi nó được sinh ra trong lò phản ứng,

2. Trộn plutonium với uranium để làm một nhiên liệu tương tự như là uranium đã được làm giầu.

Khi sinh ra trong lò phản ứng thì một phần plutonium có thể bị phân hạch và, như vậy, tham gia vào việc sản xuất năng lượng của lò ngay sau khi sinh ra. Đây là hình thức sản xuất và tiêu thụ plutonium hữu hiệu và an toàn nhất. Trong khi chờ đợi những lò phản ứng neutron mau lẹ được hiệu chỉnh để sản xuất và tiêu thụ plutonium thì người ta thiết kế những lò chạy bằng neutron chậm làm sao để lợi dụng triệt để hiện tượng đó.

Trong quy trình xử lý những thanh nhiên liệu đã được phóng xạ thì người ta phân tách plutonium khỏi những nguyên tử khác nhờ một số cách thức hóa học phức tạp. Sau đó người ta đổi plutonium kim loại sang dạng oxyd và trộn 5 đến 7 phần trăm oxyd plutonium với oxyd uranium. Hỗn hợp hai oxyd này gọi là MOX (Mixed Oxyd, Oxyd Hỗn hợp). Người ta dùng hỗn hợp này như là uranium đã được làm giầu để sản xuất những thanh nhiên liệu cho những lò phản ứng hạt nhân. Hiện nay có hai chục nhà máy điện hạt nhân của Pháp tiêu thụ nhiên liệu MOX. Tuy nhiên những nhà máy đó không thể chạy toàn bằng nhiên liệu MOX nên phải đổi cách thức điều hành lò phản ứng và chỉ có một phần nhiên liệu là nhiên liệu MOX thôi.

Liên doanh Framatome Siemens đã nắm được ưu thế với lò phản ứng EPR (European Pressurized Water Reactor, Lò Phản ứng Nước Nén Âu châu) đã được thiết kế để sản xuất và dùng trực tiếp tối đa plutonium ngay trong lò. Hoa-kỳ đang nhờ Cogema, một công ty quốc doanh Pháp, trộn thử nhiên liệu MOX từ plutonium của những quả bom nguyên tử họ đã tháo gỡ. Để gia tăng nguồn nhiên liệu của họ, Nhật-bản có kế hoạch thiết kế một loại lò phản ứng chạy toàn bằng nhiên liệu MOX.

III/ Những áp dụng quân sự của plutonium

Những hãng sản xuất vũ khí đã sáng chế hai loại bom hạt nhân : bom kinh khí và bom nguyên tử. Bom kinh khí dựa trên phản ứng hợp nhất một hạt nhân deuterium De‑2 với một hạt nhân tritium T‑3. Loại vũ khí này còn được gọi là bom H. Bom nguyên tử dựa trên phản ứng phân hạch đồng vị uranium U‑235 hay đồng vị plutonium Pu‑239. Loại vũ khí này còn được gọi là bom A.

Những bom kinh khí là loại bom mạnh nhất. Loại bom đó có sức tàn phá tương đương với 50 triệu tấn TNT, hai chục nghìn lần quả bom thả xuống Hiroshima năm 1945. Nhưng sau một thời gian thi đua vũ khí điên cuồng, những nhà quân sự nhận thấy rằng không có một mục tiêu nào họ nhắm trên Thế-giới mà cần đến một quả bom mạnh đến thế. Vì thế họ duy trì những quả bom H đã được chế tạo nhưng chỉ tiếp tục sản xuất những bom A [iv].
























http://www.euronuclear.org/info/encyclopedia/p/pressurized-water-reactor.htm

Sản xuất một quả bom nguyên tử thực ra không phức tạp mấy. Nhưng làm nổ một quả bom nguyên tử không phải là một chuyện dễ. Trong một lò phản ứng dùng để nghiên cứu khoa học hay là để sản xuất điện thì năng lượng được sinh ra chậm chạp một cách liên tục. Ngược lại, muốn có một quả bom thì phải thiết kế ra sao để tất cả năng lượng chứa trong những hạt nhân phát ra trong một khoảng khắc thời gian ngắn tính bằng một phần hàng trăm tỷ giây đồng hồ.

Nếu trong quả bom có ít chất khả phân hạch thì những neutron sản xuất trong những phản ứng trước có thể lọt ra ngoài và không tham gia vào việc duy trì dây chuyền phản ứng. Vậy thì phải có một khối lượng tối thiểu chất khả phân hạch gọi là khối lượng quyết định. Xung quanh khối uranium hay plutonium phải có một thiết bị phản lại những neutron muốn bay ra ngoài và không tham gia vào dây chuyền phản ứng. Thiết bị đó gọi là một gương neutron. Ngoài ra, để tránh cho những neutron bị hấp thụ bởi những đồng vị phong phú thì hàm lượng những đồng vị khả phân hạch phải cao, ít nhất là 90 phần trăm, tốt nhất là 95 phần trăm.

Để gia tăng hàm lượng uranium U‑235 người ta lọc uranium tự nhiên để loại ra những đồng vị U‑238. Để có plutonium thì người ta phân tách những nguyên tử đó từ những thanh nhiên liệu hạt nhân đã bị phóng xạ trong một lò phản ứng hạt nhân. Sau đó, người ta lại phải lọc những đồng vị plutonium để trích ra đồng vị Pu‑239 để chế tạo bom.

Phân tách hai nguyên tử là một việc tương đối dễ vì dựa trên những phương thức hóa học. Phân tách những đồng vị của cùng một nguyên tử thì phải dùng đến quy trình cơ học dựa trên sự sai biệt giữa khối lượng của những hạt nhân. Sai biệt khối lượng giữa các đồng vị uranium U‑235 và U‑238 là 1,27 phần trăm. Sai biệt khối lượng giữa các đồng vị plutonium U‑239 và U‑240 là 0,42 phần trăm. Với những số liệu đó, lọc những đồng vị là một việc công phu và tốn kém.

Sau khi phân tách plutonium từ những nguyên tử khác của những thanh nhiên liệu thì hàm lượng đồng vị plutonium Pu‑239 đã sẵn là 70 phần trăm. Tăng hàm lượng đó lên tới 90 hay 95 phần trăm là một điều khó nhưng dễ hơn là tăng hàm lượng đồng vị uranium U‑235 từ 0,7 phần trăm lên đến 90 phần trăm. Ngoài ra, như nói ở trên, plutonium dễ phân hạch hơn là uranium. Vì những lý do đó mà plutonium được ưa chuộng để chế tạo bom nguyên từ thay vì uranium.

IV/ Kết luận

Plutonium không phải là một chất độc hóa học mà cũng không phải là một chất độc phóng xạ như nhiều người tưởng. Người ta kiểm kê plutonium còn kỹ hơn là kiểm kê vàng vì giá trị năng lượng trích ra từ một chỉ plutonium cao hơn rất nhiều giá trị một chỉ vàng. Không ai dại gì mà vứt đi hay bỏ lạc mất plutonium ra ngoài thiên nhiên để làm ô nhiễm môi trường.

Bây giờ plutonium không còn giá trị quân sự như xưa vì, ngoài một số nước lạc hậu và hung hăng, không còn nước nào sản xuất vũ khí hạt nhân nữa [v].

Những lò phản ứng neutron mau lẹ dùng uranium để khởi động và, sau đó, sản xuất và phân hạch plutonium liên tục để sinh ra năng lượng. Những lò này còn sản xuất nhiều plutonium hơn là nhu cầu để sản xuất năng lượng của chúng. Lượng plutonium bội sinh đó có thể được dùng để sản xuất nhiên liệu MOX. Uranium dùng trong những lò phản ứng neutron mau lẹ và dùng để chế biến nhiện liệu MOX sẽ là uranium tự nhiên từ mỏ uranium lấy ra, uranium đã bị làm nghèo sẵn có từ đầu kỷ nguyên hạt nhân hay uranium của những nhiên liệu đã được phóng xạ và xử lý. Nhờ thế, trong tương lai, chúng ta sẽ không phải làm giầu uranium nữa để chạy những lò phản ứng neutron chậm.

Với công nghệ hiện hành, chỉ có 0,7 phần trăm uranium tự nhiên, đồng vị U‑235, đã đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nhân loại trong 40 năm theo nhịp tiêu thụ hiện nay. Nếu tận dụng được tất cả các đồng vị uranium như kể ở trên thì có thể nhân tới hơn 99 lần tiềm năng năng lượng hạt nhân. Nếu chúng ta kể đến những khó khăn kỹ thuật, ngoài nội dung bài này, thì phải giảm nhân số trên xuống còn có 40 phần trăm hay ít hơn. Nhưng nhân số đó vẫn có thể bảo đảm nhu cầu năng lượng của nhân loại trong vài thế kỷ.

Trong khi chờ đợi, plutonium đặt ra nhiều vấn đề :

  1. plutonium sản xuất từ đầu kỷ nguyên hạt nhân đến nay vẫn chưa có công dụng vì những lò phản ứng chạy toàn bằng nhiên liệu MOX chưa được xây dựng đại tràng và những lò phản ứng neutron mau lẹ chưa được hoàn chỉnh[vi],

  2. plutonium những bom nguyên tử đang được tháo gỡ theo hiệp định giải trừ quân bị hạt nhân làm tăng thêm khối lượng plutonium đang chất đống,

  3. mặc dù plutonium được mỗi nước kiểm kê rất chính xác, mọi nước đều dối trá trong việc khai báo nên không ai biết số lượng thực sự là bao nhiêu, thất thoát là bao nhiêu,

  4. không ai biết những nước nào và những nhóm người nào đang dùng plutonium để lén lút chế tạo vũ khí hạt nhân và đang chế tạo bao nhiêu.

Với kinh nghiệm đã tích lũy về những lò phản ứng hạt nhân thì chỉ cần nghiên cứu lại những lò phản ứng phân hạch hiện nay là có thể tối ưu hóa một loại lò chỉ chạy bằng nhiên liệu MOX và chỉ cần cố gắng khai triển vài năm nữa là những lò phản ứng neutron mau lẹ sẽ được hoàn chỉnh.


[i] Chu kỳ, hay nửa đời, của một đồng vị phóng xạ là thời gian để một nửa hạt nhân đồng vị đó tự phân rã.

[ii] Chúng tôi viết "thất lạc một chút plutonium" vì tích lũy lượng plutonium nhân loại đã sản xuất từ đầu kỷ nguyên nguyên tử không có là bao nhiêu, tối đa là 2.000 tấn.

[iii] Uranium là trong số những nguyên tử có nhiều nhất trên địa cầu.

[iv] Lẽ cốt nhiên cả Liên-xô lẫn Hoa-kỳ đều không thú nhận điều này.

[v] Chúng tôi xin đề cập vấn đề này vào một dịp khác.

[vi] Những lò phản ứng neutron mau lẹ không những có thể tiêu thụ plutonium mà còn có thể chuyển vị những sản phẩm phân hạch làm một công hai việc : sản xuất năng lượng và tham gia giải quyết vấn đề phế liệu hạt nhân. Sẽ đăng về phế liệu hạt nhân.

© http://vietsciences.free.fr http://vietsciences.net Đặng Đình Cung



Việt Nam đã có công nghệ nguồn chế tạo pin nhiên liệu và đèn bán dẫn phát sáng

TS. Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển R&D, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã nghiên cứu tìm ra công nghệ chế tạo pin nhiên liệu và đèn bán dẫn phát sáng, hoàn toàn của Việt Nam mà không cần sử dụng công nghệ của nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê đang giới thiệu pin nhiên liệu và đèn bán dẫn phát sáng

SẼ CÓ XE MÁY DÙNG PIN NHIÊN LIỆU CHẠY BẰNG... NƯỚC!

Pin nhiên liệu không sử dụng xăng nên đây sẽ là một loại nhiên liệu đầy hứa hẹn, đặc biệt, nó có thể dùng để chạy xe máy với công suất tương đương xe dùng xăng, giá thành rẻ và không gây ô nhiem.


Nước là nguồn cung cấp điện năng của pin, khi nào hết nước là hết điện. Hiện nay đã có nhiều công ty, đặc biệt là các công ty chế tạo xe gắn máy liên hệ với TS. Nguyễn Chánh Khê để liên doanh chế tạo những chiếc xe gắn máy chạy bằng pin nhiên liệu.

Thật ra đã có một vài đơn vị nghiên cứu khoa học của Việt Nam chế tạo trong phòng thí nghiệm pin nhiên liệu nhưng phần lớn sử dụng vật liệu của nước ngoài chứ không phải tự chế tạo. TS. Khê cho biết: “Với công nghệ này, chúng ta tự làm toàn bộ, từ đầu đến cuối, khống chế công nghệ trọn vẹn, có thể nói đây là công nghệ nguồn của Việt Nam, không dùng công nghệ của nước ngoài”.


Ưu điểm của pin nhiên liệu này là công suất cao hơn so với pin nhiên liệu của nước ngoài (gấp 4 lần pin của Mỹ). Ngoài ra, nó được hoàn toàn làm bằng vật liệu trong nước, phương pháp sản xuất thủ công, nhờ vậy mà rẻ hơn so với nước ngoài đến khoảng... 1.000 lần! Một đặc điểm khác của pin nhiên liệu là không sử dụng nhiệt độ cao, trong khi đa số pin nhiên liệu do nước ngoài chế tạo đều phải sử dụng nhiệt độ cao.


Hiện nay công nghệ pin nhiên liệu này đã được TS. Khê đăng ký sở hữu trí tuệ tại Mỹ (ngày 3/10/2005). Pin có thể sử dụng cho rất nhiều thiết bị điện tử, chẳng hạn như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chụp hình kỹ thuật số và thậm chí cả xe hơi, và cuối cùng cũng có thể nghĩ đến một nhà máy phát điện!


Khi hết pin, chỉ cần nhỏ vài giọt nước là nó có thể hoạt động trở lại. Nước này là nước có cho thêm một số hóa chất. Pin chỉ hết khi nước đã bốc hơi hết. Để khắc phục việc này, TS. Khê nói: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đậy các nắp của ngăn chứa nước thì nó sẽ không bốc hơi được. Tuy nhiên, năng lượng của nó hiện nay cũng đã rất nhiều. Trong thời gian thử nghiệm, chỉ cần vài giọt nước là có thể dùng khoảng hơn 2 tuần”.

Loại đèn ít tốn điện nhưng phát nhiều ánh sáng


TS. Nguyễn Chánh Khê cho biết: “Công nghệ chế tạo đèn bán dẫn phát sáng do tôi nghiên cứu là một công nghệ không những mới ở Việt Nam mà còn rất mới trên thế giới. Công nghệ này tôi đã đăng ký sở hữu trí tuệ tại Mỹ. Hiện nay công suất của nó lớn hơn công suất đèn bán dẫn phát sáng thương mại của thế giới từ 100 đến 1.000 lần (tùy loại)”.


TS. Khê phân tích: “Ưu điểm của nó so với đèn bình thường là tốn hao ít năng lượng. Nó phát ra ánh sáng trắng nên có thể thay thế các loại đèn hiện nay. Tuổi thọ của nó rất cao, khoảng 50.000 giờ đến 100.000 giờ, so với đèn bình thường chỉ khoảng 2.000 giờ, nó chỉ cần từ 1 - 2 V, trong khi đèn bình thường 110 - 220V. Ưu điểm nữa là nó không phát nhiệt trong khi các loại đèn bình thường phát nhiệt, nhờ vậy không sợ hỏa hoạn do đèn quá nóng”. Công nghệ mới này hơn hẳn các công nghệ của nước ngoài hiện nay là làm cho việc phát nhiệt hầu như không có, do đó nó tận dụng toàn bộ năng lượng chuyển thành ánh sáng. Về giá thành, khi chế tạo hàng loạt có thể bằng hoặc thậm chí rẻ hơn bóng đèn bình thường.


Theo TS. Nguyễn Chánh Khê, loại đèn này có thể dùng cho vùng sâu vùng xa do tiêu tốn ít năng lượng. Trong thành phố cũng có thể sử dụng nó rất hiệu quả, đặc biệt là khi cúp điện, chỉ cần dùng pin là có thể chiếu đủ sáng căn phòng, trong khi đèn bình thường không thể dùng pin như vậy.


TRƯỜNG SƠN

Friday, November 25, 2005

Giá xăng: Lên rồi chừng nào xuống?

Close


* Doanh nghiệp muốn giảm giá nhưng phải chờ Nhà nước
* Bộ Tài chính: một thời gian nữa mới quyết định
* Người dân trông chờ sự sòng phẳng: có lên, có xuống

TT - Khi giá dầu thế giới giảm mạnh, người dân cũng bắt đầu mong ngóng giá trong nước giảm theo. VN chưa từng có tiền lệ điều chỉnh giảm giá xăng dầu, liệu lần này giá có theo qui luật thị trường là có lên, có xuống?

Theo Bộ Tài chính, hiện các cơ quan chức năng đang đề xuất hai khả năng điều tiết thị trường xăng dầu theo hướng Nhà nước và người tiêu dùng cùng có lợi. Đó là song song giảm giá xăng 500 đồng/lít và tăng thuế nhập khẩu xăng lên 10%.

Doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đã quen với việc chính sách thuế “phập phù” nhưng với người tiêu dùng, việc giảm giá xăng - dù không đáng kể - vẫn là một tín hiệu đáng mừng rằng Chính phủ đang sẵn sàng để giá xăng trong nước tiệm cận với giá thế giới.

Tất cả cùng... chờ

Ông Nguyễn Phước Thanh - giám đốc Vietcombank TP.HCM: Giảm giá có lợi hơn giữ giá

Các đợt tăng giá xăng dầu trước đây đã tạo ra tâm lý giá chỉ có lên. Nay, nếu thật sự có đủ điều kiện để giảm giá xăng dầu thì Nhà nước cũng nên giảm để người tiêu dùng cảm nhận rằng giá xăng dầu đã được hội nhập với giá thế giới.

Hội nhập, đó là có lên, có xuống. Vậy thì nên chọn phương án giảm giá xăng dầu có lợi cho cộng đồng hơn là giữ giá, tăng thuế để điều tiết lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Trong tình hình hiện nay, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên đến 7,2% thì giảm giá xăng dầu có nhiều cái lợi: thứ nhất, tạo ra một tâm lý nghịch lại với tâm lý đã hình thành bấy lâu nay, giá cả chỉ có tăng lên mà không giảm; thứ hai, tiếp tục kềm hãm, không để giá cước vận chuyển, đi lại tăng thêm, ảnh hưởng đến mức tăng CPI.

Cần lưu ý rằng trong chín tháng đầu năm, nhóm hàng vận chuyển - bưu điện có mức tăng đến 9,8%, cao nhất trong số các nhóm hàng hóa - dịch vụ hình thành CPI.

T.TUYỀN

Ông Bùi Ngọc Bảo, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), nói: “Ở góc độ một nhà kinh doanh, khi mua rẻ tôi rất muốn bán rẻ để thúc đẩy tiêu dùng và tăng lợi nhuận tuyệt đối. Nhưng trong tình hình Nhà nước còn đang kiểm soát 100% thị trường xăng dầu, chúng tôi chỉ biết... chờ mà thôi”.

Trong lúc Petrolimex và chín đầu mối kinh doanh khác chờ động thái mới từ Chính phủ, họ được hưởng những khoản lợi kha khá từ chênh lệch giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước.

Giá xăng A92 nhập khẩu từ Singapore hiện đang xoay quanh dưới 60 USD/thùng, nhập về ở mức giá này cộng với mức thuế nhập khẩu mới 5% và các loại thuế phí khác, các DN lời 800-1.000 đồng/lít.

Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn phải trả 10.000 đồng để mua một lít xăng, tương đương thời điểm giá xăng A92 nhập khẩu vượt trên 70 USD/thùng. Chính vì vậy, người dân đang đợi một sự sòng phẳng từ Chính phủ theo đúng cam kết Chính phủ - doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng san sẻ... giá xăng.

Sự sòng phẳng ấy, theo tiến sĩ Ngô Trí Long, phó viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), chính là tôn trọng qui luật giá cả thị trường kiểu “nước lên thì thuyền lên” và ngược lại.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lịch, viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Thương mại), cũng cho rằng trên nguyên tắc Nhà nước không thể mãi can thiệp quá sâu vào thị trường, kể cả thị trường xăng dầu.

Lúc lên, lúc xuống

Anh Nguyễn Quốc Châu, nhân viên tiếp thị Công ty thực phẩm Phú Gia (Q.11, TP.HCM), than thở: “Công việc của tôi tối ngày chạy ngoài đường, nhưng mỗi lần móc túi đổ xăng đều thấy giá lên chứ chẳng bao giờ thấy giá xuống”.

Rồi anh cười nói thêm: “Khoản giảm 500 đồng thật ra rất bé nhỏ so với những lần tăng cao trước đó, nhưng giảm bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu chứ sao! Mà lỡ sau này giá có lên lại tôi cũng thấy bình thường vì trước đó cũng đã biết được cảm giác... giảm giá thế nào rồi!”.

Ông Trương Quang Mẫn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mai Linh, cho biết Mai Linh hiện có khoảng 3.000 xe taxi. Với mức tiêu thụ xăng trung bình 15 lít/xe thì một ngày Mai Linh “ngốn” khoảng 45.000 lít, nếu giảm 500 đồng/lít thì đỡ ngay khoảng 22,5 triệu đồng/ngày.

“Nếu giá xăng hạ thì người lao động sẽ được hưởng lợi vì chúng tôi đang thực hiện mức ăn chia theo tỉ lệ DN hưởng 6, lái xe nhận 4” - ông Mẫn nhẩm tính.

Ông Mẫn cũng cho rằng giá lên - giá xuống là một qui luật tất yếu của thị trường, vì thế nếu Nhà nước nghĩ đến việc giảm giá, rồi sau đó lại tăng giá theo giá thế giới thì DN cũng rất dễ chấp nhận.

Người dân vẫn chưa rõ đến bao giờ giá xăng dầu trong nước mới giảm đây? - Ảnh: N.C.T.
Đã tính phương án giảm giá

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, hiện các chuyên gia của bộ vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả trước khi có đề xuất chính thức lên Chính phủ.

“Phương án giảm giá đã được tính đến nhưng còn cần theo dõi thêm một thời gian nữa để thấy rõ xu hướng giá thế giới rồi mới quyết định được” - ông Trung nhấn mạnh.

Ông Hoàng Thọ Xuân, vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, cho rằng việc xem xét điều chỉnh lại giá bán lẻ là điều “tất yếu và sòng phẳng” với người tiêu dùng nếu các DN đầu mối đã cân đối được lỗ lãi.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, người dân cũng cần... thông cảm nếu Chính phủ chưa giảm giá được ngay, vì ngay lúc giá thế giới lên đỉnh điểm, giá trong nước mặc dù có tăng nhưng vẫn còn một khoảng cách nhất định với giá thế giới, tức vẫn được bảo hộ một phần thông qua việc giảm thuế.

Nay giá xuống thì điều tiên quyết là phải tạo nguồn thu ngân sách trước, sau đó nếu giá tiếp tục giảm ổn định thì mới tính đến khả năng giảm giá.

“Thật ra, việc giảm giá không khó nhưng chúng ta cũng đâu biết trước được rằng ngay nay mai thôi giá thế giới sẽ tăng trở lại. Vả lại, với mức giá hiện nay chúng ta đã phải chịu cảnh “chảy máu” nhiên liệu, hạ thêm một chút ít người tiêu dùng trong nước không được lợi bao nhiêu mà thật ra đất nước lại mất đi rất nhiều” - ông Long phân tích.

Thu ngân sách cho đủ

Giá dầu thấp nhất trong 5 tháng qua

Sáng 18-11, giá dầu thô tại Mỹ đã lên lại, đạt 56,36 USD/thùng. Khi đóng cửa thị trường giao dịch tối trước, giá dầu thô tại thị trường New York (Mỹ) giảm còn 56,33 USD/thùng, thấp nhất trong năm tháng qua.

Giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 1-2006 giảm 1,15 USD xuống còn 54,92 USD/thùng trên thị trường London. Giới chuyên môn lý giải hiện tượng này do thời tiết ấm bất thường trong tháng đầu mùa đông ở bắc bán cầu và nguồn dầu dự trữ tại Mỹ đang ở mức khá cao.

Các nhà phân tích còn cho rằng giá dầu hiện nay chỉ là tạm thời và sẽ tăng trở lại một khi thời tiết lạnh hơn.

Tuy nhiên giá dầu khó thể đạt đến mốc kỷ lục 70,85 USD/thùng như hồi tháng tám, trừ khi xảy ra những diễn biến xấu bất thường liên quan đến việc khai thác dầu trên thế giới.

SƠN NGUYỄN (Theo AP, Bloomberg)

Vậy cơ chế nào để việc điều hành thị trường xăng dầu thoát khỏi cảnh lẩn quẩn hết thay đổi giá đến thuế hiện nay?

Ông Bùi Ngọc Bảo nói: “Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là hãy thu ngân sách cho thật đủ để khỏi lấn cấn trong điều hành, vì các DN kinh doanh như chúng tôi sẵn lòng chấp nhập một mức thuế cao nhưng ổn định, chẳng hạn áp dụng mức 25-30% như trước đây. Sau đó, hãy để các DN ngồi lại với nhau bàn mức giá bán thích hợp trên cơ sở một mức lãi hợp lý dựa trên giá định hướng của Nhà nước”.

Điều ông Bảo nói cũng phù hợp với nghị định 187 của Chính phủ về qui chế quản lý kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1-1-2004. Theo đó, các DN được tự quyết định giá bán xăng các loại trên cơ sở giá định hướng của Nhà nước với biên độ +_10%.

Tuy nhiên, chỉ vì các cơ quan chức năng sợ “nền kinh tế và người tiêu dùng không chịu đựng nổi” nên cho đến nay chính sách này vẫn chưa được triển khai vào thực tế.

Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cho rằng do hầu hết xăng được dùng cho tiêu dùng chứ không phải là đầu vào của sản xuất nên đòi hỏi của người tiêu dùng phải là đối tượng đầu tiên được quan tâm tới khi thiết kế chính sách.

Và với hầu hết người dân, một cuộc chơi sòng phẳng “giá có lên - có xuống” là điều mà họ kỳ vọng vào Chính phủ.

T.V.NGHI - N.HẰNG - N.LINH

Thursday, November 24, 2005

Tuần tới: Khởi công nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tin từ Tổng công ty Dầu khí VN (Petro Vietnam), được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 28-11 tới, Petro Vietnam cùng tổ hợp nhà thầu nước ngoài Technip (Pháp), JGC (Nhật Bản) và Technicas (Tây Ban Nha) sẽ tiến hành lễ khởi công Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Nhà máy có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, sản phẩm gồm xăng 90, 92, khí hoá lỏng (LPG), dầu hoả, diezel, mazut và các chế phẩm khác. Tổng vốn đầu tư nhà máy này khoảng 2,5 tỷ USD.

Dự kiến khi đi vào hoạt động (đầu năm 2009), Nhà máy sẽ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Theo VOV

Nguồn phát điện mới của TQ

TTO - Trung Quốc đang phát triển một phương pháp phát điện mới từ metan vỉa than với tổng công suất hiện tại là 90.000kW. Theo các chuyên gia, metan vỉa than là một phần của năng lượng sạch và là nguồn phát điện đầy hứa hẹn trong tương lai gần.

Liu Wenge, phó chủ tịch trung tâm thông tin metan vỉa than thuộc Viện thông tin than đá Trung Quốc cho biết cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, metan vỉa than đã trở thành một nguồn phát điện mới tại Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết ngoài dự án phát điện 90.000kW hiện tại, nhiều dự án khác với công suất 150.000kW cũng đang được lên kế hoạch nhằm chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Hiện nhà máy phát điện metan vỉa than với công suất 120.000kW đang được xây dựng tại tỉnh Sơn Tây thuộc miền bắc Trung Quốc, sẽ là nhà máy phát điện lớn nhất thế giới theo phương thức này sau khi hoàn thành.

Liu cho biết trang bị chính của Trung Quốc cho phát điện metan vỉa than là các tuabin hơi đốt và các động cơ đốt trong mà các nhà máy phát điện hoạt động bằng lửa than hiện nay có thể dễ dàng được xây dựng lại thành nhà máy phát điện metan vỉa than. Cũng theo Liu, metan vỉa than là một phần của nguồn năng lượng sạch và là nguồn phát điện đầy hứa hẹn trong tương lai gần.

T.VY (Theo Xinhua)

Thiết bị tiết kiệm điện thông minh: 30%, 50% và 83%

Sáng tạo trẻ

Anh Nguyễn Tử Trí kiểm tra các thông số của thiết bị trong phòng thí nghiệm của mình tại nhà - Ảnh: Thanh Đạm
TT - Anh Nguyễn Tử Trí, giám đốc Công ty Phương Đức Asia (tác giả con “IC thông minh” tiết kiệm xăng - Tuổi Trẻ 19-8-2004), cho biết: “Mình mới làm cái này dùng cho máy lạnh, tiết kiệm điện lên đến 50% đấy”.

“Cái này” là bộ thiết bị tiết kiệm điện năng dùng cho máy lạnh nhỏ gọn nằm trên bàn. Anh cho biết mình dùng nguyên lý lập trình sao cho thông qua thiết bị, máy lạnh chạy hợp lý: có chạy, có nghỉ, tỏa độ ẩm thích hợp. “Thai nghén trên năm nay và cứ từng bước điều chỉnh cho đến khi máy hoàn thiện” - anh Trí cho biết. Theo tính toán của anh, thiết bị này có thể tiết kiệm điện khi sử dụng máy lạnh: ban ngày là 20%, ban đêm tới 50%.

Để khách quan, chúng tôi mang thiết bị ráp ở hai nơi: một tại nhà anh Lê Quang Vũ (Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM) và một đặt ở Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM).

Sau một tháng, gia đình anh Lê Quang Vũ (sử dụng thiết bị tiết kiệm điện này cho máy lạnh một ngựa 750W, nhiệt độ thường sử dụng là 26OC, dùng từ 20g30 hằng đêm) nhận xét: “Thiết bị hoạt động theo chế độ lập trình sẵn có chạy có nghỉ; đặc biệt sau 23g30 mỗi đêm, nó điều chỉnh để máy lạnh hoạt động chủ yếu chỉ còn chế độ quạt”. Lượng điện tiêu thụ của gia đình anh Vũ: các tháng trước trung bình 280.000 đồng/tháng; sau khi ráp thiết bị tiền điện tháng 10-2005 là 195.000 đồng (giảm khoảng 30%).

Mẫu thử của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng trên máy lạnh gia đình loại 2 khối hiệu National, công suất điện 2Hp, công suất lạnh 18.000 BTU/h. Thiết bị đo là máy đo tự ghi MV100, CW121 với thông số đo kiểm: nhiệt độ không gian điều hòa (OC), nhiệt độ ngoài trời (OC); độ ẩm không khí không gian điều hòa (%); điện dòng (A), áp (V), công suất thực (kW), công suất phản kháng (kVA), hệ số công suất, tần số dòng điện (Hz), điện năng tiêu thụ (kWh).

Trung tâm tiến hành so sánh kết quả trong hai trường hợp không sử dụng và có sử dụng bộ tiết kiệm điện (thời gian đo: một ngày đêm cho mỗi trường hợp với phụ tải lạnh như nhau). Kết quả: khi sử dụng bộ tiết kiệm điện, máy đo ghi được thông số: ban ngày lượng điện tiết kiệm không đáng kể, nhưng ban đêm (18g-24g) tiết kiệm 26%; (24g-8g30) là 83%.

Anh Phạm Duy Phong, trưởng phòng kỹ thuật - R&D Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, đánh giá: “Bộ tiết kiệm đem lại hiệu quả tiết kiệm điện đặc biệt vào ban đêm, thích hợp với máy lạnh cục bộ, nhất là máy đời cũ”.

Thực tế anh Nguyễn Tử Trí đã ráp thiết bị ở một số gia đình (giá 560.000 đồng/bộ, gồm phí lắp đặt). Một số khách hàng nhận xét: giảm 50% tiền điện hằng tháng; độ ẩm phòng được giữ ở mức dễ chịu, không khô da.

ĐẶNG TƯƠI

Monday, November 14, 2005

TP Hồ Chí Minh: Khách sạn đầu tiên sử dụng năng lượng mặt trời


(11/5/2005 10:37:14 AM)

Khách sạn Sài Gòn (Cty Cổ phần Khách sạn Sài Gòn) tọa lạc trên đường Đông Du – một trong những con đường đẹp nhất trung tâm Sài Gòn. Khách sạn Sài Gòn với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn 3 sao và chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao nên địa chỉ này luôn là điểm dừng chân của nhiều khách phương xa mỗi lần tới thành phố. Năm 2004, doanh thu của Sài Gòn đạt 14 tỷ đồng và dự kiến năm nay là 17 tỷ đồng.


Tháng 6/2005, Khách sạn Sài Gòn làm nhiều người “giật mình” vì bỗng nhiên tháo toàn bộ máy đun nước nóng tại 100 phòng ngủ mang đi... bán. Từ đây, Khách sạn Sài Gòn bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, mang tên SOLAR–BK. Đây là sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng của Trung tâm nghiên cứu thiết bị nhiệt và năng lượng mới (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh). Khách sạn Sài Gòn là đơn vị lắp đặt quy mô công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại thành phố sử dụng thiết bị này.


Hệ thống SOLAR–BK gồm bồn chứa nước lạnh, thùng trữ nước nóng, tấm hấp thu nhiệt collector, van xả cặn, ống thông hơi được liên kết với nhau và hoạt động theo nguyên tắc đối lưu tự nhiên. Khi có bức xạ mặt trời, nước nóng trong collector nóng dần lên, những phân tử nước sẽ nóng không đồng đều. Sự chênh lệch nhiệt độ sẽ tạo nên chuyển động tự nhiên của các phân tử nước. Nước nóng sẽ chuyển lên thùng chứa và nước lạnh sẽ lại chảy vào collector, cứ như thế tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, nước trong thùng sẽ nóng dần lên. Từ đây nước sẽ được chuyển tới từng khu vực. Để phòng bị cho trường hợp nhiều ngày không có nắng, khách sạn đã sử dụng thiết bị cung cấp nhiệt tự động có cài đặt theo chương trình để bổ sung và ổn định nhiệt cho nguồn nước.


Tổng chi phí lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời là 400 triệu đồng. Hệ thống này tiết kiệm từ 70 – 80% lượng điện tiêu thụ, dự kiến chỉ sau 2 - 3 năm khách sạn sẽ “hoàn vốn” và sử dụng miễn phí trên 20 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tuổi thọ của thiết bị này cao gấp 2 lần so với máy đun nước nóng sử dụng điện, đồng thời có độ an toàn tuyệt đối (trong khi sử dụng thiết bị bằng điện vẫn có khả năng xảy ra sự cố). Thiết bị SOLAR–BK không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Khách hàng có nguồn nước nóng “thiên nhiên” 24/24h mà không phải làm một thao tác “thủ công” bật máy nước nóng và chờ ít nhất 5’ mới có thể sử dụng được. Nhiệt độ của nước luôn ở mức 45 – 60oC, không quá nóng, nhất là không gặp phải “sự cố” khi mạnh tay điều chỉnh quá độ nóng khi sử dụng thiết bị điện.Kỹ sư Huỳnh Mẫn Đạt, Trưởng phòng Kỹ thuật của Khách sạn Sài Gòn cho biết, từ lúc lắp đặt SOLAR-BK chúng tôi tuyệt đối yên tâm vì không lo gặp sự cố kỹ thuật điện, hệ thống đường điện cho 100 phòng đã được tinh giảm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thiết bị để có những điều chỉnh hiệu quả nhất.

Khách sạn Sài Gòn sử dụng nguồn năng lượng mới, không những tiết kiệm cho DN mà góp phần tiết kiệm nguồn điện cho đất nước. Thiết nghĩ mô hình này cần được nhân rộng vì đây là nguồn năng lượng vô tận để phát triển kinh tế và đời sống.

MT

Máy lọc nước dùng năng lượng mặt trời


(11/8/2005 10:06:20 AM)

Chỉ cần sử dụng ánh sáng mặt trời, máy NCT-01 có thể biến nước mặn, nước bị ô nhiễm thành nước tinh khiết - Đó là sản phẩm do Kỹ sư Phan Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu công nghệ mới thành phố Hồ Chí Minh chủ trì nghiên cứu.


Máy NCT-01 là một hệ thống gồm một hệ thống gương parabol có đường kính 1,5 mét, nồi chứa nước(nước mặn hoặc nước bị ô nhiễm), bộ ngưng tụ, hộp than hoạt tính để lọc nước. Gương parabol được tạo bởi 480 mảnh gương vụn dán trên một miếng tôn cong theo hình parabol, gương sẽ tự động xoay bắt bám theo mặt trời để tạo năng lượng đun nước. Sau đó hơi nước đi qua bộ ngưng tụ hình xoắn ốc để cho ra nước ngọt- trung bình 10 lít nước mặn sẽ tạo được 7 lít nước ngọt. Trường hợp sử dụng nước bị ô nhiễm, máy có thêm bộ phận hộp than họat tính tạo ra nước tinh khiết. Sau khi chế tạo , máy đã được sử dụng thử ở Lâm Đồng và Bình Thuận, những nơi rất thiếu nước ngọt vào mùa khô- đã được nhân dân rất hoan nghênh.



Kỹ sư Phan Trí Dũng rất tâm đắc với sản phẩm, vì nó giúp cho người dân ở vùng khan hiếm nước, nước bị ô nhiễm có nguồn nước tinh khiết để sử dụng và giá thành của máy lại rẻ, tiết kiệm được năng lượng. Nhân dân các địa phương trên đã đặt mua hàng trăm máy về để dùng tại nhà.

Phương Anh

Monday, November 07, 2005

Sạc năng lượng mặt trời cho iPod và ĐTDĐ


TT - Hãng MySoldius cho ra đời Soldius1 - thiết bị sạc pin bằng năng lượng mặt trời đầu tiên dành cho các máy nghe nhạc iPod và điện thoại di động (ĐTDĐ) (hỗ trợ hơn 250 model điện thoại khác nhau).

Người dùng chỉ cần cắm một đầu dây sạc vào iPod, ĐTDĐ, đầu còn lại nối với Soldius và mang Soldius ra ngoài trời nắng là có thể sạc được rồi. Chỉ cần ánh nắng mặt trời tốt là 2-3 tiếng sau iPod và ĐTDĐ của bạn đã đầy năng lượng để tiếp tục sử dụng. Giá của Soldius1: 89,99 - 109,99 USD.

C.TRUNG (Theo Mobilemag)

Thuyền chạy bằng dầu hướng dương!


04/11/2005 22:30

Các nông dân Ý đã chế tạo chiếc thuyền máy đầu tiên trên thế giới chạy bằng dầu hướng dương - một loại "nhiên liệu sinh học" có thể thay thế cho các nhiên liệu gây ô nhiễm hiện nay.

(TTO/Xinhua)





Động cơ chạy bằng dầu hướng dương có chi phí thấp và thân thiện với môi trường

Chiếc thuyền này đã được dùng để tuần tra trên hồ Como ở miền bắc nước Ý trong thời gian diễn ra một hội nghị quốc tế về nông nghiệp và thực phẩm tại thị trấn Cernobbio.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy dầu hướng dương ít hao năng lượng hơn so với nhiên liệu thông thường mà giá cả cũng rất cạnh tranh.

Theo chủ tịch Hiệp hội nông dân Coldiretti, Paolo Bedoni, kỹ thuật này có thể dễ dàng được sử dụng trong các tàu thuyền nhỏ, máy dùng cho nông nghiệp, xe tải nhỏ, xe buýt và thậm chí là xe hơi.

Theo tính toán, một nông dân có thể xản xuất khoảng 3.000 kg hạt hướng dương/1 ha và từ 3.000 kg hạt này có thể cho khoảng 1.300 kg dầu. Giá bán mỗi kg dầu hướng dương chỉ khoảng 50 cent, tương đương giá dầu diesel.
PDF

Hải Dương: Hầm biogas cứu nghề giết mổ gia cầm thôn Văn Thai


(11/5/2005 10:15:26 AM)

Thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng ( Hải Dương) xưa nổi tiếng là “lò” sát sinh trâu. Có thời 30 lò của thôn mổ tới 40-50 con mỗi đêm. Dịp lễ Tết con số này tăng lên tới 60-70. Một công nghệ từ giết mổ, phân chia sản phẩm các loại thịt ngon nhất tới món dạ sách, rồi tai, mũi, chân guốc... đều trở nên hoàn hảo. Người Văn Thai mổ trâu nhanh như người ta mổ gà vậy. Tuy nhiên đi theo món tiền lời thu được, là cả một vấn đề chất thải “bốc mùi” khắp làng. Ban đầu là mùi phân rác trên các con đường, các nơi nuôi gom trâu mới mua về. Khi giết mổ, những gì thải ra từ con vật mới thật khủng khiếp. Sợ nhất lại chính là những đống xương ngâm dưới ao đen ngòm không sinh vật nào sống nổ, dòi bò cao tới 3 phân.


Giờ thì cái nghề này mai một đi nhiều, chỉ còn 7 hộ trụ lại. Người Văn Thai đang tìm nghề khác sạch hơn. Nhưng đối với các hộ còn lưu giữ nghề này, họ đã có hầm Biogas cứu giúp. Tất cả đồ thải ra của con trâu đều được “tống” xuống chiếc hầm vạn năng này. Và khí của nó không chỉ dùng sinh hoạt hàng ngày, mà còn làm sôi cả nước giết mổ những con trâu kế tiếp. Có tới 60 gia đình Thôn Văn Thai làm hầm Biogas dù gia đình họ không sống bằng nghề giết mổ gia súc. Cái mùi khủng khiếp xưa đã mất, thay vào đó là sánh sáng đèn cao áp toả các ngả đường thôn mỗi khi đêm về.

TL

Sunday, November 06, 2005

Nhà máy điện chạy bằng rác thải

UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản chấp thuận việc xây dựng nhà máy điện chạy bằng rác thải do Công ty ENVIROMONDIAL (Canada) đầu tư trên địa bàn thành phố.

Nhà máy điện này có công suất thiết kế 9 - 36MW, tỷ lệ rác thải còn lại sau xử lý là 0%, mức độ ô nhiễm môi trường trong giới hạn cho phép.

Tổng vốn đầu tư của công trình khoảng 15 - 65 triệu USD (100% vốn nước ngoài), xây dựng trên diện tích 15.000m2. Hiện Sở Xây dựng Đà Nẵng đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư khảo sát tìm vị trí thích hợp để xây dựng, đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư khảo sát tình hình xử lý rác thải của thành phố để lên kế hoạch hoạt động cho nhà máy sau khi xây dựng xong.

Dự kiến nhà máy điện chạy bằng rác thải ở Đà Nẵng sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2006 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2009.

Theo VietNamNet

Thủy điện có còn nước để hoạt động?

Thứ Bảy, 05/11/2005, 19:05 (GMT+7)

Tàn phá rừng đầu nguồn thủy đện Khe Diên:

Một cây to vừa bị hạ

TTCN - Rừng đầu nguồn thủy điện Khe Diên nằm ở phía tây huyện Quế Sơn giáp với huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Đây là khu rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta với nhiều loại gỗ quí hiếm và thảo dược có giá trị phục vụ y học, nhiều loại chim thú hoang dã được ghi vào Sách đỏ. Trong rừng còn có hệ thống khe suối chằng chịt đổ dồn vào khe Diên rồi chảy về sông Thu Bồn.

Chính phủ đã cho xây dựng tại đây một công trình thủy điện có công suất 9MW mang tên Khe Diên, được khởi công từ đầu năm 2004 và dự kiến khánh thành vào 2-9-2006 với tổng kinh phí là 2.006 tỉ đồng.

Từ nhiều năm nay hàng trăm người từ khắp nơi đang đổ về phá rừng. Họ đi thành nhiều tốp, chặt hạ tất cả cây to nhỏ sơ chế tại chỗ rồi dùng đàn trâu đông hàng chục con ngày đêm vận chuyển. Dưới suối khe có đội quân cửu vạn dùng phao chuyển gỗ. Nếu chuyển không hết, họ thả gỗ trôi trên khe để về bến và có xe công nông, xe ben chuyển về xuôi. Theo ước tính, mỗi ngày rừng đầu nguồn của thủy điện mất 50-70 khối gỗ. Rừng đang chết từng ngày! Khi công trình thủy điện hoàn thành, liệu có còn nước hoạt động?

Cửu vạn chuyển gỗ từ bến khe lên xe công nông Lao gỗ xuống bờ khe chờ kết bè chuyển đi

Trâu đang chuyển gỗ đến bãi tập kết chờ ôtô chuyển đi Đàn trâu đang kéo gỗ vượt suối Ba Khe, thượng nguồn khe Diên

Thả gỗ trôi trên suối sau khi khai thác Gỗ khai thác để từng đống chờ trâu đến chuyển

Gỗ được buộc vào phao chuyển trên khe Diên Xe công nông chuyển gỗ về xuôi

Gỗ kết bè từ thượng nguồn chuyển về cập bến

VŨ CÔNG ĐIỀN

Thursday, November 03, 2005

Pin mặt trời giá rẻ sắp được sản xuất đại trà

11/2/2005 12:33:41 AM

Những chiếc pin mặt trời giá rẻ đầu tiên được làm từ nhựa tổng hợp sẽ được bán ra thị trường sau 5 năm tới. Đó là thông báo mới nhất của các nhà khoa học - những người đang ganh đua nhau ngày càng quyết liệt trong lĩnh vực này.

Thời "hoàng kim" của than, dầu mỏ và khí đốt đang dần trôi qua, mặc dù chậm chạp nhưng đó là tất yếu. Sớm hay muộn thì trữ lượng của chúng cũng sẽ cạn kiệt. Vậy phải thay chúng bằng gì? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, năng lượng mặt trời là thứ mà chúng ta phải chế ngự được để biến thành nhiệt năng và điện năng.

Ở đây bắt đầu xuất hiện vấn đề, bởi vì bất kỳ gia đình nào trang bị cho mình những chiếc pin mặt trời đều biết rõ cần phải đầu tư với chi phí cao như thế nào. Tại sao vậy? Bởi vì trong những chiếc pin truyền thống để lấy năng lượng mặt trời là những tinh thể thạch anh mà giá thành sản xuất chúng rất cao. Người ta tạo ra thạch anh ở nhiệt độ khoảng 1500 độ C trong chân không. Điều này đòi hỏi tốn nhiều năng lượng lấy từ những loại nhiên liệu truyền thống.

Tuy nhiên thạch anh không phải là thứ duy nhất. Còn cả nhựa tổng hợp nữa. Đúng hơn là những chất polyme dẫn điện, được khoa học biết đến từ một phần tư thế kỷ nay. Vào những năm 90 thế kỷ trước, người ta sử dụng chúng để sản xuất ra các đi ốt quang điện. Từ vài năm nay, các nhà khoa học thử nghiệm dùng nhựa tổng hợp để chế tạo pin mặt trời. Nếu như thành công thì đó là bước ngoặt lớn, là cuộc cách mạng trong khoa học bởi vì với giá thành rất rẻ mà chúng ta tiếp cận được với nguồn năng lượng phổ biến nhất, mà trữ lượng còn dồi dào cho hàng tỷ năm sau.

"Khác với thạch anh, polyme dẫn điện có thể được tạo ra trong nhiệt độ bình thường. Hơn nữa, lớp nhựa mỏng được sắp xếp nhờ kỹ thuật tương tự như kỹ thuật in, do vậy không tốn nhiều năng lượng - GS. Adam Pron thuộc trường ĐH Bách khoa Vacsava (Ba Lan), hiện đang làm việc ở Ủy ban năng lượng nguyên tử tại Grenoble (Pháp) - giải thích như vậy.

Những nghiên cứu tương tự hiện đang được thực hiện tại nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới, tuy nhiên mức độ cạnh tranh có thể thấy rõ ở Mỹ, nơi mà thậm chí các nhóm nghiên cứu khác nhau trong cùng một trường ĐH cũng ganh đua với nhau. Chẳng hạn như tại trường ĐH California, nhóm nghiên cứu của GS. Yang Yang vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí "Nature Materials" vào đầu tháng 10, thì mới đây, nhóm nghiên cứu của GS. Paul Alivisators ở Berkeley lại giới thiệu những phát hiện mới nhất trên tạp chí "Science".

Cả hai nhân vật trưởng nhóm là hai nhà bác học kiệt xuất. GS.Yang Yang là học trò của nhà bác học Alan Heeger, người được nhận giải Nobel năm 2000 về Hóa học vì đã phát hiện những tính chất khác thường của polyme dẫn điện (cùng với 2 nhà bác học khác là Alan McDiarmlid và Hideaki Shirakawa). Còn Alivisatos là chuyên gia hàng đầu về tinh thể nanô - những tinh thể đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ năng lượng mặt trời trên trái đất.

GS. Malgorzata Zagorska (Trường ĐH Bách khoa Vacsava - Ba Lan), hiện đang nghiên cứu tinh thể nano bán dẫn, giải thích: "Tinh thể nano là những vật thể có độ lớn từ một đến vài ba nano mét. Tinh thể nano phổ biến có hình cầu. Nó rất nhỏ. Quả bóng bàn nhỏ hơn trái đất bao nhiêu lần thì tinh thể nano hình cầu nhỏ hơn quả bóng bàn bấy nhiêu lần".

Chính Alivisator vào năm 2002 đã đề nghị đưa những sợi nano bán dẫn vào trong polyme. Ông cho rằng phương pháp này có thể tăng hiệu suất của pin mặt trời làm bằng nhựa tổng hợp. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là thậm chí những polyme dẫn điện tốt nhất (chẳng hạn như polyme P3HT) cũng không phân chia thật tốt điện tích dương và điện tích âm. Nói tóm lại nó không biết cách tạo ra dòng điện từ ánh sáng. Cần phải có thêm một thứ khác - chẳng hạn như tinh thể nano, để giúp polyme tạo dòng điện.

Sau khi Alivisators quyết định nhúng sợi nano hợp chất salen - cátmi (một chất bán dẫn tương tự như silic) vào nhựa tổng hợp, thì chiếc pin nguyên thủy của ông đạt hiệu suất 1,7%, nghĩa là có chừng ấy phần ánh sáng mặt trời biến đổi thành dòng điện. Như thế vẫn còn quá ít, ít hơn 10 lần so với hiệu suất một chiếc pin thạch anh cỡ trung bình; chưa nói đến những chiếc pin tốt nhất (và cũng đắt nhất) với hiệu suất đạt tới 35%.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ lại những ưu điểm khi sử dụng pin bằng nhựa tổng hợp. Thứ nhất, giá thành sản xuất rất rẻ (đã đề cập ở trên). Thứ hai: pin bằng nhựa tổng hợp có tính tương thích cao. Chúng rất mỏng - lớp polyme chỉ dày có vài trăm nano mét - đồng thời rất dẻo. Do vậy có thể dùng chúng để phủ lên cửa kính, màn hình máy tính xách tay hoặc điện thoại di động; thậm chí có thể phun thứ hỗn hợp sản xuất ra điện từ ánh nắng lên quần áo. Nếu như chúng ta tăng được hiệu suất của thứ nhựa này thì chúng ta đã có trong tay thứ "động cơ gần như là vĩnh cửu" rồi. Vấn đề là tăng bằng cách nào?

Nhà khoa học ALan Heeger

Chính nhà khoa học ALan Heeger - người được giải Nobel, và cộng sự của ông là Serdar Saricftci đã đưa ra ý tưởng mới - đó là đưa fuleren vào nhựa tổng hợp. Được phát hiện vào năm 1990, fuleren là phân tử các bon cấu thành từ nhiều nguyên tử và tạo ra những hình dạng, cấu trúc không gian khác nhau: hình cầu, hình lò xo và hình ống. Fuleren C60 được tìm ra đầu tiên. Phân tử của nó gồm 60 nguyên tử các bon và trông như một quả bóng. Heeger và Sariciftci đã trộn lẫn chất phái sinh của fuleren C60 với nhựa tổng hợp và tạo được pin có hiệu suất 2%.

Phương pháp của họ sau đó đã được nhà khoa học Yang Yang hoàn thiện trong phòng thí nghiệm. Ông đã nâng được hiệu suất của pin fuleren nhựa lên 4,4%. Ông còn khẳng định, đây là chiếc pin tốt nhất trên thế giới và cho biết trong vòng 5 năm tới sẽ nâng hiệu suất của pin lên 10%. Ông nói: "Khi đó, có thể sản xuất đại trà những chiếc pin nhựa tổng hợp".

Tuy nhiên, GS. Yang Yang đã nhầm khi cho rằng chiếc pin do ông hoàn thiện là tốt nhất. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học Mỹ thuộc hai trường ĐH New Mexico State và Wake Forest đã cho biết, họ áp dụng phương pháp tương tự như của GS. Yang Yang và đã sản xuất được chiếc pin có hiệu suất tới 5,2%. Thông tin khá hấp dẫn này đã được công bố trong cuộc hội thảo về công nghệ nano ở Santa Fe (Mỹ). Tuy nhiên các chi tiết cụ thể thì bị giấu kín với lý do đây là đơn đặt hàng của quân đội.

Trong thời gian này, nhà khoa học Alivisators đưa ra đề xuất khác và khá là bất ngờ. Ông đã kết luận rằng có thể thiết kế pin mặt trời mà hoàn toàn không cần nhựa tổng hợp, chỉ tinh thể nano selen - cátmi là đủ. Những chi tiết nghiên cứu đã được ông miêu tả trên tạp chí "Science" số ra gần đây. Mẫu pin mặt trời của ông có hiệu suất khoảng 3%. "Hiệu suất này còn nhỏ, nhưng xét về phương diện pin mặt trời selen cátmi đầu tiên trên thế giới thì hiệu suất này không đến nỗi tồi - Ông nhấn mạnh - Ưu điểm của nó là hiệu suất không giảm theo thời gian. Đây là vấn đề mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được đối với trường hợp pin bằng nhựa tổng hợp".

Giáo dục và đào tạo

Theo Nhân Dân

Copyright (C) 2005 KhoaHoc.com.vn. All rights reserved