Saturday, March 25, 2006

Malaysia: ôtô chạy bằng dầu cọ


Malaysia vừa đưa vào sử dụng đội ôtô đầu tiên chạy bằng nhiên liệu sinh học có tên là Envo diesel (gồm 5% dầu cọ và 95% dầu diesel), nhằm khuyến khích việc phát triển và sử dụng các loại nhiên liệu thay thế để giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ.

Dự kiến hàng trăm ôtô thuộc Chính phủ Malaysia sẽ sử dụng và kiểm chứng hoạt động của loại nhiên liệu Envo diesel trước khi các ngành trong nước chính thức bị buộc phải sử dụng nhiên liệu này. Malaysia đã bắt đầu chuẩn bị thay thế dầu diesel bằng nhiên liệu sinh học vào năm 2008, thời điểm mà giá loại nhiên liệu thay thế này được hi vọng không chỉ tốt hơn về chất lượng mà còn rẻ hơn hiện nay.

Theo TTO/TTXVN

Phát triển nhiều mỏ khí mới ở Nam Côn Sơn



Khai thác dầu khí

Ngày 21/3, Công ty Dầu khí BP tại VN cho hay, kế hoạch hợp tác phát triển Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch (Đồng Nai) vừa được BP ký với Tổng Công ty Dầu khí VN và Tổng Công ty Điện lực VN. Với kế hoạch này, nhiều mỏ khí mới trong khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn sẽ được phát triển nhằm cung cấp khí cho trung tâm Nhơn Trạch. Theo đó, Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch sẽ được xây dựng với công suất 2.640 MW, mỗi năm cần khoảng 2,5 tỉ mét khối khí.

B.Trân - Người Lao động

Nhà máy nhiệt điện mặt trời ở sa mạc

Xem hình

Một số công ty năng lượng hiện đang đầu tư vào một lĩnh vực cho đến nay ít được sử dụng, kỹ thuật năng lượng mặt trời.

Theo những công ty này thì chẳng bao lâu nữa, chúng ta có thể làm mát nhà của mình bằng năng lượng được sản xuất từ tia sáng mặt trời tại những vùng sa mạc nóng bỏng.


Các sa mạc đang trở thành các điểm nóng để sản xuất điện từ sức nóng mặt trời, trong đó tia mặt trời được tập trung để tạo ra hơi nước và chạy các tuốc bin phát điện tại các nhà máy điện. Đây là một kỹ thuật khác với kỹ thuật sử dụng trong các tấm thu năng lượng mặt trời đặt trên các mái nhà.

Những nhà máy nhỏ để thử nghiệm được xây dựng trong thập niên 1980 ở Califolia, Mỹ đã gặp khó khăn khi giá năng lượng hạ xuống. Nhưng hiện nay do giá dầu mỏ, hơi đốt thiên nhiên và điện gia tăng, nên các công ty đang chạy đua để xây dựng các nhà máy nhiệt mặt trời có tầm cỡ ngang ngửa những nhà máy điện cổ điển.

Theo lời ông Burghard von Westerholt, giám đốc phụ trách nhiệt mặt trời của công ty tư nhân SCHOTT, Đức: "công nghệ này hiện đang được khởi động trở lại".

Các chuyên gia công nghệ nói những giới hạn hiện nay và những giới hạn có thể được áp dụng trong tương lai về mức phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính cũng đã giúp phát triển kỹ thuật mới.

Đầu tháng 2/2006, Công ty International Automated Systems Inc. ở bang Utah, Mỹ đã ký một bản thỏa thuận để lắp đặt một nhà máy điện có công suất 100 megawatts trị giá 150 triệu USD cho công ty năng lượng mặt trời Solar Rennewable Energy ở Nevadam, Mỹ.

Còn Công ty Solargenix ở Bắc Carolia cũng vừa khởi công xây dựng một nhà máy nhiệt mặt trời công suất 64 megawatts, trị giá 100 triệu USD, được gọi là Nevada Solar One. Công ty này cho biết đây sẽ là nhà máy nhiệt mặt trời hoạt động trên quy mô thương mại đầu tiên ở Mỹ. Nhà máy này sẽ chính thức được đưa vào hoạt động vào năm 2007.

Hiện nay, tính chung các loại năng lượng mặt trời cũng chỉ cung cấp được khoảng 1% tổng số điện năng được sản xuất ra hàng năm của Mỹ. Một trở ngại cho loại năng lượng này là giá cả. Điện sản xuất từ nhiệt mặt trời hiện giờ tốn kém từ 12-15 xu Mỹ cho mỗi kilowatt giờ, trong khi đó điện sản xuất bằng hơi đốt thiên nhiên chỉ tốn khoảng 10 xu Mỹ mỗi kilowatt giờ.

Công ty SCHOTT cũng sẽ cung cấp các bộ phận cho ít nhất một nhà máy nhiệt mặt trời công suất 50 megawatt mỗi năm tại các sa mạc ở Tây Nam nước Mỹ, cho tới năm 2010, theo lời ông Westerholt.

Ông này cho biết mặt trời chói chang tại vùng này và dân số gia tăng đã biến nơi đây thành một khu vực lý tưởng . Công ty SCHOTT dự tính sẽ thành lập trung tâm sản xuất tại Mỹ và trung tâm này sẽ cung cấp khoảng 100 việc làm.

Nhiệt mặt trời cũng đang được phát triển trên khắp thế giới. Những nơi tốt nhất cho những nhà máy nhiệt mặt trời phát triển là Ôxstrâylia, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Đông, Bắc Phi. Những nơi này có thể xuất khẩu năng lượng lấy từ mặt trời tới châu Âu và những nước khác trên những đường dây điện kỹ thuật cao.

Fred Mayes, một chuyên gia về năng lượng thay thế tại cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, nói rằng nhiệt mặt trời vẫn còn đắt so với năng lượng sản xuất bằng sức gió và nhiên liệu sản xuất từ chất thải sinh học. Nhưng nhiệt mặt trời lại có những ưu điểm rõ rệt. Điện sản xuất từ nhiệt mặt trời ở sa mạc đáng tin cậy hơn điện sản xuất từ sức gió vào ban ngày, thời điểm giá cả lên cao nhất. Và không như các nhiên liệu được sản xuất từ chất thải sinh học, việc sản xuất điện mặt trời không phát ra các chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Rhone Resch, Chủ tịch của Hiệp hội công nghệ năng lượng mặt trời, có trụ sở tại Washington D.C., nói rằng kỹ thuật này lý tưởng để cung cấp điện cho miền Tây nước, nơi lượng điện được cung cấp eo hẹp và giá cả lại cao.

(Theo viet nam net)

Sunday, March 19, 2006

Dinh Cố sẽ đốt bỏ gas?


Cán bộ bảo trì của Nhà máy chế biến gas Dinh Cố đang kiểm tra hệ thống máy móc - Ảnh: H.ĐĂNG
TT - Người dân đang phải dùng gas giá cao, trong khi đó gas sản xuất trong nước lại đang dư thừa, không có bồn để chứa. Tình trạng này kéo dài có khả năng gas bị đem đốt bỏ.

Bài toán bảy năm chưa... giải

Công ty Chế biến và kinh doanh các sản phẩm khí (PV Gas - Petro VN) vừa giảm giá 20 USD/tấn gas. Ông Lê Xuân Trình, phó giám đốc PV Gas, cho biết giá gas thế giới tháng tư vẫn trong chiều hướng giảm nên nhiều khách hàng của PV Gas đã chịu phạt để bỏ hợp đồng mua gas tháng ba. Mỗi ngày Dinh Cố cho ra gần 1.000 tấn, kho chỉ chứa được 6.000 tấn.

Hiện Nhà máy Dinh Cố đang thừa khoảng 15.000 tấn gas. Vì thế công ty phải giảm giá thay vì đốt bỏ. Dinh Cố cũng đã cầu cứu các khách hàng của mình nhưng hầu hết lại không hưởng ứng.

Theo các doanh nghiệp (DN), việc giảm giá đột ngột này như “giọt nước làm tràn ly” những bức xúc xung quanh cơ chế phân phối gas bất hợp lý đã tồn tại nhiều năm liền của Dinh Cố. Vận hành từ năm 1999, Dinh Cố được kỳ vọng là một nhân tố mới góp phần bình ổn giá gas trên thị trường nội địa.

Thế nhưng thực tế diễn ra khác hẳn. Dinh Cố - mà trực tiếp là Công ty mẹ PV Gas - không những trở thành đối thủ cạnh tranh “khó chịu” của hầu hết các DN kinh doanh gas khác mà còn bị coi là kẻ “phá bĩnh” thị trường. Theo thông lệ, để nhập khẩu gas thì các DN đã phải đàm phán và ký hợp đồng từ tháng trước. Khi mọi DN đều có kế hoạch kinh doanh của mình thì đùng một cái, Dinh Cố điều chỉnh giá khiến các DN lao đao.

Việc điều chỉnh này còn tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, theo hướng có lợi cho các DN là “người nhà” của Dinh Cố và bất lợi cho DN nhập khẩu gas. Với lợi thế là hàng sản xuất trong nước, giá bán của Dinh Cố luôn thấp hơn giá nhập khẩu (khoảng 5%).

Theo cơ chế phân phối hiện tại, Dinh Cố chủ yếu cung cấp cho “người nhà” là hai xí nghiệp bán lẻ của PV Gas, Công ty Thương mại dầu khí (Petechim - thuộc Petro VN), và hai liên doanh có vốn đầu tư của PV Gas là VT-Gas và Thăng Long Gas. Còn lại khoảng 15 DN khác được mua nhỏ giọt theo hạn ngạch do Dinh Cố tự áp đặt. Vẫn còn 40 DN khác chưa được mua gas trong nước.

Dinh Cố cũng không thông báo kế hoạch bán hàng hằng tháng rộng rãi đến từng DN và cũng không đưa ra qui định cụ thể về đối tượng nào được mua gas trong nước.

Bộ Thương mại cũng nhìn nhận rằng cơ chế phân phối của Dinh Cố đang tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh của các DN và không phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Cho không cũng không lấy!

“Làm sao nói chuyện cạnh tranh khi một bên được bao thầu toàn bộ nguồn gas giá rẻ trong nước, còn bên kia phải gò lưng đi nhập khẩu về bán” - lãnh đạo một DN lắc đầu. Theo ông, đã nhiều năm rồi các DN kiến nghị cơ chế phân phối gas của Dinh Cố nên dựa trên cơ sở đấu thầu công khai hằng tháng, hằng quí hoặc nửa năm một lần nhưng vẫn chưa “thủng” PV Gas.

“Chúng tôi cũng đề đạt cả việc này lên đến Bộ Tài chính nhưng vẫn không ăn thua” - ông nói. Theo ông, các DN cũng đã yêu cầu Dinh Cố phải dựa trên sản lượng tiêu thụ của từng DN để tính tỉ lệ từng DN được mua nhằm dung hòa giữa chi phí mua gas trong nước và chi phí nhập khẩu.

Chính vì từ lâu “cơm không lành, canh không ngọt”, nhiều DN tỏ ra không mặn mà trong việc “giúp đỡ” Dinh Cố giải quyết số lượng gas dư thừa. “Không lẽ chúng tôi bỏ hợp đồng nhập khẩu để mua gas Dinh Cố?”. Giám đốc một DN tư nhân thì nói “chỉ đồng ý cho Dinh Cố mượn tạm kho để chứa gas với điều kiện họ bán cho chúng tôi với mức giá thế giới chốt vào cuối tháng ba này”.

Các DN cho biết các đợt giảm giá giữa tháng của Dinh Cố thường được xem là “giải pháp chữa cháy tình thế” để đẩy sức mua nên “không bao giờ đến tay người tiêu dùng”. Nguyên nhân là do các đại lý thường ém đi thông tin giảm giá, vẫn bán theo giá cũ để kiếm lời cao hơn.

Ông Hoàng Anh, giám đốc Công ty gas Petrolimex khu vực phía Nam, cho biết một trong những chính sách các DN kinh doanh gas đang hướng đến là nếu phải giảm giá vào giữa tháng thì sẽ điều chỉnh mặt bằng giá đồng bộ, tức dung hòa lợi ích giữa các đại lý và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các DN chỉ có thể làm được điều này khi thông báo rộng rãi về việc giảm giá (giữa tháng) đến người tiêu dùng. Xem ra người tiêu dùng chỉ được hưởng lợi từ sự có mặt của Dinh Cố, nếu việc kinh doanh gas được công khai, rõ ràng và tuân thủ luật chơi sòng phẳng của thị trường.

NHƯ HẰNG

Phát triển ngành điện: 5 tỷ USD/năm


Tổng Công ty Điện lực VN(EVN) cho biết, trong giai đoạn từ 2006-2015 và xét triển vọng đến 2025, ngành điện VN cần 109 tỷ USD trong đó nguồn điện cần khoảng 72 tỷ USD.

Như vậy bình quân mỗi năm VN cần 5 tỷ USD đầu tư cho các công trình điện. Với nhu cầu lớn như thế này, EVN đang mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế này.

Xây dựng 74 nhà máy điện mới

Theo tính toán của EVN, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng từ 7,5-8% với mục tiêu đến năm 2020 VN cơ bản trở thành một nước công nghiệp thì trong 20 năm tới (đến 2025) nhu cầu điện sẽ phải tăng từ 15-17% mỗi năm.

Ngành điện cần phải phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện theo hướng hiện đại. Cụ thể, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt mức 42.000 MW vào năm 2015 và lên đến 62.000 MW vào 2020 và 89.000 MW năm 2005. Nhưng đây mới chỉ là mức dự tính thấp còn nếu ở mức cao thì sẽ còn lớn hơn nhiều.

Ông Đào Văn Hưng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực VN cho biết, trong giai đoạn 2006-2015 có xét đến triển vọng 2025, VN cần xây dựng thêm 74 nhà máy và trung tâm điện lực với tổng công suất lên đến 81.000 MW. Cụ thể sẽ xây dựng 46 nhà máy thuỷ điện (qui mô công suất lớn hơn 50 MW), 2 trung tâm thuỷ điện tích năng, 5 trung tâm nhiệt điện khí, 17 nhà máy và trung tâm nhiệt điện than, 2 trung tâm điện hạt nhân và 2 trung tâm năng lượng mới và tái tạo.

Với nhu cầu lớn như thế này, ông Đào Văn Hưng khẳng định, ngành điện VN rất cần các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài và đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào VN.

Đa dạng hoá hình thức đầu tư

The ông Hưng, để thu hút các nhà đầu tư, VN chủ trương đa dạng hoá các hình thức đầu tư để các đối tác trong và ngoài nước có thể tham gia đầu tư theo các hình thức cung cấp thiết bị với tín dụng người bán; phát triển các dự án hình thức BOT, BOO hoặc liên doanh.

Bên cạnh đó, hiện nay, EVN đang tiến hành cổ phấn hoá các đơn vị thành viên và các đối tác nước ngoài có thể tham gia mua cổ phần và vùng quản lý kinh doanh các công ty này.

EVN cam kết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội tham gia quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh ở các công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh điện theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ. Bên cạnh đó, EVN cũng sẽ phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế và đây là một cơ hội để các nhà đầu tư có thể hợp tác, đầu tư để phát triển ngành điện VN.

Hiện nay, EVN đang lên một danh mục các dự án để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia như: Nhiệt điện than Nghi Sơn 2 và 3, Nhiệt điện than Vũng Áng 2 và 3, Nhiệt điện khí Ô Môn 2 và một số nhà máy thuỷ điện như Nho Quế, Đăc My 1...

Thực tế, ở VN đã có 7 nhà máy điện do các chủ đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và vận hành với tổng công suất trên 2.000 MW và hàng chục nhà máy thuỷ điện nhỏ do tư nhân trong nước đầu tư đang hoạt động có hiệu quả. Và thực tế sản xuất của các nhà máy này là lời cam kết đáng giá nhất để các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực điện năng ở VN - ông Hưng khẳng định.

Theo VietNamNet

Diễn biến thời tiết bất lợi cho sản xuất điện mùa khô


(3/16/2006 10:18:10 AM)

Hồ thủy điện Hòa Bình mùa nước cạn

Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương Nguyễn Lan Châu cho biết, diễn biến thời tiết bất thường đang gây bất lợi cho sản xuất điện mùa khô năm 2006 vì nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất điện rất lớn.

Theo bà Lan Châu, từ đầu vụ đông xuân 2005-2006 đến nay, áp thấp nhiệt đới xảy ra sớm, nhiệt độ trung bình các tháng cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Trong khi rét đậm xảy ra sớm, chưa xuất hiện giông; lượng mưa ở Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên thấp hơn nhiều năm nhưng ở Nam bộ đã có mưa trái mùa. Ở miền Trung, từ ngày 14-15/3, xảy ra lũ ở Nha Trang làm mực nước sông Cái đang lên.


Ở Bắc Bộ, dòng chảy vẫn bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-25%. Đặc biệt, mùa lũ năm 2006, dự báo xảy ra hiện tượng ENSO (dòng biển vùng Thái Bình Dương nóng lên và lạnh hơn) ở mức trung tính rất phức tạp, sẽ có lũ cục bộ, bất thường và xảy ra nhiều. Lũ tiểu mãn dự kiến sẽ về vào trung tuần tháng 5 ở mức 3.000-3.000m3/s (là mức bình thường); trong đó, sông Thái Bình sẽ cao hơn mức báo động 3; sông Hồng, sông Thao và sông Lô xấp xỉ báo động 3.


Trước tình hình thuỷ văn bất lợi này, ông Đặng Huy Cường, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, ngành điện đang phải huy động cao các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí hỗn hợp, nhiệt điện dầu, chấp nhận truyền tải cao công suất, sản lượng trên đường dây 500kV vào tháng 3 và giảm truyền tải trên đường dây này vào tháng 4-5 để đảm bảo an toàn hệ thống phục vụ Đại hội Đảng X. Ngành điện sẽ giữ một lượng dự phòng về thuỷ điện (thông qua việc giữ nước các hồ) bằng sản lượng phát trong 1 tháng của tổ máy nhiệt điện lớn nhất (khoảng 210 triệu kWh) tại bất cứ thời điểm nào từ tháng 3 trở đi. Theo khuyến nghị của A0, để đảm bảo an toàn cung cấp điện cho miền Bắc trong mùa khô năm nay, nên giữ nước hồ Hoà Bình ở mức 100m vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, trong trường hợp nước về hồ Hoà Bình sớm sẽ có nguy cơ xả nước.


Theo ông Cường, với phương án phụ tải theo dự báo là 61.142 triệu kWh, tăng 14% so với 2005, về cơ bản hệ thống đảm bảo cung cấp điện vào mùa khô năm nay. Tuy nhiên, với phương án đặc biệt bất lợi là phụ tải tăng trưởng 15%+ phụ tải miền Bắc vào tháng 5 tăng khoảng 30% so với tháng 5/2004+ nước về như năm 2005, hệ thống điện miền Bắc có thể bị thiếu từ 300 đến 400 MW vào một số giờ cao điểm.

Mai Phương

Vũng Tàu: Phát hiện dầu ở mỏ Tê Giác Trắng

Vũng Tàu: Phát hiện dầu ở mỏ Tê Giác Trắng
(3/16/2006 4:51:09 PM)

Khai thác dầu khí

Theo thông báo của Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí - PVEP (Petro VN), kết quả khoan thử vỉa sản phẩm tại giếng khoan ở mỏ Tê Giác Trắng cho thấy cả ba tầng đều có chứa dầu khí với lưu lượng khoảng 14.600 thùng dầu/ngày (tương đương 1.900 tấn/ngày). Hiện công tác nghiên cứu đang được tiến hành nhằm đánh giá trữ lượng mỏ.

Mỏ Tê Giác Trắng (bể Cửu Long, thềm lục địa phía Nam) cách Vũng Tàu khoảng 90km về hướng Đông Nam, thuộc hợp đồng dầu khí lô 16-1 do Công ty liên doanh điều hành Hoàng Long thực hiện với sự góp vốn và điều hành của PVEP, PTTEP (Thái Lan), SOCO (Anh) và OPECO (Mỹ).

T.TU - Tuổi trẻ , Đ.A – Lao động

Giá dầu tăng trên 63USD/thùng


TTO - Hôm nay, giá dầu thế giới đã tăng trên 63USD/thùng, nguyên nhân từ lo lắng bởi nguồn cung sẽ giảm.

Trên sàn New York, giá dầu thô ngọt giao tháng Tư là 63,58USD/thùng, tăng trên USD/thùng.

Tại London, giá dầu thô Biển Bắc giao tháng 4 cũng tăng nhẹ, lên 62, 91USD/thùng.

Với mức giá này, giá dầu hiện đang đứng ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái 13%.

Theo các nhà phân tích, mức tăng này không nằm ngoài dự đoán trước nỗi lo ngại của các nhà đầu tư dầu mỏ về vấn đề Iran, Iraq và Nigeria. Cũng theo các chuyên gia, tình hình cung ứng dầu lửa trên thị trường Mỹ tương đối ổn định, dự trữ thương mại trong kho đang còn khoảng 340 triệu thùng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 10%.

Diễn biến mới trên thị trường cho thấy người ta vẫn lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn do những bất ổn chính trị ở các vựa dầu quan trọng.

Thêm một nguyên nhân nữa, các nhà máy lọc dầu đang ở giai đoạn giao mùa, chuẩn bị đóng cửa nhà máy để bảo dưỡng định kỳ trước khi chuyển sang mùa hè, giai đoạn tiêu thụ nhiều xăng nhất trong năm. Đây có thể được coi là một nhân tố không kém quan trọng ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.

M.PHÚC (Theo AP, Xiahua)

Cuối 2007, mọi mỏ than hầm lò đều có thiết bị cảnh báo khí mỏ

Cuối 2007, mọi mỏ than hầm lò đều có thiết bị cảnh báo khí mỏ
(3/18/2006 9:20:01 PM)

Khai thác than

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Đoàn Văn Kiển, khẳng định đến cuối năm 2007, ngành sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị cảnh báo khí mỏ tại các mỏ than, hầm lò trong cả nước. Phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án trung tâm quản lý khí mỏ than Việt Nam, Tổng Giám đốc Đoàn Văn Kiển nêu rõ mục tiêu an toàn sản xuất trong các mỏ than, hầm lò và việc quản lý khí mỏ là một vấn đề vô cùng cấp thiết của ngành than.

Trong điều kiện ngành than ngày càng gia tăng sản lượng khai thác, tỷ lệ sản xuất than hầm lò sẽ ngày càng tăng do các vỉa than có thể khai thác lộ thiên ngày càng ít đi. Ông Kiển khẳng định hiểm họa khí mỏ tại các mỏ than, hầm lò sẽ ngày càng lớn, vì vậy mỗi công ty than hầm lò càng phải thường xuyên cảnh giác và đảm bảo an toàn trong phòng chống khí nổ. Theo ông Kiển, vụ cháy nổ khí mê tan tại mỏ than Thống Nhất ngày 6/3 vừa qua, khiến 8 công nhân tử vong, càng đòi hỏi TKV phải đầu tư nhiều hơn trong việc giáo dục kiến thức an toàn cho cán bộ kỹ thuật, công nhân trong ngành.

Từ năm 2001 đến nay, ngành than đã triển khai thành công dự án trung tâm quản lý khí mỏ than Việt Nam. Đây là dự án hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, với mục tiêu xây dựng một Trung tâm quản lý khí mỏ có khả năng ngăn ngừa các vụ nổ khí xảy ra tại các mỏ than và hầm lò, từ đó nâng cao công nghệ an toàn khí mỏ trong ngành công nghiệp khai thác than.

Sau 5 năm, dự án đã giúp người công nhân trong các mỏ than, hầm lò nhận thức rõ về việc tự bảo vệ, đồng thời trang bị cho ngành than một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ việc tính toán, kiểm định và thử nghiệm hầu hết các nội dung có liên quan đến công tác an toàn của mỏ.

Dự án cũng đã khảo sát và đưa ra những vấn đề bất cập trong hệ thống tổ chức và pháp lý trong công tác quản lý an toàn để TKV nghiên cứu giải quyết.

TTXVN


Trung Quốc: Chú trọng phát triển công nghệ than sạch
(3/17/2006 4:41:08 PM)

Trung Quốc đang triển khai các dự án chuyển các mỏ than khổng lồ của nước này thành nguồn năng lượng sạch. Việc chuyển hóa than thành “dầu ” hoặc các chế phẩm hóa học có giá trị gia tăng cao thông qua quy trình hóa lỏng và hóa khí. Theo kế hoạch Quốc gia của Trung Quốc về phát triển khoa học công nghệ vừa được công bố đầu tháng 2/2006, nước này sẽ ưu tiên phát triển các giải pháp tiết kiệm năng lượng công nghệ than trong 15 năm tới. Trung Quốc cũng có kế hoạch phát triển kỹ thuật thu khí các-bon đi-ô-xít được thải ra trong quá trình đốt than đá bởi nước này vẫn chưa bắt kịp với trình độ của thế giới về công nghệ than sạch.


Ngoài công trình nghiên cứu và dự án thử nghiệm về công nghệ than sạch đã được triển khai với sự tham gia tích cực của các Công ty trong nước, một nhà máy hóa lỏng khí ga than đá cũng đã được tập đoàn Shanxi Luan Group khởi công xây dựng tại tỉnh Sơn Tây giàu nguồn nhiên liệu này. Trong khi đó, tập đoàn China Huaneng Group-Công ty sản xuất điện chạy bằng than lớn nhất Trung Quốc cùng với các tập đoàn than và Công ty sản xuất điện trên thế giới đã thiết kế, xây dựng và vận hành một nhà máy phát điện chạy bằng than không thải khí gây hiệu ứng nhà kính đầu tiên trên thế giới.

Hồng Anh – Quân đội nhân dân

Thursday, March 16, 2006

Sản xuất điện từ vỏ trấu, mùn cưa


Sau hơn 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã bước đầu hoàn chỉnh công nghệ sản xuất điện từ các loại phế phụ phẩm nông nghiệp.

Với việc nghiên cứu thành công công nghệ này, trong tương lai những loại chất thải tưởng như bỏ đi (vỏ trấu, lõi ngô, bã mía...) sẽ có thể sản xuất ra một lượng điện năng tương đối lớn cho con người.

Hiện nay, các phế phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu ở nước ta bao gồm vỏ trấu, lõi ngô, bã mía, mùn cưa, vỏ dừa... với tổng sản lượng lên tới hàng triệu tấn (nếu được tập trung lại). TS. Phạm Văn Lang - nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, chủ trì đề tài nghiên cứu, cho biết: "So với các nguồn khai thác điện năng lớn từ thuỷ điện, nhiệt điện, nguồn điện năng từ các chất thải nông nghiệp tuy không nhiều, nhưng nếu tận dụng được nguồn chất thải này sẽ vừa giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường, lại vừa có thể cung cấp điện tại chỗ cho các vùng nông thôn, nhất là các vùng sâu...".

Riêng sản lượng trấu có thể thu gom được ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên tới 1,4-1,6 triệu tấn. TS. Phạm Văn Lang tính toán, tổng sản lượng phế thải sinh khối hằng năm ở nước ta có thể đạt 8-11 triệu tấn. So với việc sản xuất điện từ than, công nghệ sản xuất này rẻ và tiết kiệm hơn rất nhiều, bởi nếu sử dụng 2-4 kg chất thải sinh khối sẽ tương đương với 1 kg than antracite (giá 1.000 đồng/kg), trong khi đó giá trấu chỉ bằng 5-10% giá than.

Ngoài đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực khác như Tây Nguyên cũng có thể cho lượng chất thải sinh khối đạt 0,3-0,5 triệu tấn từ cây cà phê. Còn vùng Tây Bắc cũng đem lại tới 55.000-60.000 tấn mùn cưa từ việc khai thác và chế biến gỗ.

Đặc biệt là chất thải từ các nhà máy mía đường, hiện tại cả nước đang có đến 10-15% tổng lượng bã mía không được sử dụng vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không được tận dụng. Theo TS. Lang, bất kỳ loại chất thải nào cũng có thể làm chất đốt để sản xuất ra điện được, vấn đề là người dân phải có ý thức tiết kiệm và thu gom được các chất thải đó.

Mùn cưa, vỏ trấu... thành điện như thế nào?

Sau rất nhiều thí nghiệm, hiện Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã xây dựng được dây chuyền công nghệ FBC-CHP tại Xí nghiệp Chế biến lương thực số 2 (Tổng công ty Lương thực Long An). Đây là một dây chuyền khá hiện đại với 6 bộ phận chính gồm: nồi hơi và lò đốt, tuốc bin hơi, máy phát, thiết bị trao đổi nhiệt, máy sấy tầng sôi, máy sấy thấp.

Nguyên lý làm việc của dây chuyền được tiến hành qua các bước sau: Nước sạch từ hệ thống cấp nước được đưa vào bộ xử lý nước, rồi chảy vào bể chứa. Từ đây, hệ thống bơm sẽ cấp nước cho nồi hơi của hệ thống đốt tầng sôi. Nhiên liệu được cung cấp cho nồi hơi bằng một bộ phận cấp liệu. Lò đốt tầng sôi làm việc tạo ra một nhiệt lượng cung cấp hơi nước có áp suất cao, với lưu lượng nước đạt 2.500kg/giờ và kéo tuốc bin quay máy phát điện phát ra điện áp, cung cấp cho nhà máy điện hoặc máy sấy.

Điện áp này đạt 220/380V, công suất có thể đạt 50kW. Không chỉ sản xuất được ra điện, dây chuyền này còn dùng được để sấy nông sản với công suất đạt khoảng 8 tấn/giờ vì nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình này rất lớn.

Tuy giá thành sản xuất điện từ công nghệ này cao hơn thuỷ điện (chi phí hết khoảng 1.500USD/MW, song theo đánh giá của các nhà khoa học thì giá thành trên vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với các nguồn nguyên liệu hoá thạch (khoảng 10-30%).

TS. Phạm Văn Lang cho biết: "Đến nay, Viện đã xây dựng được 7 lò sấy và phát nhiệt ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, TP.HCM, Gia Lai... Tuy nhiên, công nghệ này còn đang trong quá trình nghiên cứu, nếu muốn mở rộng ra cần phải có sự giúp sức của Nhà nước và các doanh nghiệp mới có thể xây dựng được các dây chuyền này".

Để sản xuất 1 kWh điện bằng nguồn nguyên liệu này, cần khoảng 3-4 kg chất thải sinh khối. Như vậy, mỗi năm cả nước cũng có thể sản xuất ra 3,8-4 triệu kWh điện và khả năng phát nhiệt cũng có thể đạt 11-12 triệu kWt.

Theo Nông thôn ngày nay

Chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng mới của Nhật Bản


Trước thực tế giá dầu liên tục ở mức cao cũng như nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng về dầu mỏ mới, Nhật Bản đang tích cực xúc tiến các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho mình, thông qua việc xây dựng một chiến lược năng lượng mới.

Theo tin từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), mục tiêu của phương hướng chiến lược mới về năng lượng được đề ra trong Đề cương Dự thảo sẽ đệ trình Chính phủ thông qua vào tháng 6/2006 sẽ là giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ xuống 40% hoặc thấp hơn vào năm 2030 từ mức 50% hiện nay.


Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản tiếp tục thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ sử dụng ít năng lượng, tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài, đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn khí đốt trong nước nhất là khí hydrat, thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân, nghiên cứu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, sức gió, hải lưu và thủy triều.


Điều đáng chú ý trong chiến lược nói trên, chính là ở chỗ Nhật Bản quay lại chương trình điện hạt nhân của mình sau một thời gian dài sao nhãng, do những sự cố kỹ thuật và sự không đồng thuận của dư luận xã hội. Chiến lược này đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân trong tổng nguồn cung cấp điện năng quốc gia từ mức hiện nay là 30% lên khoảng 40% hoặc cao hơn vào năm 2030, đồng thời thiết lập một chu kỳ nhiên liệu hạt nhân.
Từ đầu quý III năm 2005, Uỷ ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã triển khai một kế hoạch năng lượng dài hạn, trong đó có nội dung tái chế toàn bộ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để chiết suất plutonium làm nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng tiếp theo, thông qua những lò phản ứng tái sinh nhanh (FBR).


Gần đây Cục Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng trực thuộc METI cũng đã thông báo kế hoạch xây dựng một FBR mới vào năm 2030 có kỹ thuật hiện đại hơn FBR hiện đang hoạt động ở tỉnh Fukui, với chi phí dự kiến 1 nghìn tỷ Yên. FBR mới này được xem như lò phản ứng mẫu để thay thế các lò phản ứng nước nhẹ. Cơ quan này cũng cho biết sẽ xây dựng một nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng nữa vào khoảng năm 2045 nhằm sản xuất nhiên liệu oxid uranium-plutonium (MOX) để sử dụng trong FBR mới.


Dự án sản xuất điện bằng plutonium dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2007. Theo thông báo của 11 công ty điện lực Nhật Bản vào đầu năm nay, thì mỗi năm tại các nhà máy điện hạt nhân tiêu thụ đến 6,5 tấn plutonium nên từ nay đến cuối năm 2010 họ sẽ sử dụng plutonium sản xuất ở nước ngoài sau đó mới có thể dùng plutonium sản xuất trong nước.

Vista.gov.vn

Wednesday, March 08, 2006

Trung Quốc thử nghiệm lò phản ứng tổng hợp hạt nhân

Viện vật lý Plasma thuộc Viện khoa học Trung Quốc (CAS) sẽ đưa lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thử nghiệm thế hệ mới sẽ được thử nghiệm vào tháng 7 hoặc tháng 8/2006.

Lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thử nghiệm Tokamak, thế hệ mới của Trung Quốc sẽ được thử nghiệm vào tháng 7 hoặc tháng 8/2006. Nếu thành công, đây là lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thử nghiệm đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động.

Lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thử nghiệm ToKamak.


Ý kiến của Ông Li Jiangang Viện vật lý Plasma thuộc Viện khoa học Trung Quốc (CAS) đồng thời cũng là trưởng nhóm dự án công trình này được coi là ''bước tiến quan trọng" để Trung Quốc khai thác.

Với khoản đầu tư 165 triệu tệ (tương đương với khoảng 20 triệu đô la Mỹ) cho dự án này.

Plasma chụp từ Video.

Ngoài ra theo ông Li, dự án này có thể tạo ra khí plasma (một loại khí có số lượng các hạt mang điện âm, dương tương đương nhau trên mặt trời và phần lớn các sao) ở nhiệt độ từ 50 đến 100 triệu độ C và tồn tại trong 1,000 giây liên tục.

Trước đây, vào giữa những năm 1980, các quốc gia Mỹ và Liên bang Nga tiến hành một dự án lớn. Dự án này trị giá 10 tỷ euro (tương đương với hơn 12 tỷ USD) có tên là lò phản ứng nhiệt hạch thí nghiệm quốc tế (ITER) và Trung Quốc đã tham gia dự án này năm 2003.

Bằng cách sử dụng đơteri có trong nước biển như nhiên liệu phản ứng, một lò phản ứng chịu được 100 triệu độ C sẽ tạo ra 500 megawatt điện năng.

Tất cả các lò phản ứng hạt nhân thương mại trên thế giới hiện đều là lò phản ứng phân hạch hạt nhân, ngược với phản ứng tổng hợp hạt nhân và phải sử dụng các khoáng sản không thể tái chế như uranium và pluton. Chất thải của các lò phản ứng là các chất phóng xạ trong khi lò phản ứng nhiệt hạch lại thân thiện với môi trường.

Ngọc Huyền

Theo VietNamNet/Tân Hoa Xã

Sẽ có “xăng sinh học” ở VN?


Điều chế xăng sinh học đang là hướng nghiên cứu thời sự mà nhiều nhóm khoa học ở nhiều quốc gia đang dốc sức đeo đuổi.

Tháp chưng cất cồn tinh khiết từ cồn công nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Quốc Thanh

Tại VN, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Khắc Chương, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng vừa công bố đã nghiên cứu thành công một qui trình công nghệ có thể sản xuất ra những loại hóa chất phục vụ điều chế xăng sinh học từ chính những nguồn nguyên liệu rẻ tiền của VN...

Ông Chương khẳng định hướng nghiên cứu điều chế xăng sinh học do ông chủ trì đã có thể đi đến sản xuất loại nhiên liệu này ngay tại VN.

Những nguyên liệu để sản xuất xăng sinh học chính là cồn công nghiệp tinh khiết 100% (hay còn gọi là ethanol) và một phần xăng hóa thạch. Giới khoa học trên thế giới đã chứng minh được khi pha một lượng cồn nhất định vào xăng với tỉ lệ cỡ 10%, hay 20% và thậm chí còn cao hơn nữa thì các động cơ vẫn hoạt động tốt.

Ông Chương nói rằng VN cũng là một thị trường tiêu thụ hàng triệu tấn xăng và dầu mỗi năm, trong khi khả năng tự cung tự cấp thì bằng không. Giả sử chỉ cần pha lượng 10% cồn công nghiệp tinh khiết vào xăng thì có lẽ khi tính đúng tính đủ sẽ tiết kiệm được một lượng ngoại tệ không nhỏ do giảm được lượng xăng phải nhập khẩu và giảm được ô nhiễm môi trường do phát thải của các phương tiện giao thông.

Đồng thời điều này sẽ mở ra ngành công nghiệp mới mà nguyên liệu chính chủ yếu từ nông nghiệp, giải quyết đầu ra lâu dài cho người nông dân. Nhưng đối với VN, theo ông Chương, còn một lợi ích lớn hơn nữa là có thể tận dụng những phế phẩm nông nghiệp, các loại nông phẩm như lúa gạo kém chất lượng... để sản xuất ra cồn pha vào xăng. “Chính vì vậy chúng tôi cho rằng việc sản xuất xăng sinh học tại VN sẽ mang lại hiệu quả kép” - ông Chương nói.

Tất nhiên để sản xuất được xăng sinh học đủ tiêu chuẩn thì nhất thiết phải có loại cồn 100% (cồn tuyệt đối), chứ không thể dùng cồn 95,5% (loại cồn này còn chứa nước). Bởi lẽ nếu dùng loại cồn còn chứa nước pha vào xăng thì có thể động cơ sẽ không hoạt động do hỗn hợp cồn - nước sẽ tạo ra một hỗn hợp khác cháy ở nhiệt độ cao. Nhưng sản xuất cồn tinh khiết 100% ở qui mô công nghiệp không phải là chuyện đơn giản.

Theo nhóm nghiên cứu của ông Chương, hiện trên thế giới có ít nhất ba giải pháp kỹ thuật để sản xuất cồn tinh khiết 100%, cụ thể: khử nước trong cồn bằng vôi, canxiclorua khan (khô); khử nước trong cồn bằng quá trình chưng cất ba chất đồng thời (ba cấu tử) như cồn, nước và thêm chất benzen; khử nước trong cồn bằng một chất hóa học hấp phụ đặc biệt (hay còn gọi là chất hấp phụ rây phân tử). Trong ba giải pháp kỹ thuật này thì giải pháp thứ ba được cho là tiên tiến nhất và kinh tế nhất hiện nay đối với VN.

Câu hỏi lớn đặt ra là VN có thể sản xuất được một loại hóa chất với giá rẻ dùng để giúp tạo ra cồn tinh khiết 100% được không? “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tìm ra câu trả lời cách đây không lâu và loại hóa chất này được sản xuất từ chính nguồn nguyên liệu có ở VN. Chúng tôi đặt tên cho hóa chất này là BK-X1...” - ông Chương nói.

Ông Chương tiết lộ thêm nguồn nguyên liệu để có thể sản xuất được chất BK-X1 chính là cao lanh ở Lâm Đồng với trữ lượng lớn, khá dồi dào. Đây là chất hóa học BK-X1 có cấu trúc phân tử đặc biệt, bên trong có những lỗ rỗng có khả năng “nhốt” các phân tử nước. Vì vậy khi bỏ chất hóa học này vào trong cồn chứa nước (95,5%) thì chúng sẽ “ăn” hết nước có trong cồn, giúp cồn trở nên tinh khiết 100%.

Hiện tại nhóm nghiên cứu của ông Chương công bố đã hoàn chỉnh qui trình công nghệ và thiết kế, chế tạo mô hình pilot sản xuất cồn tuyệt đối 100%, đạt công suất khoảng 100kg/ngày và sử dụng loại hóa chất do chính nhóm nghiên cứu này chế tạo.

Ông Chương khẳng định một khi đã giải quyết được vấn đề sản xuất cồn tinh khiết 100% qui mô công nghiệp bằng công nghệ trong nước thì việc điều chế ra xăng sinh học có giá cả hợp lý là một việc làm nằm trong tầm tay của giới khoa học VN. Vấn đề còn lại là Nhà nước có chính sách khuyến khích thúc đẩy quá trình tất yếu này diễn ra một cách nhanh hơn hay không mà thôi.

GIÁNG HƯƠNG

Xe hơi chạy bằng... nước!


Xem hình

Công ty sản xuất ôtô Honda của Nhật Bản đang tiến hành nghiên cứu để mở ra một kỷ nguyên mới cho "trạm nhiên liệu" với những kỹ thuật tiên tiến nhất. Ngoài ra việc sản xuất năng lượng cho xe, phương pháp này cũng đáp ứng cho cả các nhu cầu tiêu dùng trong nhà.

Công ty Honda tin rằng chỉ trong vòng từ 3 đến 4 năm nữa thôi, kỷ nguyên mới FCX - chạy xe bằng nguyên liệu nước sẽ được bắt đầu tại Nhật Bản. Các mẫu thiết kế của xe và kỹ thuật cũng sẽ dựa nhiều vào khái niệm FCX.

Năm ngoái trong cuộc triển lãm ôtô tại Thủ đô Tokyo, Công ty Honda đã trình diễn một cuộc thử nghiệm với mẫu ôtô có "máy xe" được giấu dưới gầm xe.

Và, theo quan điểm của Honda, cuộc thử nghiệm đã cho thấy những kỹ thuật tiên tiến này có thể giải quyết được những vấn đề, ví dụ như trọng tâm của chiếc xe vững vàng hơn, dễ lái hơn và trong lòng xe rộng rãi hơn.

Có tất cả 3 máy xe được thiết kế dựa theo khái niệm FCX: một máy 80KW ở phía trước và hai máy, mỗi máy 25KW để khởi động hai bánh xe phía sau.

Thậm chí dung lượng để thu nạp nước trong bình chứa cũng tăng gấp đôi (so với bình xăng hiện nay) nhờ vào một nguyên liệu mới đang được nghiên cứu và khai triển.

Với một áp suất 345, có thể thu nạp dự trữ 5kg nhiên liệu nước để chạy xe trong một quãng đường 550km. Những nhu cầu thông dụng trong nhà như nước nóng, điện, cũng được các chuyên gia của Honda nghĩ tới.

"Trạm nhiên liệu" được hoạt động với khí đốt và nếu so sánh với kỹ thuật thông thường như hiện nay, các nhà nghiên cứu của Honda cho rằng, số lượng khí dioxyde than độc thải ra giảm 40% và phí tổn trong gia đình cho các nhu cầu về sưởi, điện, nhiên liệu chạy xe... sẽ giảm được khoảng 50%.

(Theo Vietnamnet.vn)

Nhật Bản chế tạo xăng từ phân gia súc

Các nhà khoa học ở đất nước nghèo tài nguyên Nhật Bản hôm qua tuyên bố, họ đã tìm thấy một nguồn xăng mới - phân gia súc.

Sakae Shibusawa, một giáo sư cơ khí nông nghiệp tại Đại học Công nghệ Nông nghiệp Tokyo, cho biết, nhóm của ông đã chiết rút thành công 0,012 lít xăng từ 1 lít phân bò dưới áp suất và nhiệt độ cao (nghĩa là cứ 1.000 lít phân bò sẽ thu được 12 lít xăng).


"Công nghệ mới sẽ mang lại lợi ích cho những người chăn nuôi gia súc", làm giảm gánh nặng phải vứt bỏ một lượng lớn chất thải, ông nói.

Mỗi năm, công nghiệp chăn nuôi của Nhật Bản tạo ra khoảng 551.155 tấn phân gia súc.

Việc chiết tách xăng từ phân bò là chưa từng có trước đây, Tomiaki Tamura, một quan chức của Cơ quan Năng lượng và Tài nguyên tự nhiên nước này, nhận xét. Nhật Bản hiện phải dựa chủ yếu vào nguồn xăng dầu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Nhóm nghiên cứu tạo ra xăng bằng cách bổ sung vài thứ xúc tác kim loại vào một thùng chứa phân có áp suất lên đến 30 atm và nhiệt độ 300 độ C. Chi tiết về các chất xúc tác này được giấu kín.

"Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ cải tiến công nghệ để nó có thể được thương mại hoá trong vòng 5 năm tới", Shibusawa nói.

Trong một thí nghiệm khác, một nhóm nghiên cứu khác đã thành công trong việc chiết tách một thành phần chất thơm vani từ phân gia súc, Miki Tsuruta, phát ngôn viên Công ty Hoá chất Sekisui, thông báo. Thứ vani này có thể được sử dụng trong việc sản xuất dầu gội đầu và nến.

(Theo tuoitre.com.vn)

Sản xuất xi măng sợi từ tro bay của nhà máy nhiệt điện


Ngày 3-3, tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng, Công ty Elkem (Nauy) và Công ty cổ phần Nam Việt tuyên bố đã thử nghiệm thành công việc sử dụng kết hợp chất phế thải tro bay của nhà máy nhiệt điện và chất phụ gia để sản xuất xi măng sợi không amiăng tại Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu đã sản xuất tấm sóng và tấm phẳng xi măng cốt sợi theo phương pháp xeo từ các phụ gia Silica fume do công ty Elkem cung cấp và tro bay của nhà máy nhiệt điện Phả Lại đã qua xử lý.

Kết quả thử nghiệm cho thấy những sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn về cường độ uốn, độ chống thấm nước và một số chỉ tiêu kỹ thuật khác, đồng thời được đánh giá cao về tính chất cơ lý và độ bền xi măng khi sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm ở Việt Nam.

Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu hoàn toàn Silica fume, chất bột phụ gia chuyên dụng trong sản xuất tấm sóng và tấm phẳng xi măng cốt sợi, làm giá thành sản xuất xi măng sợi không amiăng tăng cao.

Việc tận dụng tro bay của nhà máy nhiệt điện để sử dụng kết hợp với Silica fume sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do phế thải của nhà máy nhiệt điện đồng thời tạo ra các sản phẩm phù hợp với xây dựng nhà ở và các công trình ở vùng đất yếu và các vùng có động đất.

Theo Tuổi Trẻ Online/TTXVN

Friday, March 03, 2006

Sẽ thiếu điện nghiêm trọng

TT (Hà Nội) - Tại cuộc họp giữa Tổng công ty Điện lực VN (EVN) với đại diện Bộ Công nghiệp và các bộ ngành liên quan hôm qua 2-3, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cảnh báo lượng điện thiếu hụt trong năm 2006 có thể lên đến 180-200 triệu kWh.

Khi có tình huống thiếu điện xảy ra, trung tâm sẽ thông báo lệnh cắt giảm điện trước hai tuần và sẽ cắt từ 1-3 triệu kWh/ngày.

Để tránh tình trạng cắt điện trên diện rộng và kéo dài, tổng giám đốc EVN Đào Văn Hưng cho biết EVN đang thực hiện một số biện pháp như ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc (có thêm khoảng 600 triệu kWh điện). Theo ông Hưng, các nguồn điện than, tuabin khí hỗn hợp, nhiệt điện dầu... đang phải khai thác tối đa.

NHẬT LINH

Thủ tướng yêu cầu sớm trình đề án điều chỉnh giá điện

Chiều 2-3, Văn phòng Chính phủ có công văn 1096 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công nghiệp khẩn trương trình đề án điều chỉnh giá điện. Chính phủ cũng sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia xây dựng các dự án nguồn, lưới điện.

Thủ tướng cũng đồng ý thành lập Tổ công tác liên bộ do 1 lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì để điều hành và xử lý kịp thời các vướng mắc về vốn đối với các dự án điện giai đoạn 2006 - 2010.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng các bên liên quan nghiên cứu đề xuất việc sử dụng khoản chênh lệch giá điện để bổ sung nguồn vốn xây dựng các dự án điện; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các dự án nguồn điện theo hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT)...

Thủ tướng giao cho Bộ Công nghiệp nghiên cứu và sớm ban hành danh mục kêu gọi đầu tư các dự án điện theo hình thức BOT ngoài nước. Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện cổ phần hóa phù hợp với phát triển thị trường điện lực. EVN phối hợp với Tổng công ty Sông Đà đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng thuỷ điện Sơn La để vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2010.

Hiện nay, có 4 phương án được tổ công tác liên ngành thống nhất lựa chọn trình lãnh đạo Bộ Công nghiệp xem xét. Theo đó, giá điện bình quân mới sẽ là 852 đồng/kWh, tăng 8,8% so với hiện hành (đề nghị trước đó của EVN là 14,8%).

Phương án 1: Giữ nguyên giá bán điện cho đối tượng sản xuất, bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và không tăng giá bán điện sinh hoạt bậc thang đối với 100 kWh đầu tiên. Các đối tượng còn lại (chiếm 25% tổng sản lượng điện thương phẩm) sẽ phải chịu mức tăng rất cao, tăng bình quân 20% so với hiện hành. Các bậc thang từ 100 kWh trở lên tăng bình quân 35% so với hiện hành.

Phương án 2: Không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng; Tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn lên 410 đồng/kWh (tăng 5% so với hiện nay). Chia đôi 100 kWh đầu đối với điện sinh hoạt bậc thang thành 2 mức (50 kWh đầu giá 600 đồng, 50 kWh tiếp theo giá 750 đồng, so với mức giá hiện hành là 550 đồng); các bậc thang tiếp theo tăng từ 12 đến 18%.

Phương án 3: Tăng giá bán điện 100 kWh đầu điện sinh hoạt bậc thang lên 630 đồng. Do tăng giá giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%. Giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tăng 5%.

Phương án 4: Tăng giá bán điện 100 kWh đầu điện sinh hoạt bậc thang lên 700 đồng, xoá bỏ sự phân biệt về giá điện sinh hoạt giữa thành thị và nông thôn.

Theo VnExpress

Tin bài liên quan:
Tăng giá, chất lượng tăng?
Xóa độc quyền: EVN vẫn có lời và giá điện vẫn sẽ không tăng!
Xã hội hoá ngành điện theo quy luật của thị trường

Giá xăng: Năm sau sẽ thả nổi

Phương án điều chỉnh giá xăng theo tháng của Bộ Tài chính chưa nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Thương mại.

Song Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá khẳng định, để giá bán lẻ trong nước tương ứng với giá thế giới là điều không thể không làm và chậm nhất đến cuối 2007 sẽ phải tiến hành.

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng theo tháng có thể gây ra rất nhiều rủi ro cho bản thân doanh nghiệp và cả cơ quan Nhà nước.

Theo ông, trong điều kiện thị trường dầu lửa thế giới liên tục biến động, nếu giá xăng bán lẻ trong nước cứ thay đổi liên tục mỗi tháng một lần thì các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Rõ ràng đây là một phương án chưa thực sự phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, nếu giá xăng thế giới giảm mà trong nước cứ phải đợi đến cuối tháng mới điều chỉnh thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt. Còn nếu giá thế giới tăng mà giá trong nước không tăng theo thì các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt. Và như vậy, doanh nghiệp không biết phải hạch toán và lên kế hoạch kinh doanh thế nào", ông Tuyển phân tích.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho rằng xăng là mặt hàng nhập khẩu và vẫn phải chịu thuế, mà thuế suất này không thể điều chỉnh theo tháng được. Do đó, chuyện cho điều chỉnh giá xăng theo tháng cần phải tiếp tục bàn thêm.

Bộ Tài chính vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng, điều chỉnh giá xăng trong nước là một phương án khả thi. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần căn cứ vào biến động của thị trường xăng dầu thế giới để tự điều chỉnh giá bán lẻ theo quý, tháng.

Cách làm này còn tránh được những thiệt hại về ngân sách, doanh nghiệp chủ động cân đối được chi phí đầu vào để chiến lược kinh doanh phù hợp và bản thân người tiêu dùng cũng sẽ cảm thấy được đối xử bình đẳng hơn với cơ chế giá lên xuống.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng với phương thức điều chỉnh giá bán lẻ theo tháng, không nhất thiết phải điều chỉnh thuế liên tục, thậm chí chính sách thuế sẽ còn ổn định hơn. Hơn nữa, nếu VN gia nhập WTO theo đúng mục tiêu trong năm nay thì việc đưa giá xăng dầu trong nước tương ứng với giá thế giới là điều không thể không làm.

"Tôi nghĩ chậm nhất là đến cuối 2007, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều hành hoàn toàn tương ứng với giá xăng dầu thế giới, có lên có xuống", ông nói.

Phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo tháng do Bộ Tài chính đề xuất sẽ chính thức được thống nhất tại cuộc họp giữa các bên vào tuần sau.

Theo VnEpress

Giá dầu tăng cao trở lại

TTO - Những vụ đe dọa tấn công các cơ sở dầu khí tại Nigeria, nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi, bên cạnh thời điểm sắp công bố bản báo cáo về vấn đề năng lượng hạt nhân của Iran đã khiến giá dầu trên thị trường thế giới tăng lên 63,36 USD/thùng tại thị trường New York trong phiên đóng cửa.

Theo nhà phân tích Bill O'Grady, giá dầu còn tăng trong những ngày cuối tuần do Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế sẽ công bố bản báo cáo về vấn đề năng lượng hạt nhân của Iran vào ngày 6-3 và có thể đề nghị LHQ ban hành lệnh cấm vận đối với Iran, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trong khối OPEC.

Trong khi đó, mặc dù 6/9 con tin nước ngoài đã được phóng thích, nhưng mối quan ngại về những đe dọa tấn công các cơ sở dầu khí của lực lượng li khai tại vùng châu thổ Niger, nơi tập trung nhiều khu khai thác dầu của Nigeria, vẫn còn đó. Bởi nếu trường hợp bị tấn công, các tập đoàn dầu khí trong khu vực này có thể đình hoãn sản xuất dầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt dầu trong thời điểm này bởi Nigeria cung cấp cho thế giới trung bình 2,6 triệu thùng dầu/ngày. Shell và Chevron (Mỹ) là hai tập đoàn khai thác dầu khí lớn nhất khu vực này.

Trong một tuyên bố gửi đến các hãng thông tấn, lực lượng li khai MEND đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công trong một khu vực khác của vùng châu thổ Niger nhằm gây bất ổn cho việc xuất khẩu dầu của Nigeria.

Hiện nay, Shell đã sơ tán nhân viên và giảm sản lượng 455.000 thùng/ngày (khoảng 20% sản lượng xuất khẩu dầu của Nigeria). Chevron cũng thông báo giảm 13.000 thùng/ngày sau khi một trong các đường ống dẫn dầu của tập đoàn này bị phá hoại.

Tuy nhiên, một sự kiện khác cũng có thể giúp giá dầu không nhảy vọt trong tuần tới khi bộ trưởng Dầu hỏa Nigeria, Edmund Daukoru, khẳng định 60 USD/thùng dầu là một giá chấp nhận được.

L.XUÂN (Theo AFP)

Tàu thuyền chạy bằng gas


GS Bùi Văn Ga đang hướng dẫn lắp bộ chuyển đổi nhiên liệu cho xe máy
Tàu thuyền du lịch ở Nha Trang sẽ chuyển đổi từ xăng sang gas nhằm giảm chi phí nhiên liệu và bảo vệ môi trường vùng biển, GS-TSKH Bùi Văn Ga - Giám dốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (Đại học Đà Nẵng) cho biết.

GS Ga cho biết thêm sau những thành công ban đầu trong việc áp dụng "bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu LPG/xăng gas - 5" cho xe gắn máy, mới đây Trung tâm này đã hoàn tất hợp đồng triển khai sản phẩm công nghệ chuyển đổi từ nhiên liệu xăng sang gas cho tàu thuyền ở Nha Trang.

Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, việc cho tàu thuyền chạy bằng gas thay xăng sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu 40% và giảm mức độ ô nhiễm môi trường trên biển đến 80%.

Theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp tư nhân Đại Long (Khánh Hoà), Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (Đại học Đà Nẵng) sẽ chính thức áp dụng bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu LPG/xăng gas cho tàu thuyền du lịch ở Nha Trang từ nay đến cuối năm 2006.

Theo VietNamNet

Máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời


Bộ phận thu nhiệt được lắp trên mái nhà tại ĐH Nông nghiệp 1. Theo đường ống ở bên phải, luồng khí nóng được xuống buồng sấy
Các chuyên gia thuộc ĐH Nông nghiệp 1 (Hà Nội) vừa chế tạo thành công máy sấy hạt nông sản bằng năng lượng mặt trời. Loại máy này có thể sấy lúa, ngô, đậu, lạc, cà phê, hành, tỏi...

PGS Bùi Hải Triều, chủ nhiệm đề tài, cho biết máy đã được sử dụng để sấy thử nghiệm lúa vào những ngày có ánh nắng trong mùa đông năm nay, khi nhiệt độ ngoài trời là 19-20 độ C.

Trong điều kiện đó, không khí trong buồng sấy lên tới 50 độ C và mỗi mẻ sấy kéo dài 8-10 tiếng.

Máy sấy này có hai bộ phận chính là phần thu nhiệt và buồng trao đổi nhiệt.

Bộ phận thu nhiệt gồm một tấm tôn mỏng, được bôi đen để hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời. Bên trên tấm tôn là tấm kính trong suốt, có tác dụng bẫy bức xạ nhiệt. Có thể lắp bộ phận này trên mái nhà.

Hiện cỗ máy nguyên mẫu sấy được 4,5 tạ/mẻ và có thể chế tạo những cỗ máy sấy 4,5 tấn/mẻ, tuỳ thuộc vào nhu cầu của mỗi hộ nông dân. Do không cần công nghệ cao nên nông dân có thể tự lắp được máy từ các vật liệu dễ kiếm như gỗ, sắt, tôn, kính...

Dự định của nhóm nghiên cứu là tiếp tục cải tiến máy bằng cách sử dụng nhiệt từ khí biogas để sấy vào ban đêm hoặc khi trời mưa, đáp ứng nhu cầu sấy trong mùa thu hoạch.

Một trong những hướng cải tiến là máy cũng sẽ được trang bị bộ điều khiển để khống chế nhiệt độ trong buồng sấy thích hợp với từng loại hạt nông sản.

PGS Triều cho biết thêm do vừa mới kết thúc quá trình nghiên cứu chế tạo nên vẫn chưa ước tính được giá thành của máy. Tuy nhiên, nếu máy được ứng dụng trong thực tế, giá thành có thể chấp nhận được đối với thu nhập hiện nay của nhà nông.

Theo VietNamNet

Xây kho xăng dầu tại vịnh Vân Phong


TT - Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa cấp phép cho Công ty liên doanh TNHH kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Tổng công ty Xăng dầu VN (góp vốn bởi Petrolimex, Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Công ty PB Tankes Limited-Singapore) được xây dựng kho xăng dầu ngoại quan nằm trong vịnh Vân Phong, tại đảo Mỹ Giang (Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 56ha, chiếm gần 1/3 đảo Mỹ Giang (rộng hơn 167ha); tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 60 triệu USD. Khu vực này là nơi chuyển tải dầu thường xuyên từ nước ngoài vào VN.

P.S.N.