Wednesday, August 30, 2006

Đề xuất lập trung tâm đào tạo chuyên gia điện hạt nhân

Đề xuất lập trung tâm đào tạo chuyên gia điện hạt nhân

"Ở nước ta chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên gia điện hạt nhân. Trong khi đó, nhân lực là yếu tố quyết định đến sự vận hành an toàn và hiệu quả của một nhà máy điện nguyên tử. Vì thế, cần gấp rút thành lập một trung tâm đào tạo như vậy", giáo sư Hoàng Đắc Lực, Viện năng lượng nguyên tử VN bộc bạch.

Đề xuất về Trung tâm được Viện đưa ra tại hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân cho VN, diễn ra sáng qua tại Hà Nội. Theo đó, trung tâm sẽ tăng cường và mở rộng chuyên môn cho 3 loại chuyên gia là chuyên gia dự án, chuyên gia pháp quy, chuyên gia nghiên cứu và phát triển.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc chuẩn bị nguồn nhân lực phải được tiến hành sớm, trước khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành hàng chục năm. Theo dự kiến, để đáp ứng nhu cầu của một nhà máy điện hạt nhân cần khoảng 450 chuyên gia, tuy nhiên hiện cả nước mới có khoảng 600 người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân, lại chủ yếu về các ngành ứng dụng phi năng lượng và đã có tuổi đời khá cao.

Ngoài ra, cũng theo ông Lực, mỗi năm, nước ta có khoảng 70-80 cử nhân tốt nghiệp đại học về ngành nguyên tử, song hệ thống giảng dạy ở các trường chưa thích hợp cho nhu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cũng có một số viện nghiên cứu đào tạo sau đại học và 2 cơ sở của Viện năng lượng VN ở Hà Nội và Đà Lạt nhưng rất nhỏ bé và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Viện Năng lượng nguyên tử đã kiến nghị nhà nước cần có chế độ lương bổng và đãi ngộ đặc biệt đối với nhân lực hạt nhân, những người được đào tạo công phu và phải lãnh trách nhiệm rất cao do đặc thù của ngành này.

"Khó khăn nhất là đến giờ Chính phủ chưa có quyết định nào về việc này nên kiến nghị mới chỉ là kiến nghị chứ chính chúng tôi cũng chưa có kế hoạch cụ thể gì cho việc xây dựng trung tâm đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực hạt nhân, ông Lực nói.

Theo YẾN MINH - VnExpress

Tuesday, August 29, 2006

Giải pháp thay thế dầu hỏa

Giải pháp thay thế dầu hỏa

TTCT - Thế giới đang nỗ lực tìm những dạng năng lượng mới, giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc dầu mỏ - nguồn năng lượng hóa thạch sắp cạn kiệt và đang gây những hiệu ứng nguy hại cho khí hậu toàn cầu.

Cối xay gió bay

Càng lên cao tốc độ gió càng mạnh. Đó là ý tưởng cơ bản để thiết kế máy phát điện bay của Công ty Sky WindPower (California). Một nhóm liên kết bốn hay tám chong chóng treo lơ lửng trên không (dĩ nhiên nằm ngoài đường bay của phi cơ) có thể tạo ra gấp đôi điện lượng của loại chong chóng nối liền tuôcbin đặt trên mặt đất. Một “bầy chong chóng” phủ diện tích 200 dặm vuông có thể cung cấp điện cho 5 triệu dân!

Xe chạy cồn

Năm nay các nhà chế tạo xe hơi Hoa Kỳ sẽ tung ra thị trường khoảng 1 triệu xe hơi chạy cồn và số trạm xăng có trữ cồn sẽ tăng 30%, lên đến 1.000 điểm.

Nhưng hầu hết cồn được sản xuất tại Hoa Kỳ hiện nay chế tạo từ trái bắp trong một qui trình tiêu thụ khá nhiều dầu hỏa nên chỉ được xem là một loại nhiên liệu tạm thời và người ta đang nghiên cứu việc sử dụng cồn từ sợi cellulose của cỏ thân mềm, dăm bào, gỗ và rác nông nghiệp, như lõi và gốc ngô.

Hiện nay giá thành của loại cồn này còn cao. Giáo sư Eddy Rubin, giám đốc Viện nghiên cứu Joint Genome, nói: Con mối có một loại vi khuẩn trong ruột có khả năng biến cellulose thành cacbonitrat. Chúng tôi đang thiết lập chuỗi phân tử AND của loại vi khuẩn này để đưa vào một loại cơ thể khác, có thể tiết ra phân hóa tố biến cỏ rác thành cồn.

Đèn mặt trời

Vào đầu năm 2007, 12 gương cong khổng lồ bắt đầu xuất hiện tại một nông trại ở sa mạc phía đông bắc Los Angeles. Mỗi gương có đường kính 11m sẽ gom thu ánh sáng mặt trời và chiếu vào một mục tiêu, đốt nóng khí hydro lên nhiệt độ 1.3000F, dẫn đến một máy phát điện động cơ Stirling. Khi nông trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới này hoàn tất, sẽ có 20.000 cái đĩa trải dài trên 1.800ha của sa mạc Mojave, tạo ra năng lượng đủ cho 278.000 nóc gia sử dụng.

Đĩa Stirling có thể biến khoảng 30% năng lượng mặt trời thành điện, là một kỹ thuật có hiệu suất cao nhất (nông trại Mojave sẽ tạo ra điện nhiều hơn tất cả các nông trại điện mặt trời hiện hữu trên toàn nước Mỹ cộng lại); trong khi pin mặt trời chỉ chuyển được 15% năng lượng mặt trời thành điện.

Kỹ thuật điện quang này cho phép chúng ta có thể sạc máy điện thoại di động và máy nghe nhạc iPods qua chiếc balô thu điện mặt trời. Xa hơn, có thể nạp điện các công cụ này qua quần áo. Chúng ta cũng có thể cung cấp năng lượng cho xe hơi và máy bay qua lớp sơn bề mặt.

Người ta đang nghiên cứu để thu được nhiều năng lượng hơn trên mỗi centimet vuông và hạ giá thành sản phẩm. Đại học Pennsylvania đang tạo ra những tế bào quang điện bằng ống titan cực nhỏ. Đại học New South Wales (Úc) đang cấy những chấm quantum cực nhỏ trong một ma trận oxit silicone để biến ánh nắng thành điện.

Bằng cách thay đổi kích thước những chấm quantum, họ hi vọng mở rộng quang phổ hấp thu của tế bào quang điện, đã nâng hiệu suất lên đến 50%. Và người ta có thể tráng những lớp phim tế bào này dày vài micron, trong suốt lên mái nhà, hông nhà và thậm chí màn cửa.

Các nhà khoa học NASA còn có một giấc mơ vĩ đại hơn là thu năng lượng mặt trời trong không gian rồi gửi xuống mặt đất bằng vi sóng. Những tấm pin mặt trời khổng lồ nằm trong không gian sẽ gửi năng lượng vi sóng đến những giàn ăngten khổng lồ trên mặt đất, rồi được chuyển thành điện. Sóng này không đốt cháy chim chóc và máy bay khi đi ngang. Loại pin mặt trời này có thể thu ánh sáng 24/24g. Nhưng gay go nhất là việc đưa chúng lên quĩ đạo.

Nhiên liệu hydro

Tiềm năng rất lớn nhưng việc chuyển đổi sang khai thác kinh tế, vốn được quảng cáo ồn ào là điều không dễ dàng. Khí hydro tinh khiết không có ở dạng tự nhiên và ngày nay cách sản xuất rẻ nhất là từ... dầu hỏa hay khí đốt thiên nhiên!

Thế nhưng, động cơ chạy bằng khí hydro lại có hiệu suất cao gấp hai lần động cơ diesel hiện đại sử dụng xăng dầu. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách cấy gen di truyền vào các cơ thể sống, để có thể biến ánh nắng mặt trời thành hydro một cách trực tiếp!

Từ sóng nước

Hoa Kỳ hiện có khoảng 2.100 tỉ watt/giờ năng lượng sóng biển, trong đó 1/8 có thể khai thác ở mức độ... xâm phạm môi trường tối thiểu. Nguồn năng lượng này tương đương với công suất của tất cả đập thủy điện hiện nay cộng lại!

Nhưng châu Âu mới là nơi dẫn đầu. Mùa hè năm nay, Bồ Đào Nha sẽ hoàn tất một nhà máy phát điện khai thác sóng biển có tên Pelamis. Những ống thép dài 120m nổi lềnh bềnh cách bờ biển khoảng 3 dặm sẽ cung cấp điện cho khoảng 15.000 ngôi nhà.

Lợi thế của năng lượng sóng so với gió là không cần phải xây cao và sóng nước mạnh gấp 10-40 lần năng lượng gió. Giáo sư Roger Bedard, thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng điện, cho biết hệ thống này sẽ trở thành hiện thực sớm hơn việc khai thác năng lượng gió.

Kỹ thuật chế tạo tuôcbin sóng đang phát triển nhanh chóng. Ở độ sâu 2,5m dưới sông East River tại thành phố New York, sáu tuôcbin năng lượng sóng sẽ bắt đầu cấp điện trong mùa hè năm nay với 525.000kW/giờ trong năm đầu tiên, sau đó sẽ được nâng lên 26 triệu kW/giờ, cung cấp điện cho 8.000 hộ, là nhà máy điện dùng năng lượng sóng nước đầu tiên của thế giới.

Nhà hải dương học George Hagerman thuộc Viện kỹ thuật Virginia gọi đó là năng lượng mặt trăng, ổn định hơn nhiều so với thủy điện, vốn lệ thuộc vào mưa và tốc độ tan chảy của tuyết. Năng lượng gió lúc có lúc không, nhưng năng lượng sóng ổn định đến... hàng ngàn năm!

Từ lòng đất

Có khoảng 5.000MgW trong nước nóng từ các giếng dầu bỏ hoang ở phía tây Texas. Toàn bộ nguồn năng lượng này bị bỏ phí.

Hawaii, Alaska và các tiểu bang ở miền Tây Hoa Kỳ từ lâu đã sử dụng nguồn năng lượng trong lòng đất để sưởi ấm các tòa nhà. Nhưng một thế hệ nhà máy điện mới có thể tạo điện từ nguồn nhiệt khoảng 1600F. Các công ty khai thác điện từ những suối nước nóng ở Texas, Arkansas, Georgia và tây Virginia dự kiến tăng gấp đôi khả năng tạo điện từ lòng đất trong 4-5 năm sắp tới.

Sự phát triển không dừng ở đây. Các nhà khoa học đang tạo ra những suối nước nóng nhân tạo bằng cách bơm nước xuống các lớp đá cực nóng trong lòng đất. Nước được đun nóng tại những điểm tiếp xúc, rồi trở lên mặt đất để làm quay tuôcbin.

Và từ rác

Chúng ta đã tạo ra khí sinh học từ thời tiền sử khi dùng củi đốt để sưởi hang động và nướng đùi voi mamut. Ngày nay phần lớn khí sinh học vẫn xuất phát từ cây cỏ, nhưng con người có những kỹ thuật mới để tạo ra điện từ rác, cây cỏ và cả chất thải. Người ta dùng môi trường hiếm khí oxy để biến rác nông nghiệp thành một hỗn hợp hydro và CO để có thể đốt hay thay thế khí thiên nhiên trong một tuôcbin. Đây là một trường hợp điển hình.

Nông trại Blue Spruce của gia đình Audet tại Vermont có 1.500 con bò, mỗi ngày thải ra số phân đủ để tạo 1,8 triệu kW/giờ điện mỗi năm. Nguồn năng lượng từ phân bò này giúp hàng ngàn gia đình trong vùng Vermont có điện sử dụng mà không cần đến đường dây điện của chính phủ. Gia đình Audet dồn phân bò vào một buồng kín để vi khuẩn phân hóa chúng thành khí đốt, tạo ra năng lượng điện. Sau qui trình phân hủy này, phân bò lại trở thành một nguồn phân bón tuyệt hảo cho nông nghiệp.

Nguồn điện từ rác có thể đáp ứng 17% nhu cầu điện năng của toàn nước Mỹ.

ĐINH CÔNG THÀNH (Theo Popular Science)

Thursday, August 24, 2006

Đà Nẵng: xe máy chạy bằng gas chính thức lưu thông

Đà Nẵng: xe máy chạy bằng gas chính thức lưu thông

Đà Nẵng: xe máy chạy bằng gas chính thức lưu thông

Hôm nay (24-8), 25 xe máy chạy bằng gas đã được giao cho khách hàng và đây là những xe máy chạy bằng gas LPG đầu tiên do Trung tâm nghiên cứu Đại học Đà Nẵng kết hợp Công ty cổ phần Thương mại - kỹ thuật Đà Nẵng (Datecho) sản xuất chính thức tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sau nhiều lần kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đồng ý cấp phép cho Datecho sản xuất bình đựng gas loại 2 kg dành cho xe chạy tay ga, loại 1,2 kg dành cho xe chân số và đã cấp giấy chứng nhận chất lượng xe cải tạo cho Datecho. Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm thử nghiệm xe cơ giới (Bộ Giao thông Vận tải), đối với xe chân số, chạy với vận tốc 45 km/giờ thì tiêu hao chừng 0,8 kg gas/100 km, chạy với vận tốc 60 km/giờ thì tiêu hao khoảng 0,75 kg gas/100 km. Riêng với xe tay ga, nếu chạy ở tốc độ 45 km/giờ thì tiêu hao khoảng 0,97 kg gas/100 km.

Như vậy, so với chạy xăng thì xe chạy bằng gas tiết kiệm khoảng 40% chi phí. Giá bán lẻ hiện nay là 12.000 đồng/kg gas. Ngoài ra, khi chạy bằng gas sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường xuống chỉ còn khoảng 30% so với chạy xăng và kéo dài tuổi thọ của động cơ. Trước mắt, việc nạp gas cho xe được thực hiện tại cây xăng số 1 Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Sắp tới sẽ có thêm ba điểm nạp gas khác trong nội thành.

Hiện đã có gần 400 xe đăng ký chuyển đổi với giá thành lắp đặt cho mỗi bộ là 1.350.000 đồng. UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt cho 300 xe gắn máy chuyển đổi với mức hỗ trợ 70% (100 xe đầu tiên), 50% đối với 100 xe tiếp theo và 30% với 100 xe còn lại.

Theo TTXVN

Wednesday, August 23, 2006

Chuyển máy phát điện bằng xăng sang dùng biogas?

Chuyển máy phát điện bằng xăng sang dùng biogas?

TT - * Tôi có máy phát điện công suất 2 kW chạy bằng xăng, nay muốn chuyển sang chạy bằng biogas có được không? Cần bao nhiêu khí biogas để máy hoạt động? Nơi nào làm dịch vụ này? (Nguyễn Đình Tiến - Biên Hòa, Đồng Nai)

- Chúng tôi đã có nghiên cứu thử nghiệm việc chuyển đổi bộ chế hòa khí của máy phát điện chạy bằng xăng sang chạy bằng biogas và có kết quả rất tốt. Các hoạt động để vận hành máy sau khi chuyển đổi bộ chế hòa khí hoạt động ổn định, tùy công suất máy sẽ có lượng tiêu hao nhiên liệu biogas tương ứng.

Chẳng hạn, máy phát điện chạy xăng có công suất 2 kW sau khi chuyển đổi sẽ tiêu thụ khoảng 1m3 khí biogas chứa trong túi nhựa cho khoảng một giờ rưỡi chạy máy. Còn nếu muốn chạy máy 12 giờ trong một ngày thì nhà anh cần cung cấp lượng khí biogas tương đương lượng chất thải của khoảng 20-25 con heo thịt.

Khi muốn cho máy phát điện chạy trở lại bằng xăng chỉ cần lắp bộ chế hòa khí dùng xăng trở lại. Ngoài ra chúng tôi cũng chế tạo máy phát điện chạy bằng biogas công suất lớn như 10 kW, 15 kW...

Giá một lần chuyển đổi bộ chế hòa khí cho máy phát điện khoảng 1 triệu đồng. Muốn biết thêm chi tiết, anh Tiến có thể liên hệ địa chỉ: 305 B chung cư Mỹ Thuận, An Dương Vương, phường 16, quận 8, TP.HCM. ĐT: 08. 2606424; email: hoanglangks@yahoo.com.

Kỹ sư cơ khí BÙI HOÀNG LANG (người sáng chế máy phát điện chạy bằng biogas)

Tuesday, August 22, 2006

Đà Nẵng: Từ 24-8, chuyển đổi cho xe gắn máy chạy gas/xăng

Đà Nẵng: Từ 24-8, chuyển đổi cho xe gắn máy chạy gas/xăng

GS-TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc Đại học Đà Nẵng chiều hôm qua cho biết, từ thứ năm 24-8, những xe gắn máy đầu tiên ở Đà Nẵng sẽ được lắp đặt bộ chuyển đổi nhiên liệu gas/xăng do Trung tâm nghiên cứu Đại học Đà Nẵng kết hợp Công ty cổ phần thương mại - kỹ thuật Đà Nẵng (Datechco) sản xuất.

Hiện đã có gần 400 xe đăng ký chuyển đổi với giá thành lắp đặt cho mỗi bộ là 1.350.000 đồng. UBND TP Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt cho 300 xe gắn máy chuyển đổi với mức hỗ trợ 70% (100 xe đầu tiên), 50% đối với 100 xe tiếp theo và 30% với 100 xe còn lại. Xe gắn máy chạy bằng gas/xăng có hai loại bình gas: loại 1,2 kg dành cho xe chân số và loại 2 kg dành cho xe chạy tay ga. So với chạy xăng, xe gắn máy chạy gas tiết kiệm trên 40% chi phí nhiên liệu và mức độ ô nhiễm môi trường được giảm hơn 70%. Hiện chỉ có cây xăng ở ngã ba Lê Quý Đôn - Trưng Nữ Vương cung cấp gas cho xe gắn máy.

Theo Thanh niên

Dầu và vàng lại căng thẳng

Dầu và vàng lại căng thẳng

Các công nhân của hãng BP đang chuyển các ống dẫn dầu - Ảnh: A.P
TTO - Giá dầu đã tăng trở lại gần 72 USD/thùng vào phiên giao dịch cuối ngày hôm nay, 21-8, sau gần một tuần trượt giá liên tục. Nguyên nhân là do Iran không chấp nhận yêu cầu của Liên hiệp quốc đòi nước này từ bỏ chương trình làm giàu từ uranium.

Cụ thể, giá dầu thô ngọt giao tháng 9 tăng lên 61 cent/thùng, đứng ở mức giá 71,75 USD/thùng tại sàn giao dịch New York. Giá dầu thô Biển Bắc trên sàn giao dịch London ở mức 73,16 USD/thùng, tăng 86 cent.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Manuchehr Mohammadi trong lần gặp gỡ với báo chí mới đây cũng vừa đưa ra nhận định rằng giá dầu thế giới có thể tăng tới mức khoảng 200 USD/thùng nếu nước này phải chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Vàng tăng nhẹ lên 617,55 USD/ounce

Giá vàng thế giới hôm nay được giao dịch ở mức 617,55 USD/ounce, tăng 3,5 USD/ounce so với mức giá của phiên giao dịch cuối tuần trước.

Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng là do giá dầu tăng ngày thứ hai liên tiếp do sức ép đối với Iran ngày càng lớn. Bên cạnh đó, đồng USD giảm giá do dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chững lại cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu mua vàng tăng lên.

Giá vàng dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, do các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng chuyển sang đầu cơ vàng. Giá dầu tăng mạnh trong khi đồng USD giảm giá gần đây đã khuyến khích các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang đầu cơ vào vàng để bảo toàn nguồn vốn trong tuần giao dịch vừa qua.

Giá giao dịch trên thị trường VN, tính theo vàng SJC tại Hà Nội vẫn ổn định ở mức 1.220.000 đồng/chỉ.

M.P (Theo AP, VietNamNet

Hướng đến thả nổi giá xăng dầu: chống độc quyền ngành

Hướng đến thả nổi giá xăng dầu: chống độc quyền ngành

TTO - Cột mốc thời gian thả nổi các mặt hàng xăng dầu được đề nghị là cuối năm 2008, riêng mặt hàng xăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng có thể chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường trong năm 2006. Thị trường VN đã chuẩn bị gì?

Xây dựng thị trường giao sau xăng dầu

Giá xăng dầu thả nổi theo giá thế giới có thể ảnh hưởng xấu đến chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp VN và tạo ra cơ hội để lạm phát tiếp tục trở thành bóng ma đe dọa nền kinh tế mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng lên, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Một trong những công cụ có thể nghĩ đến là xây dựng thị trường giao sau xăng dầu ở VN. Khi đã có thị trường giao sau ở VN, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chọn lựa đi mua các hợp đồng giao sau xăng dầu (mà ở các nước có thị trường giao sau thường gọi là các hợp đồng oil futures, hoặc oil and energy futures hay fuel oil futures như ở Trung Quốc) để phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu tăng.

Ví dụ, một doanh nghiệp lo sợ giá xăng dầu trong cả năm 2008 sẽ tăng mạnh, và chính phủ không trợ giá nữa, thì có thể chọn thời điểm trong năm 2007 mà họ thấy giá xăng dầu ở mức thấp để đi ký một hợp đồng giao sau với thời hạn là vài tháng hay cả năm tùy vào tính toán của doanh nghiệp, và với một mức giá cố định là 15.000 đồng/lít xăng chẳng hạn.

Doanh nghiệp không cần phải có kho bãi để tích trữ số xăng dầu giao sau đã mua mà chính thị trường giao sau sẽ làm nhiệm vụ tích trữ này cho họ. Khi đến thời hạn, doanh nghiệp cần xăng dầu thì sẽ nhận được xăng dầu từ phía thị trường giao sau với giá 15.000 đồng/lít, bất chấp giá hiện tại bán ngoài thị trường có là 20.000 đồng/lít đi nữa. Điều này giúp doanh nghiệp không phải lo lắng tới nỗi lo về giá xăng dầu tăng sau khi đã ký hợp đồng giao sau, từ đó chủ động kiểm soát được chi phí đầu vào của mình.

Việc xây dựng thị trường giao sau không phải là điều không thể thực hiện, vì nước láng giềng Trung Quốc của chúng ta cũng đang bắt đầu xây dựng hệ thống thị trường này từ những năm 1990 và đã cho giao dịch giao sau xăng dầu tại Thượng Hải từ 2 năm nay (thật ra thị trường giao sau xăng dầu của Trung Quốc có từ năm 1994 nhưng sau đó đã ngừng hoạt động và bắt đầu hoạt động lại vào tháng 8-2004, đồng thời đã tạo ra những bước phát triển mạnh trong năm nay). Theo các bài báo của Xinhuanet, lý do Trung Quốc xây dựng thị trường này là vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng rất cao.

Cần chống độc quyền ngành

Ngay cả khi đã có thị trường giao sau nhưng nếu như ngành xăng dầu vẫn tiếp tục chỉ có một số công ty được độc quyền kinh doanh xăng dầu, thì e rằng hiệu ứng phòng ngừa rủi ro cho người tiêu dùng sẽ không đạt được.

Nếu như chỉ có một số ít các doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu thì rõ ràng có thể lo ngại xảy ra tình trạng giá dầu thế giới lên thì giá dầu Việt Nam lên, giá thế giới giảm thì giá ở VN đứng yên! Mà đã độc quyền ngành như vậy thì trên thị trường giao sau các doanh nghiệp này cũng có thể tham gia thao túng giá, khiến giá giao sau thay đổi theo hướng có lợi cho họ. Họ độc quyền bán xăng dầu, thì lấy ai mà là đối trọng về quyết định giá trên thị trường giao sau với họ!

Như vậy, thả nổi giá xăng dầu theo giá thế giới để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước có thể là một giải pháp cần được đồng tình khi mà theo một số dự báo thì đến năm 2013 nước ta sẽ có thể trở thành nước nhập khẩu năng lượng và khi đó chúng ta đã là thành viên WTO thì việc trợ giá mãi cũng sẽ không được hưởng ứng.

Nhưng đi kèm với việc thả nổi giá xăng dầu như ở các nước phát triển thì cũng phải tạo cho người dân một “phúc lợi” như ở các nước phát triển: đó là có phương tiện phòng ngừa rủi ro giá và ngành xăng dầu phải không bị độc quyền kinh doanh. Ngoài ra, để phát huy tốt nhất hiệu quả của công cụ phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu cũng cần có sự tuyên truyền về cách thức sử dụng công cụ này để phòng ngừa và minh bạch thông tin về biến động giá cả thế giới, hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu để làm cơ sở cho thị trường “định giá xăng dầu” theo đúng cơ chế thị trường.

Ở các nước phát triển như Mỹ, hàng ngày trên thị trường giao sau đều cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, trữ lượng dầu ước tính của các doanh nghiệp xăng dầu và của quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia, giá xăng dầu thế giới và các dự báo cho người dân. Những biến động tăng giảm giá xăng dầu trong nước mới có thể mang tính “dự đoán được”, và nhờ vậy thị trường giao sau của Mỹ mới hoạt động hiệu quả, giá cả mới thật sự là do theo đúng cơ chế thị trường.

Từ kinh nghiệm các nước mà thấy, nếu chính phủ chọn con đường chuyển hoạt động xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường thì thiết nghĩ nên bắt đầu thiết lập một hệ thống thị trường và công cụ kinh doanh đầy đủ (bao gồm công cụ phòng ngừa rủi ro) cho mặt hàng xăng dầu. Tất nhiên, muốn hệ thống thị trường hoạt động hiệu quả thì nhất thiết phải chống độc quyền ngành và thực hiện minh bạch thông tin.

HỒ QUỐC TUẤN (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Sunday, August 20, 2006

Dầu khí Việt Nam: nhiều hay ít?

Dầu khí Việt Nam: nhiều hay ít?

TTCT - Trữ lượng dầu khí luôn là một trong những thông số cơ bản của các tính toán kinh tế dựa trên dầu khí, nhất là khi doanh thu từ xuất khẩu dầu thô chiếm 22-28% tổng thu nộp ngân sách VN hằng năm (số liệu Vietsovpetro).

Một số nước xuất khẩu dầu một thời oanh liệt, như Nigeria hay Indonesia, trong những năm sau này đã lâm cảnh khó khăn xăng dầu (ở Indonesia đã có một dạo bất ổn xã hội vì dân chúng phản đối tăng giá dầu) do đã không quản lý tốt nguồn tài nguyên này, không đẩy mạnh công tác thăm dò dầu khí, cũng như do đã không “quản” nổi nạn tham nhũng (như ở Nigeria). Dầu hỏa và khí đốt của VN ra sao? (Còn) nhiều hay ít?

Dầu

Trong thực tế sản lượng dầu ở VN đã bắt đầu giảm: năm 2005, sản lượng dầu thô của VN bình quân khoảng 370.000 thùng/ngày, thấp hơn so với năm 2004 (vốn là 403.000 thùng/ngày) gần 10%. Việc giảm sản lượng dầu năm 2004-2005 là do giảm sản xuất tại mỏ Bạch Hổ (nguồn: Bộ Năng lượng Hoa Kỳ EIA/DOE) bởi phần lớn sản lượng dầu thô của VN là từ mỏ Bạch Hổ.

Điều này đã được dự báo từ lâu. “Theo dự báo của các chuyên gia dầu khí, từ nay đến năm 2005 sản lượng dầu thô của VN có thể đạt 16 triệu tấn/năm, sau đó sẽ giảm rất nhanh nếu không tìm kiếm thêm được những nguồn dầu mới. Các chuyên gia cũng cho rằng khả năng phát hiện những mỏ dầu lớn như Bạch Hổ ở VN là rất thấp và chỉ có thể còn những mỏ nhỏ, trữ lượng ít” (nguồn: TTXVN 16-3-2001).

Theo Petro Vietnam, tính đến tháng 1-2000, trữ lượng dầu và khí của VN là 2,7 tỉ thùng và 12.800 tỉ bộ khối (Tcf), đứng ở vị trí 35 và 42 trong số các quốc gia trên thế giới. Số liệu này khác với số liệu của Oil and Gas Journal, theo đó VN có 600 triệu thùng dầu dự trữ. Nếu căn cứ trên hai con số này, sẽ thấy số ngày còn dầu để khai thác, theo tốc độ hiện nay:

- 2,7 tỉ thùng: 0,370 triệu thùng/ngày = 7.297 ngày (tức khoảng > 20 năm).

- 600 triệu thùng: 0,370 triệu thùng/ngày = 1.621 ngày (tức khoảng 4,5 năm).

Tất nhiên, có những lý do giải thích việc sản lượng “khựng lại”. Từ 20 năm qua, Vietsovpetro (VSP) - một liên doanh giữa Petro Vietnam và Zarubezhneft (Nga) - đã không ngừng khai thác mỏ Bạch Hổ. Đã có một giai đoạn do những yếu tố lịch sử, các hoạt động thăm dò đã chỉ trong tay một, hai công ty như trong thời kỳ 1981-1988: “Đây là khoảng thời gian dài vắng bóng các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên thềm lục địa VN” (nguồn: Petro Vietnam).

Giai đoạn tiếp theo lạc quan hơn: “Sau 13 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 và bảy năm thực hiện Luật dầu khí (sửa đổi vào năm 2000), VN đã thu hút được 3 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp dầu khí (chủ yếu cho công tác tìm kiếm thăm dò)...” (nguồn đã dẫn).

Kết quả là: “Năm 2002, các mỏ Cá Ngừ Vàng (Golden Tuna) và Voi Trắng (White Elephant) được loan báo, trong đó riêng Cá Ngừ Vàng có trữ lượng 250 triệu thùng. Tháng 4-2003, Petro Vietnam phát hiện tại mỏ Đại Hùng một khả năng sản xuất khoảng 6.300 thùng/ngày. Đầu năm 2004, một phát hiện khác tại lô số 15-1 mỏ Sư Tử Trắng (White Lion) với khoảng 8.682 thùng/ngày, có thể đưa vào sản xuất năm 2008. Tháng 7-2004, VSP phát hiện thêm dầu tại mỏ Rồng.

Ba tháng sau, một liên doanh gồm American Technologies, Petronas, Singapore Petroleum và Petro Vietnam loan báo phát hiện một mỏ dầu có trữ lượng 100 triệu thùng tại bờ biển phía Bắc. Cũng tháng 10-2004, các hãng dầu Nhật Bản Nippon Oil Exploration, Idemitsu Kosan và Teikoku Oil (30 percent) loan báo kế hoạch góp vốn vào các lô 05.1b và 05.1c tại bồn trũng Nam Côn Sơn.

Hai tháng sau, Hãng dầu Korean National Oil Corporation (KNOC) của Hàn Quốc cùng các công ty dầu khác cũng của Hàn Quốc quyết định đầu tư 300 triệu USD cho việc triển khai tại lô 11-2. Tháng 10-2005, Hãng dầu ONGC của Ấn Độ được cấp giấy phép tại lô 127 ở bồn trũng Phú Khánh cùng lúc với Hãng dầu ChevronTexaco của Mỹ tại lô 122 ở đây (nguồn: EIA/DOE).

Các nỗ lực thăm dò trên cho thấy có nhiều triển vọng tăng trữ lượng dầu, do những nỗ lực “đa phương hóa” trong lĩnh vực kinh tế quan trọng này. Nếu so với trước (chỉ một liên doanh dầu khí) tình hình sau khi có Luật dầu khí sửa đổi đã “đa diện” hơn với phần lớn là các hợp đồng chia sản phẩm (PSC), bên cạnh một số ít hợp đồng điều hành chung (JOC) và hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

UNDP và WB (ESMAP) thông qua “Chương trình hỗ trợ quản lý lĩnh vực năng lượng” đã khuyến cáo: hình thức hợp đồng thường được sử dụng nhất với các nhà đầu tư nước ngoài là hình thức PSC, hợp đồng chia sản phẩm. VN nên sử dụng các hợp đồng PSC này như là loại hợp đồng chủ yếu, thay vì các hợp đồng liên doanh hay các loại thỏa thuận khác. Bởi lẽ như đánh giá của ESMAP: “Tiềm năng dầu và khí thềm lục địa của VN vẫn còn chưa được thăm dò nhiều lắm so với các nước láng giềng Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan”.

Theo các tác giả chương trình này, có thể sử dụng những đòn bẩy kinh tế cần thiết trong các trường hợp trữ lượng dầu ít để, thay vì xếp xó các mỏ dầu nhỏ, vẫn có thể đưa vào khai thác được: “Chính sách tô nhượng không linh hoạt của VN có thể làm nản lòng việc triển khai các mỏ dầu nhỏ. VN nên tỏ ra “nhạy cảm” hơn đối với giá cả và sản xuất sao cho các mỏ nhỏ này có thể trở nên kinh tế hơn...”.

Theo tác giả của “Ảnh hưởng của giá dầu thô lên các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng biển nước cạn VN”, giá dầu thô ở mức xa trên con số trung bình 20 USD/thùng vừa khuyến khích các công ty đang khai thác tăng sản lượng, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư cho các công ty thăm dò. Nói cách khác, nếu như giá dầu ở mức 20 USD/thùng như trước kia, thì khai thác cầm chắc là lỗ huống hồ là thăm dò.

Song, khi giá dầu liên tục trên ngưỡng 60 USD/thùng, thậm chí có lúc vượt cả ngưỡng 75 USD/thùng, thì đây chính là thời cơ để có những quyết định khuyến khích các công ty mạnh dạn đầu tư thăm dò ở những vùng có tiềm năng thấp để có thể đi đến kết quả là: “Nhiều mỏ dầu mới được triển khai trong những năm tới sẽ làm tăng sản lượng dầu hỏa của VN. Một giếng dầu mới ở lô 15-1 Sư Tử Trắng với sản lượng 8.682 thùng/ngày được dự trù cho năm 2008” (nguồn: EIA/DOE).

Khí

Nếu như việc khai thác dầu đã tròn 20 “tuổi” (tính từ mỏ Bạch Hổ) thì việc khai thác khí đốt ở VN lại “lớn tuổi” hơn: mỏ khí Tiền Hải C, với trữ lượng khoảng 1,3 tỉ m3 (BCM), đã được đưa vào khai thác từ năm 1981 tuy với sản lượng khiêm tốn.

Tâm điểm của hi vọng khai thác khí đốt là lượng khí đồng hành của mỏ dầu Bạch Hổ, vốn đã được khai thác từ năm 1986 song vẫn cứ “phải đốt bỏ ngày càng lớn, lên đến 1 tỉ m3 khí mỗi năm” (từ ngữ của Petro Vietnam). Hiện vẫn chưa có giải thích chính thức nào về việc phải đốt bỏ khí đồng hành này.

Mãi đến năm 1993, dự án khai thác khí đốt bỏ này mới thành hình với một dự án của Petro Vietnam, với số vốn khoảng 460 triệu USD, lắp đặt tuyến ống từ ngoài khơi về Nhà máy điện Bà Rịa. Lúc đầu cung cấp 1 tỉ m3 khí/ngày; đến cuối năm 2001 nâng lên 5,8 tỉ m3 khí/ngày.

Tháng 12-1998, Nhà máy chế biến khí Dinh Cố được đưa vào vận hành, mỗi ngày có 4,2 triệu m3 khí được xử lý, chế biến thành khí hóa lỏng (LPG) và condensate cung cấp cho thị trường. Petro Vietnam còn đang xem xét việc nâng công suất của toàn bộ hệ thống thu gom vận chuyển khí từ bể Cửu Long lên 2 tỉ m3 khí/năm.

Song song, năm 1993 liên minh BP - Statoil đã phát hiện các mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ với trữ lượng xác minh là 57 tỉ m3 khí, đảm bảo nguồn cung cấp ổn định lâu dài ở mức 2,7 tỉ m3 khí/năm. Cùng thời gian này, đã phát hiện hàng loạt mỏ khí ở bể Nam Côn Sơn, cho phép nghĩ đến một khả năng cung cấp 5-6 tỉ m3 khí/năm trong tương lai gần.

Ngày 28-3-2005, các công ty BP, Statoil, Mobil và BHP đã cùng nhau ký với Petro Vietnam một thỏa thuận hợp tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Cùng với việc triển khai dự án Nam Côn Sơn, dự án xây dựng tuyến ống Phú Mỹ - TP.HCM cũng đã được chuẩn bị. Từ khí ngày nào đốt bỏ, một loại nhà máy điện tuôcbin khí (ở Phú Mỹ) mà công suất đã hơn 1/2 tổng công suất điện toàn quốc chỉ nhờ dòng khí đốt này đã được đưa vào hoạt động.

HỮU NGHỊ

Saturday, August 19, 2006

Thủy điện tư nhân đầu tiên

Một người dũng cảm

TTCT - Từ 44 năm nay, có một người đã lặng lẽ dành cả trái tim và khối óc của mình để làm nên ánh điện thắp sáng cho những vùng đất mới và những buôn làng xa xôi hẻo lánh. Và hôm nay, cái nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên do chính ông xây dựng cũng bắt đầu từ niềm đam mê kỳ lạ ấy... Con người ấy là Nguyễn Quyền, năm nay 66 tuổi.

Từ TP Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 26 đến trung tâm huyện M'Đrăk mất khoảng 90km. Từ thị trấn nhỏ nghèo nàn nằm giáp ranh Phú Yên và Khánh Hòa, theo tỉnh lộ 693 đi thêm khoảng 20km nữa mới đến xã Ea Mđoan.

Đi sâu vào hướng núi, từ đằng xa mới bắt đầu thấy thấp thoáng tuyến kênh và đường ống xiphông khổng lồ nằm vắt ngang mấy triền đồi ràn rạt gió. Băng qua dãy nhà chuyên gia và dãy nhà nghỉ khang trang của công nhân, vòng thêm mấy con dốc quanh co khúc khuỷu nữa, nhà máy thủy điện của ông Nguyễn Quyền hiện ra dưới chân đồi.

Một đời với thủy điện

Ông Nguyễn Đức Trọng, phó giám đốc Sở Điện lực Đắc Lắc:

“Đắc Nông, Đắc Lắc... có rất nhiều tiềm năng về thủy điện. Có chủ trương của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho những người như ông Quyền làm ra điện để cùng tham gia cung cấp điện vào mạng lưới quốc gia.

Với tôi, ông Quyền là một con người dũng cảm thật sự, một người có năng lực thật sự, chỉ có con người ấy mới dám đứng ở đầu tàu để làm những chuyện thế này”.

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1962, ông được điều về công tác ở Lào Cai. Từ ngày ấy, cuộc đời của ông đã gắn bó với không biết bao nhiêu công trình thủy điện lớn nhỏ ở những bản làng người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và Tây nguyên.

Từ công trình thủy điện Cốc San, công trình thủy điện 68 cấp điện cho cả thị xã Lào Cai và một phần mỏ apatit Cam Đường, giảm bớt nhiều lượng than mà từng đoàn tàu hằng ngày từ Quảng Ninh vượt núi băng rừng chở lên làm điện... đến hàng chục công trình thủy điện lớn nhỏ ở Tây nguyên và nhiều vùng lân cận như Ea H'Leo, Quảng Sơn, Đắc Nông, Ea Súp, trung đoàn 53, trại giam Sông Cái, Z30D, Z30C, Phan Rang, Nông trường cao su Phú Riềng (Sông Bé)..., cái tên Nguyễn Quyền cũng nổi tiếng khắp nơi trong ngành “dọc”, từ địa phương tới trung ương.

Đầu những năm 1980, khi phòng thiết kế của Sở NN&PTNT được nâng cấp thành Công ty khảo sát thiết kế thủy lợi thủy điện, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc, rồi giám đốc.

Nhận xét về người thuộc cấp này, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc, ông Phan Mưu Bính, nói đây là một trường hợp khá đặc biệt vì ít có ông giám đốc nào “không đảng phái” được cất nhắc mạnh tay như vậy. “Chúng tôi tin tưởng bởi vì đó là một con người làm nhiều hơn nói”. Thật ra đã rất nhiều lần ông được đề nghị kết nạp vào Đảng, nhưng tất cả hồ sơ cứ về đến quê là bị “tắc”. Chút lận đận này trong cuộc đời được ông kể lại chỉ gợn một chút tiếc nuối thoáng qua.

Ông sinh ở Hà Tĩnh. Bố ông là Nguyễn Quát vốn học Trường Bưởi, sau đó học luật và được bổ làm tri phủ Nghệ An từ lúc còn rất trẻ; sau Cách mạng Tháng Tám là hiệu trưởng Trường Trần Phú, Trường Phan Đình Phùng, rồi phó trưởng Ty giáo dục Hà Tĩnh, giáo sư ngoại ngữ của Trường ĐHSP Hà Nội, người đã có công rất lớn trong việc biên soạn cuốn Từ điển Pháp - Việt của UBKHXH VN.

Thủy điện tư nhân đầu tiên

Năm 2003 Nhà nước chính thức cho phép tư nhân tham gia làm thủy điện. Bao năm bám trụ khắp Tây nguyên, ông rành rẽ từng con suối ngọn thác. Dự án công trình thủy điện Krông Hin của ông ra đời. Ông hết vào Nam ra Bắc, cuối cùng dự án trị giá đến 102,625 tỉ đồng này cũng đã được duyệt.

Các dự án thủy điện được ưu đãi đầu tư (chỉ sau trồng rừng) nên ông được tỉnh tạo điều kiện khai thác mặt bằng, không phải trả tiền thuê đất, công trình đi đến đâu thì làm công tác đền bù giải tỏa với các đơn vị và địa phương tới đó. Ông nói tưởng đơn giản nhưng cũng không lắm gian nan. Gọi là rừng nhưng chỉ cần một mét dây điện chạy qua một rẫy sắn cũng phải đến nhà từng người dân thương lượng, và muốn mọi chuyện nhanh chóng suôn sẻ lúc nào cũng phải biết vui vẻ nhận thêm ít phần thiệt về mình.

Vay được của ngân hàng 40 tỉ đồng, gom hết vốn liếng tiền bạc của công ty, ông cầm thêm bốn cái nhà, tính cả ba cái nhà của con cái từ Buôn Ma Thuột cho đến Đà Nẵng, Sài Gòn và huy động, kêu gọi “đầu tư” của anh em họ hàng, người thân người quen từ Nam chí Bắc: “Nhiều lúc tiền vốn kẹt cứng cả tuần liền ở ngân hàng, may mắn là người thân của mình ai cũng tin tưởng, chính họ phải cầm cố nhà cửa vườn tược để vay tiền cho tôi mượn... Đó cũng chính là một động lực giúp tôi vượt qua khó khăn để đi tới cùng công việc”.

Nhà máy thủy điện Krông Hin
Nằm ở đầu nguồn con suối Ea Krông Hin nơi có nhiều ghềnh thác và bốn mùa dào dạt nước, thủy điện Krông Hin nằm xen giữa thung lũng rừng dưới chân núi Vọng Phu, cách ranh giới tỉnh Phú Yên khoảng 5km và ranh giới tỉnh Khánh Hòa chưa đầy 10km. Tất cả sắt thép máy móc được đưa về từ Sài Gòn, vật liệu thô thì chở lên từ Nha Trang.

Để tiết kiệm tiền bạc, ông chế tạo hẳn một máy cuốn thép, mua thép về sản xuất hơn 2.000m ống áp lực đường kính gần 2m ngay tại công trường thay vì phải chở từng ống (mỗi ống phải mất một xe tải) từ TP.HCM về.

Mùa nắng thì đối diện với nắng với gió, mùa mưa ở rừng thì càng kinh khủng, nhiều khi mưa cả tháng trời không thấy được mặt trời. Anh Tuấn, kỹ sư xây dựng của công trình, kể mới lên nhìn rừng núi hoang vu ai cũng hãi, đèo dốc thăm thẳm, trơn trượt, anh em toàn mặc áo mưa dầm mình mà làm, đêm về bít kín cả lán trại nhưng vẫn rét thấu xương...

Gần hai năm trời quần quật, có lúc công ty phải huy động cả 500-600 nhân công đào mương, đắp đập, phá mìn bạt núi lấy mặt bằng xây nhà máy. Những đường ống xiphông khổng lồ, đường kính 1,6m, dày 14 li, nặng 3-3,5 tấn phải vận chuyển, lắp ráp qua từng con dốc cao và dài hun hút...

Bạt rừng mà đi, từ đập chính ngăn suối trên núi, đoạn kênh 1km đưa nước tới hồ trung chuyển rộng 20ha rồi theo đường ống xiphông dẫn nước dài đến 1.600m (dài nhất trong số những công trình thủy điện ở VN) băng qua thung lũng theo 2km kênh dẫn đưa nước qua đường ống áp lực dài 500m xuống nhà máy... Ông đi như con thoi từ thành phố Buôn Ma Thuột tới công trình, thường xuyên 4 giờ sáng đã khởi hành để kịp có mặt ở công trường lúc... 6 giờ, những ngày lắp đường ống, đổ bêtông mặt bằng... thì ông cắm trại tại chỗ, một bước không rời...

Trạm đấu nối với mạng lưới điện quốc gia cách nhà máy 17km
Công trình thủy điện Krông Hin cuối cùng cũng hoàn thành với cột nước thiết kế 124m, công suất 5.000kWh, đủ 1/4 số lượng điện cung cấp cho cả tỉnh Đắc Lắc. Ngày 17-7-2006, không kèn không trống, đường dây điện 35kW của thủy điện đã chính thức hòa vào mạng lưới điện quốc gia ở điểm đấu nối cách nhà máy đúng 17km.

Đứng trước chỉ số sản lượng điện chạy thử là 700.000kWh, ông cười xòa: “Thì tôi có làm gì đâu, hiện ở đây vẫn còn là mùa khô, hai máy chỉ mới thay phiên nhau chạy thử, giá bán điện thỏa thuận vẫn còn chờ những thủ tục cuối cùng”...

Dự kiến mỗi năm sản xuất được từ 25-30 triệu kWh, với giá bán điện cho Tổng công ty Điện lực VN từ 585-600 đồng/kW, ông tính toán từ 8-10 năm sẽ thu hồi toàn bộ vốn. Và không chỉ cung cấp điện, thủy điện Krông Hin còn cung cấp nước tưới cho hơn 530ha cà phê của Nông trường 715C cũng như nước sinh hoạt, cải tạo đời sống công ăn việc làm cho đồng bào địa phương, nhất là hai xã Ea M'Đoal và Cư Króa bên cạnh...

Và đó có lẽ cũng chưa là điểm để dừng lại, bởi ông còn đang tiếp tục đầu tư thiết kế hai thủy điện khác, trong đó dự án thủy điện Đăk Pri ở Đắc Nông với công suất 10.000kWh, chi phí đầu tư khoảng 200 tỉ đồng đã được Bộ Công nghiệp ký duyệt.

Bây giờ cũng vậy, trong hai phòng làm việc của ông, một ngay trong phòng ngủ ở căn nhà cũ kỹ tại Buôn Ma Thuột và một ở phòng nghỉ khu tập thể giữa rừng, bao giờ cũng là chiếc máy vi tính với hàng núi hồ sơ bản thảo các công trình. Không rượu chè thuốc lá, niềm đam mê của ông từ xưa còn là việc chụp và làm ảnh. Ông vốn mê nhạc cổ điển, mê sách văn học và bây giờ còn có thêm thú xem và sưu tầm phim.

Trong cái tủ gỗ vốn để đựng quần áo của ông giám đốc ở giữa rừng còn có đến gần cả ngàn đĩa phim đủ loại. Với người cộng sự đã theo ông đến hàng chục công trình từ lúc còn làm nhà nước đến làm tư là KS Bùi Văn Hùng, ông đã tự tay lập từng bản vẽ, bản thiết kế, gõ từng chữ từ A-Z trên bản thuyết minh....

Những ngày ngắn ngủi sục sạo ở vùng đất này, tiếp xúc với nhiều người, chúng tôi còn biết một thông tin thú vị: từ lúc thấy ông Quyền bỏ vốn liếng lao vào đầu tư thủy điện cho riêng mình, không ít công ty tư nhân và người dân ở vùng đất Tây nguyên này cũng nhìn ra một tiềm năng lớn trong việc đầu tư làm thủy điện.

Nhiều người đã và đang tìm tới Công ty Mêkông của ông Quyền, nhờ ông khảo sát tìm nơi chốn, đặt hàng làm dự án, thậm chí đã có dự án của một công ty tư nhân đầu tư với công suất cả 10.000kWh, nhiều dự án chỉ còn chờ một vài thủ tục cuối cùng để đưa vào xây dựng.

HOÀI TRANG

Nguyên nhân thật sự của việc tăng giá xăng dầu?

Nguyên nhân thật sự của việc tăng giá xăng dầu?

TTCT - Theo giải thích của Chính phủ, việc tăng giá xăng dầu lần này là để giải quyết một phần tác động của giá xăng dầu thế giới; để hạn chế chênh lệch giá các mặt hàng này với các nước láng giềng và buôn lậu qua biên giới; để ngân sách NN cũng bớt một phần bù lỗ.

Nhưng nếu nói cho dễ hiểu và cụ thể hơn thì đó là người dân phải có trách nhiệm chia sẻ với Nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về các khoản lỗ do giá xăng dầu thế giới tăng cao. Có thật sự hoàn toàn là do giá xăng dầu thế giới tăng làm giá xăng dầu trong nước tăng theo?

Tăng trưởng kinh tế có đáng để bị kìm hãm và người dân có đáng phải gánh chịu những thiệt hại do giá xăng dầu tăng từ những bất cập mà chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được hay không?

Giá xăng dầu liên tục bất ổn trong nhiều năm qua do những diễn biến quá phức tạp từ tình hình chính trị ở các quốc gia sản xuất dầu hỏa. Nếu là một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bình thường trong một môi trường cạnh tranh như ở các nước có nền kinh tế thị trường, một trong những giải pháp mà họ buộc phải tính đến là bằng mọi giá phải kiểm soát cho bằng được giá xăng dầu thông qua các hợp đồng kỳ hạn hoặc giao sau bất kể các diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới.

Để đảm bảo kiểm soát được mức giá trong kinh doanh, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không còn cách nào khác là phải tham gia các hợp đồng kỳ hạn thế giới trong thời hạn là một năm (hoặc hơn nữa) với một mức giá đã được cố định sẵn, ví dụ 70 USD/thùng chẳng hạn.

Nguyên nhân thật sự của giá xăng dầu trong nước ở mức quá cao?

Điều này có nghĩa là nếu như sau đó giá dầu thế giới có tăng lên 80 USD/thùng thì các doanh nghiệp cũng vẫn mua được với mức giá đã được cố định trước là 70 USD/thùng. Chính phủ hoàn toàn có thể buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở nước ta thực hiện các giao dịch “chốt giá xăng dầu” trên thị trường kỳ hạn hoặc giao sau theo cách như thế.

Giá xăng dầu bán ra vì vậy vẫn không thay đổi so với dự kiến ngay từ thời điểm Chính phủ lên các kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế và người lao động, cũng như nền kinh tế không phải oằn vai với gánh nặng giá xăng dầu.

Đơn giản quá, thế nhưng tại sao các lợi ích hiển nhiên như trên lại không được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện?

Quá dễ hiểu, đó là nếu như thực hiện các giao dịch trên thị trường kỳ hạn, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chịu một rủi ro do giá xăng dầu thế giới giảm thấp. Ví dụ nếu giá giảm xuống còn 68 USD/thùng, các doanh nghiệp vẫn phải mua với giá đã chốt trước đó là 70 USD/thùng, lỗ 2 USD/thùng.

Cần lưu ý trong những trường hợp giá giảm như thế, các doanh nghiệp trên thế giới không gọi đó là lỗ và rủi ro, bởi mục tiêu quan trọng nhất mà họ đạt được khi tham gia thị trường này là chủ động được mức giá kỳ vọng 70 USD/thùng, bất kể giá lên hay xuống. Mức giá mục tiêu đã được chốt lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì không ai gọi là lỗ hoặc rủi ro.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu độc quyền ở ta không dại gì phải chấp nhận một khả năng thiệt hại 2 USD/thùng như thế (trong một môi trường cạnh tranh thì không ai gọi đó là thiệt hại). Bởi các doanh nghiệp đã biết trước, nếu giá xăng dầu thế giới tăng lên họ sẽ được Nhà nước bù lỗ (hoặc trước sau gì người dân cũng phải gánh chịu do Nhà nước tăng giá), còn nếu như giá thế giới có giảm đi thì họ vẫn bán theo giá cao kia mà. Người dân đã từng chứng kiến quá nhiều lần giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng, nhưng điều ngược lại rất ít khi xảy ra: giá xăng thế giới giảm trong khi giá xăng trong nước vẫn đứng yên.

Nói cách khác, độc quyền kinh doanh xăng dầu và cùng với đó là sự bảo hộ tuyệt đối của Nhà nước, trong khi không có đối trọng từ các nhà kinh doanh xăng dầu trong nước hoặc nước ngoài, đã làm tê liệt khả năng kinh doanh - ở mức tối thiểu cần có - của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước. Cuối cùng thì người lao động và cả nền kinh tế lãnh đủ, ngoại trừ lợi ích cục bộ của “nhóm lợi ích xăng dầu”.

Đó mới chính là nguyên nhân đích thực của vấn đề tăng giá xăng dầu ở nước ta trong thời gian qua.

Và các câu hỏi khác được đặt ra

Ngoài những bất cập trong kinh doanh và phân phối làm giá xăng dầu ở nước ta luôn ở mức cao không thể không đặt ra các câu hỏi khác.

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô ở nước ta trong thời gian qua luôn cao hơn kim ngạch nhập khẩu xăng dầu, khi giá xăng dầu thế giới tăng lên, giá xuất khẩu đương nhiên cũng tăng lên, phần chênh lệch này sau khi bù lỗ cho giá xăng dầu nhập khẩu thì phần ngân sách nhà nước còn lại bao nhiêu và phần chia lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền là bao nhiêu?

Trong khi ai cũng biết thu nhập trong ngành dầu khí nói chung là rất cao, cao hơn nhiều so với nhiều ngành nghề khác, bất kể giá xăng dầu thế giới lên hay xuống. Phải chăng thu nhập cao trong ngành xăng dầu là từ đóng góp của người dân?

Có hay không lợi ích cục bộ của “nhóm lợi ích xăng dầu”? Người dân có thể chấp nhận trong một chừng mực nào đó lợi ích của “nhóm lợi ích ôtô” hay nhóm lợi ích nào khác, nhưng dứt khoát không thể chấp nhận “nhóm lợi ích xăng dầu”.

Tại sao giá xăng ở một số quốc gia trong khu vực và thế giới luôn ở mức thấp, đặc biệt Trung Quốc là quốc gia luôn nhập khẩu xăng dầu ở mức kỷ lục, thì Việt Nam lại ở mức quá cao (xem bảng).

Đây là những vấn đề mà người dân muốn biết và nhận được thông tin chi tiết và rạch ròi từ Chính phủ, chứ không thể cứ lặp lại mãi điệp khúc do giá xăng dầu thế giới tăng nên giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo tương ứng.

PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Việt Nam lập đề án phát triển nhiên liệu sinh học

Việt Nam lập đề án phát triển nhiên liệu sinh học

Bộ Công nghiệp đang xây dựng đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2020, với mục tiêu sản xuất xăng E10 và dầu sinh học nhằm thay thế một phần nhiên liệu truyền thống hiện nay.

Theo đề án, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam sẽ tiếp cận công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học từ sinh khối, xây dựng mô hình thí điểm phân phối nhiên liệu sinh học tại một số tỉnh, thành; quy hoạch vùng trồng cây nguyên liệu cho năng suất cao; đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật.

Giai đoạn 2011-2015, sẽ phát triển mạnh sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu truyền thống, mở rộng quy mô sản xuất và mạng lưới phân phối phục vụ cho giao thông và các ngành sản xuất công nghiệp khác; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu.

Đến năm 2020, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, với sản lượng đạt khoảng 5 tỷ lít xăng E10 và 500 triệu lít dầu bio-diesel B10/năm.

Theo các chuyên gia, xăng E10 là xăng pha cồn với hàm lượng cồn tối đa là 10%, đáp ứng hoàn toàn mọi hoạt động bình thường của ôtô, xe máy. Dầu biodiesel luôn được pha trộn vào dầu DO, với tỷ lệ phổ biến 5-30%, để giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Theo TTXVN

Sôi động dầu khí

Sôi động dầu khí

Đúng theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, dầu khí đang trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư nước ngoài sôi động nhất khi VN chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Nhiều tập đoàn dầu khí lớn đang có kế hoạch đầu tư và mở rộng hoạt động tại quốc gia có sản lượng khai thác lớn thứ ba khu vực châu Á này.

Ngoài số hợp đồng thăm dò khai thác được Tổng công ty Dầu khí VN (PetroVietnam) ký với các nhà thầu nước ngoài từ đầu năm đến nay, hai tập đoàn dầu khí lớn nhất đang hoạt động tại VN là BP và ConocoPhillips cũng đang xúc tiến các kế hoạch mở rộng hoạt động của họ.

Trong chuyến thăm và làm việc tại VN cách đây hai tuần, Phó chủ tịch phụ trách thăm dò và khai thác của tập đoàn Dầu khí Anh (BP), ông Andy Englis, đã có một số cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo của Bộ Công nghiệp và PetroVietnam.

Ông John C. Mingé, Tổng giám đốc BP VN, nói với báo giới cuối tuần trước rằng BP muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ VN để có thể triển khai hiệu quả một số dự án mới và mở rộng các dự án hiện hữu trong 10 năm tới.

BP tính toán họ và các đối tác sẽ cần khoảng 2 tỉ Đôla Mỹ, trong đó phần đầu tư của BP ước tính sẽ chiếm khoảng 1 tỉ Đôla. Nguồn vốn này sẽ được đầu tư vào việc nâng công suất khai thác mỏ khí Lan Tây & Lan Đỏ (lô 6.1), phát triển thêm mỏ khí Hải Thạch & Mộc Tinh (lô 5.2 và 5.3) và xây dựng một nhà máy điện tiêu thụ khí tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Hiện tại BP đang là nhà thầu điều hành dự án khí Nam Côn Sơn, có tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ Đôla, và nắm 35% cổ phần khai thác tại lô 6.1 của dự án này. Lô 6.1 hiện có công suất khai thác là 3 tỉ mét khối khí/năm. Ông Mingé cho biết BP đang có kế hoạch đầu tư mở rộng giàn khoan khai thác để nâng công suất khai thác của lô 6.1 thêm 50% so với công suất thiết kế ban đầu vào giữa năm sau, nhằm tăng sản lượng cung cấp khí thiên nhiên cho các nhà máy điện vào năm 2010. Các đối tác đầu tư của BP tại lô 6.1 là ONGC (Ấn Độ) với 45% cổ phần và PetroVietnam với 20% cổ phần.

Ngoài ra, công ty cũng đang trong quá trình thảo luận để sớm triển khai dự án phát triển lô 5.2 và 5.3, nằm kế bên lô 6.1 với mục tiêu đưa khí vào bờ vào cuối thập kỷ này (2010). Mặc dù chưa xác định được số tiền đầu tư vào mỏ khí này nhưng ông Mingé cho biết BP đã đạt được sự nhất trí với các bên liên quan về lộ trình thực hiện cũng như những thỏa thuận cần được ký kết để có thể triển khai dự án.

Đầu năm nay, BP, PetroVietnam, Tổng công ty Điện lực VN (EVN) và Bộ Công nghiệp (MOI) đã ký một biên bản hợp tác để phát triển một trung tâm điện lực tại Nhơn Trạch sử dụng khí khai thác từ lô 5.2 và 5.3. Trung tâm điện lực Nhơn Trạch dự kiến sẽ tiêu thụ 2,5 tỉ mét khối khí/năm và có công suất là 2.640 MW.

Tại đây, BP cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện với công suất gần tương đương với nhà máy điện Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, để tạo thị trường tiêu thụ khí cho lô 5.2 và 5.3. “Nhơn Trạch là một phần của kế hoạch phát triển thị trường khí nên chúng tôi coi đây là một cơ hội tốt”, ông Mingé nói.

Bên cạnh việc khai thác các mỏ khí và xây dựng nhà máy điện, BP cho biết họ cũng đang làm việc với các đối tác Việt Nam về khả năng đầu tư vào việc sản xuất khí hóa lỏng (LPG), một phân khúc thị trường rất có tiềm năng đối với chiến lược kinh doanh của công ty tại VN.

Tập đoàn Dầu khí ConocoPhillips (Mỹ), hiện nay đang là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN với tổng số vốn giải ngân trong 10 năm qua đã lên tới 1 tỉ Đôla Mỹ, gần đây cũng tuyên bố trong 10 năm tới sẽ đầu tư tiếp khoảng hơn 1 tỉ Đôla cho các dự án khai thác dầu tại VN.

ConocoPhillips cho biết trong năm nay, công ty sẽ đầu tư khoảng 115 triệu Đôla để phát triển lô 15.1 bao gồm các mỏ dầu Sư Tử Đen, Sư Tử Trắng, Sư Tử Vàng và Sư Tử Nâu. Hiện tại mỏ Sư Tử Đen có công suất khai thác 70.000 thùng dầu/ngày và là mỏ dầu có công suất khai thác lớn thứ ba tại VN.

Tại VN, ConocoPhillips nắm giữ 23,25% cổ phần khai thác tại lô 15.1; 36% tại lô 15.2; 70% tại lô 133 và 134; 50% tại lô 5.3 và 16,33% tại dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Đại diện của ConocoPhillips tại VN cho biết khoản đầu tư trong 10 năm tới của tập đoàn này tại VN sẽ tập trung vào các dự án phát triển mỏ mà công ty có cổ phần khai thác.

Như vậy riêng vốn của hai tập đoàn dầu khí lớn là BP và ConocoPhillips đầu tư vào VN trong lĩnh vực dầu khí dự tính sẽ đạt hơn 2 tỉ Đôla trong vòng 10 năm tới. Các chuyên gia kinh tế nước ngoài dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài của VN trong lĩnh vực dầu khí, một lĩnh vực sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn cả, sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Doanh thu từ ngành này hiện đang chiếm trên 25% tổng thu ngân sách của VN.

Hiện tại có khoảng 29 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực tại VN, bao gồm ba hợp đồng mới được ký kết cho bốn lô thuộc bể Phú Khánh trong nửa đầu năm nay, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn dầu khí đứng đầu trên thế giới. PetroVietnam cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục ký kết các hợp đồng đang mời thầu còn lại với các công ty nước ngoài.

Trước mắt, Petro Vietnam đang chuẩn bị ký một hợp đồng thăm dò lô 06/94 thuộc bể Nam Côn Sơn với tổ hợp nhà thầu Pearl Energy Ltd (Singapore), Serica Energy Group (Canada) và Lundin Petroleum AB (Thụy Điển).

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Singapore: giá dầu tăng, nhiên liệu sinh học “lên ngôi”

Singapore: giá dầu tăng, nhiên liệu sinh học “lên ngôi”

Đổ xăng tại một trạm xăng ở Marathon, Chicago, Illinois hôm 14-8 - Ảnh: AFP
TTO - Kom Mam Sun chạy chiếc Nissan bằng nhiên liệu sinh học 2 năm nay để thử nghiệm ý tưởng kinh doanh của mình: dùng dầu ăn từ các nhà hàng làm nhiên liệu cho phương tiện đi lại.

Cuộc thử nghiệm là một thành công đối với chủ doanh nghiệp 32 tuổi này: anh đã mở nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đầu tiên hồi tháng 6 qua và đã thu về lợi nhuận 50.000 đô la Singapore (31.600 USD)

“Khách hàng của tôi trong ngành công nghiệp xây dựng rất hài lòng với nhiên liệu sinh học vì nó đặc biệt tốt hơn và sạch hơn khi dùng cho các máy móc hạng nặng”, Kom nói.

Công việc kinh doanh như của Kom đang ngày càng được ưa chuộng tại Singapore, trung tâm lọc dầu lớn nhất châu Á, mang về nhiều lợi nhuận trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với giá xăng dầu ngày càng tăng.

Singapore là nơi lý tưởng để phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học, với lợi thế nguồn dầu cọ - thành phần chính của nhiên liệu sinh học - từ Malaysia và Indonesia. Cả hai nước này sản xuất khoảng 80% nguồn cung dầu cọ của thế giới.

“Nhiên liệu sinh học là nguồn nhiên liệu có thể hồi phục và thân thiện với môi trường”, John Hall, giám đốc tiếp thị toàn cầu của công ty năng lượng Peter Cremer Gruppe có trụ sở tại Đức nhận định. Công ty này dự định xây dựng một nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học trị giá 20 triệu USD tại Singapore vào tháng 5-2007 với khả năng sản xuất 200.000 tấn nhiên liệu sinh học.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới cứ ngày càng tăng, nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, đang ra sức khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học để giảm sự lệ thuộc vào dầu thô. Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ tăng cường dùng nhiên liệu sinh học, trong đó có ít nhất 5,75% dùng cho chuyên chở.

Tuy nhiên, nhiên liệu sinh học không hẳn là không có mặt trái của nó. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc mở rộng ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học có thể dẫn tới tình trạng phá rừng.

TƯỜNG VY (Theo Reuters)

Saturday, August 12, 2006

Xăng tự chế: Nước ngoài hỏi mua, trong nước thì chê

Xăng tự chế: Nước ngoài hỏi mua, trong nước thì chê

Xăng tự chế... một sáng chế mới hay chỉ là một chất lỏng vô tích sự? Trong ảnh: KS Lê Ngọc Khánh giới thiệu xăng tự chế (Ảnh: T.Duy)
Viện Di truyền Nông nghiệp cho hay, đã có nơi đề nghị mua công nghệ "xăng tự chế" với giá 10 triệu USD, nhưng Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì cho là xăng này sẽ làm hỏng máy xe...

* Từ khi nghiệm thu đề tài nghiên cứu về xăng tự chế của KS Lê Ngọc Khánh vào cuối năm 2005 đến nay, Viện Di truyền Nông nghiệp có dự định triển khai, ứng dụng đề tài này trong thực tế?

- GS Trần Duy Quý: Đề tài này muốn đưa ra ứng dụng phải xin phép Nhà nước.

Hiện còn mấy vấn đề như sau cần được sớm giải quyết. Thứ nhất, vấn đề này có liên quan đến an ninh do đây là loại nhiên liệu dễ cháy nổ. Thứ hai, nghiên cứu này cần được Nhà nước cho phép sản xuất và hoà vào mạng lưới xăng dầu của Nhà nước bởi vì đây đang còn là ngành độc quyền và không cho tư nhân hay các tổ chức khác sản xuất, nhất là nước ta đang trong quá trình khai thác dầu mỏ.

Thứ ba là, đề tài nghiên cứu của KS Lê Ngọc Khánh mới được thông qua hội đồng đánh giá cơ sở, chứ chưa được Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá. Do vậy, chúng tôi chỉ mới đưa vào thử nghiệm và chưa thể sản xuất lớn được.

Petrolimex: Sử dụng xăng tự chế của ông Khánh sẽ làm hỏng máy xe (?)

Theo chúng tôi, nếu pha cồn vào xăng với hàm lượng lớn hơn 10% thì các thiết bị như bình chứa, chế hoà khí... của các loại ôtô, xe máy thông dụng chạy được một thời gian sẽ hỏng hết. Điều đó xảy ra bởi cồn là chất ăn mòn, dễ phá huỷ các kim loại.

Theo xu hướng chung của thế giới, Petrolimex hiện đang hoàn thiện đề án pha cồn vào xăng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là VN chưa có cơ sở pha chế cồn tinh khiết với độ tinh khiết từ 99,5% trở lên. Trong khi đó, về nguyên tắc, nếu muốn pha cồn vào xăng thì xăng đó phải có độ tinh khiết 99,5% trở lên.

Mặt khác, lượng cồn do Việt Nam sản xuất cũng chưa nhiều. Chẳng hạn, nếu khai thác hết lượng cồn của Nhà máy Mía đường Lam Sơn (độ tinh khiết 96%) thì cũng chỉ mới đủ để sản xuất xăng pha cồn cho thành phố Hà Nội! (Ý kiến của ông Kiều Đinh Kiểm, Trưởng Phòng Kỹ thuật Xăng dầu-Petrolimex).

* Theo ông, liệu nghiên cứu của KS Lê Ngọc Khánh về một loại xăng tự chế có khả thi không khi đưa triển khai, ứng dụng vào cuộc sống... nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng như hiện nay?

- Sản phẩm xăng tự chế của kỹ sư Lê Ngọc Khánh không thể thay thế xăng thông thường được. Theo tin đã đưa, KS Lê Ngọc Khánh đã tìm ra phương pháp hạ thấp chỉ số octan của cồn công nghiệp (độ tinh khiết 96%) và dùng loại cồn này có thể pha trộn vào xăng với tỷ lệ 50:50.

- Chúng tôi đã tiên đoán được việc tăng giá này từ khi giá xăng dầu còn rẻ. Công trình này chúng tôi nghiên cứu lâu rồi, khoảng 10 năm nay nhưng khi đó công trình nghiên cứu chưa có giá trị thiết thực vì khi đó giá xăng dầu còn rẻ.

Nhưng chúng tôi đã tiên đoán được giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng lên đến 18 nghìn đồng/lít.

Để đề tài này đi vào thực tiễn thì chúng tôi cần phải làm các thủ tục để Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá. Sau đó, xin phép Chính phủ cho sản xuất loại xăng tự chế này cùng với Tổng công ty xăng dầu Việt Nam.

Hiện nay, chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện kết quả nghiên cứu do Hội đồng khoa học cấp cơ sở yêu cầu để xăng tự chế trong vòng một năm xem có bị biến màu hay không? Thực tế, xăng tự chế này vẫn còn bị biến màu. Bên cạnh đó, cần kiểm tra lại một số thông số bởi vì dùng xăng này vào buổi sáng, máy xe khó nổ.

Hơn nữa, đề tài này ứng dụng vào thực tiễn không phải dễ bởi vì loại nhiên liệu này cạnh tranh với doanh nghiệp số một của Nhà nước là Tổng cục dầu khí (nhưng dầu khí của Việt Nam thì vài chục năm nữa cũng sẽ cạn kiệt).

* Nghe nói, một số tổ chức nước ngoài đã đánh tiếng đòi mua công nghệ chế tạo loại xăng tự chế của KS Lê Ngọc Khánh?

- Đề tài này đã có một tổ chức nước ngoài muốn mua nhưng chúng tôi không bán mà để phục vụ trong nước. Lý do là, hiện nay, hàng năm Việt Nam có 31 tấn rơm rạ, ngoài việc để làm nấm ra có thể để sản xuất ra khoảng 10 triệu tấn cồn. 10 triệu tấn cồn này có thể sản xuất ra 10 triệu tấn xăng.

Việt Nam là một nước nông nghiệp chúng ta có thể tận dụng được nguồn rơm rạ vô tận năm nào cũng có và không nước nào có thể kìm hãm, cạnh tranh được.

Hơn nữa, công nghệ lên men rượu của Việt Nam không thua kém gì các nước. Để làm ra cồn công nghiệp thì không đòi hỏi công nghệ phức tạp như sản xuất cồn tinh khiết. Để chế tạo ra xăng tự chế thì chỉ cần cồn công nghiệp có nồng độ từ 90-950 là có thể dùng được rồi.

Chúng tôi cũng muốn đưa đề tài này nhanh chóng ứng dụng vào thực tiễn, nhưng phải đợi sự phê duyệt của Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước một cách bài bản thì mới thực hiện được.

Hiện ông Khánh rao bán công nghệ chế biến loại xăng tự chế nói trên với giá 6 triệu USD chứ thật ra, đã có đơn vị nước ngoài liên hệ với Viện Di truyền Nông nghiệp và trả giá tới 10 triệu USD để mua công nghệ chế tạo "xăng tự chế" đấy!

* Đề tài nghiên cứu này sử dụng nguồn kinh phí nào... Nhà nước hay tư nhân?

- Đề tài nghiên cứu này do doanh nghiệp tư nhân là Công ty Cổ phần Phong San, 536, đường Cộng Hoà, Tân Bình (TP.HCM) bỏ tiền nghiên cứu, chứ không sử dụng kinh phí Nhà nước.

* Với tư cách Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, ông đã ký Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cơ sở đối với xăng tự chế của KS Lê Ngọc Khánh. Hội đồng đã có đánh giá tốt về đề đề tài nghiên cứu trên... Nhưng xin lỗi Viện trưởng, ông đã có sử dụng thử loại xăng tự chế này chưa?

- Có chứ... Tôi đã dùng thử nghiệm loại xăng tự chế này 6 tháng nay rồi! Ở Viện, mọi người gọi đây là xăng sinh học. Hàng ngày tôi đi làm bằng chiếc xe DD đỏ, nhân viên của tôi nhìn thấy, lại hỏi "Viện trưởng đi xe dùng xăng sinh học à?". Tôi cười, bảo: "Ừ, tôi dùng xăng sinh học đấy!". Lúc nào, trong phòng tôi cũng có một can.

Theo VietNamNet

Friday, August 11, 2006

Tiềm năng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam rất lớn

Tiềm năng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam rất lớn
16:19:28 08/08/2006

Giá xăng dầu tăng vọt, không khí đô thị ngày một ô nhiễm, điều đó khiến xu hướng sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng. Ở Việt Nam đã có những cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học, tuy nhiên đều ở quy mô nhỏ lẻ. Cần làm gì để phát triển nhiên liệu sinh học ở quy mô công nghiệp? Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Quang, hiện đang nghiên cứu về nhiên liệu sinh học ở Viện Công nghệ Hóa học, trường ĐH Công nghệ Viên - Áo (Institute of Chemical Engineering, Vienna University of Technology), về vấn đề này.

Là người nghiên cứu về nhiên liệu sinh học đã lâu, xin ông cho biết tiềm năng của nhiên liệu sinh học ở Việt Nam?
Trước hết ta phải hiểu một cách rõ ràng về nhiên liệu sinh học (biofuel). Nó là những nhiên liệu có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối (biomass) như củi, gỗ, rơm, trấu, phân và mỡ động vật... nhưng đây chỉ là những dạng nhiên liệu thô. Nhiên liệu sinh khối vẫn được sử dụng ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới từ ngàn xưa nhưng chỉ với quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình cho các hoạt động đun nấu hoặc cũng có thể có trong sản xuất nhỏ. Việc sử dụng nhiên liệu sinh khối dạng thô trong quy mô công nghiệp là khó khăn và ít hiệu quả kinh tế do nhiệt trị nhiên liệu thấp (15-18 MJ/kg đối với củi, gỗ và 12-15MJ/kg đối với rơm, trấu), khối lượng riêng thấp, nguồn cung cấp thiếu tập trung dẫn đến việc vận chuyển, khai thác và công nghệ sử dụng tương đối khó khăn. Ở Việt Nam, việc sử dụng nhiên liệu sinh khối trên quy mô công nghiệp có lẽ chỉ phổ biến ở các nhà máy đường, nơi sản phẩm phế thải bã mía được sử dụng làm nhiên liệu cho việc phát nhiệt và điện tại nhà máy, hoặc ở một số nhà máy giấy khi phế thải dịch đen trong quá trình sản xuất cũng được sử dụng làm nhiên liệu cho lò hơi thu hồi nhiệt. Là một nước nông nghiệp, tất nhiên tiềm năng của nhiên liệu sinh học ở Việt Nam rất lớn, song đến nay các hoạt động sản xuất cồn từ mía, tổng hợp diesel từ dầu cây công nghiệp hoặc từ mỡ động vật vẫn chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm.

Các thử nghiệm chiết xuất dầu diesel sinh học từ cây dầu mè của TS Thái Xuân Du, từ cây diesel của TS Lê Võ Định Tường, từ mỡ cá basa của công ti AGIFISH... gần đây đều cho kết quả khả quan. Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến Việt Nam "chậm chân"trong sản xuất nhiên liệu sinh học trên quy mô công nghiệp, không chỉ so với các nước phát triển mà với cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia?
Nguyên nhân có nhiều, nhưng có lẽ một điểm quan trọng là thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như một chiến lược quy hoạch năng lượng tầm cỡ quốc gia. Hiện nay ở các nước phát triển những chính sách năng lượng của họ hỗ trợ rất nhiều cho việc ứng dụng những công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo bằng chính sách đánh thuế môi trường, những dự án hỗ trợ nghiên cứu thử nghiệm của chính phủ... giúp cho việc ứng dụng nhiên liệu sinh học phần nào có khả năng cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Với tình hình nguồn cung cấp các loại nhiên liệu hoá thạch ngày càng hạn chế, giá dầu mỏ tăng cao thì an toàn năng lượng trở nên cấp bách đối với tất cả các nước trên thế giới. Việc nghiên cứu và sử dụng nhiên liệu sinh học trên thế giới cũng có những bước phát triển rất lớn. Na Uy vốn là một nước xuất khẩu dầu mỏ cũng có tới 50% năng lượng được cung cấp từ nguồn nhiên liệu sinh học. Mỹ cũng đặt ra kế hoạch làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ. Bởi vậy việc nghiên cứu, ứng dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam cũng là vấn đề cần được chú trọng, tuy nhiên việc phát triển như thế nào phải do khả năng công nghệ trong nước.

Với trình độ công nghệ hiện nay, liệu các nhà đầu tư có sẵn sàng chi tiền để sản xuất nhiên liệu sinh học trên quy mô công nghiệp?

Giải bài toán kinh tế - công nghệ cũng là vấn đề lớn nữa. Để sản xuất được ở quy mô công nghiệp thì hiển nhiên là cần một nguồn cung cấp ổn định ở quy mô công nghiệp. Ví dụ như đối với nhiên liệu trấu. Chúng ta có quá nhiều các nhà máy xay xát với quy mô nhỏ và việc sử dụng các loại hình công nghệ sử dụng nhiên liệu trấu đối với các nhà máy như vậy là không khả thi. Cũng vậy đối với sản phẩm diesel từ mỡ cá chẳng hạn. Liệu có đảm bảo được nguồn cung cấp ổn định hay không? Maylaysia và Indonesia rất thành công với cây cọ, ở TP Hồ Chí Minh, người ta đã thử nghiệm trồng cọ để lấy dầu, song năng suất không khả quan. Cây dầu mè cũng đáng chú ý, nhưng trồng thử nghiệm là một chuyện, phát triển thành vùng nguyên liệu lại là một chuyện. Tiếp nữa là vấn đề tương thích giữa diesel sinh học với các loại động cơ hiện hành. Theo nghiên cứu, diesel sinh học sẽ làm hư hại nhanh các vòng đệm cao su trong động cơ và gây vón cho dầu nhớt. Một số loại động cơ hiện đại đã khắc phục được nhược điểm này, tuy nhiên với phần lớn động cơ đang sử dụng thì chưa. Chính vì thế mà cần phải đề ra một lộ trình đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng. Từ năm 2004, các trạm xăng ở Đức phải thực hiện tiêu chuẩn 2003/30/EC, theo đó phải tăng mức trộn diesel sinh học từ mức 2% lên 5%; còn ở Áo, người ta chỉ cho phép bán loại xăng trộn 5% diesel sinh học.

Hiện nay tôi đang nghiên cứu khí hóa sinh khối (biomass), cụ thể là khí hóa với nhiên liệu trấu và vụn gỗ theo công nghệ tầng sôi. Mục đích của công nghệ này là phân hủy nhiệt nhiên liệu sinh khối rắn để tạo ra nhiên liệu khí. Khí sản xuất ra từ công nghệ này có thể sử dụng để sản xuất điện, hoặc tổng hợp thành các nhiên liệu lỏng như xăng, dầu, diesel. Công nghệ khí hóa tầng sôi hai công đoạn (fast internally circulating fluidized bed gasifier) sử dụng hơi nước làm môi chất sôi của có thể sản xuất ra nhiên liệu khí với hàm lượng Hydro tới 40% và nhiệt trị lên tới 15 MJ/Nm3 khí. Trấu ở Việt Nam rất nhiều, hy vọng với công nghệ này, nó sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông.

TS Đỗ Huy Định, giám đốc Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ: Có thể có thời điểm nhà nước phải bù lỗ, nhưng xét lợi ích tổng thể thì dùng nhiên liệu sinh học có lợi. Cần đề ra một lộ trình với những mục tiêu cụ thể để đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng, không thể nói "cứ làm đi rồi có chính sách", mà nhà nước phải định chính sách để nhà đầu tư vào nhiên liệu sinh học có được hiệu quả. Như Thái Lan, họ đặt ra mục tiêu một lít biodiesl phải rẻ hơn xăng 0,5 bạt.


VIỆT ANH thực hiện

Wednesday, August 09, 2006

Xăng tăng giá lên 12.000 đồng/lít

Xăng tăng giá lên 12.000 đồng/lít

Kể từ 16giờ hôm nay, 9-8, giá bán lẻ định hướng các loại nhiên liệu được niêm yết ở mức mới, lần lượt là 12.000 đồng/lít với xăng A92, 11.800 đồng/lít A90. Đặc biệt, dầu diesel và dầu hoả cùng tăng 700 đồng, lên 8.600 đồng/lít.

Đó là nội dung công điện mà liên bộ Tài chính - Thương mại vừa gửi tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Tuy nhiên đến 16g30, nhiều cây xăng ở Hà Nội vẫn chưa niêm yết giá mới.

Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Phạm Bá Dục xác nhận với báo giới, giá xăng được thông báo tăng từ lúc 16 giờ. Chi cục đã phân công 16 đội chuyên trách tỏa đi kiểm tra toàn bộ các cây xăng trên địa bàn thành phố.

Ở các đợt tăng giá trước, cơ quan quản lý thị trường thường nhận thông báo trước 3-4 tiếng, lần này thông báo được phát đi và có hiệu lực ngay lập tức. Vì vậy, ông Dục dự tính, phải 30 phút sau nhân viên quản lý thị trường mới tới được các điểm kiểm tra. Theo ông Dục, họ sẽ chỉ nắm tình hình mua bán và phản ứng của người dân đối với đợt tăng giá này chứ không có trách nhiệm phát hiện xử lý các hình thức găm giữ hàng như lần trước.

Ở các đợt tăng giá trước, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội có phát hiện hiện tượng găm hàng, song chủ yếu ở các cây xăng tư nhân, với số lượng ít.

Đây là đợt tăng giá thứ 2 kể từ đầu năm đến nay. Ngày 27-4, giá xăng được điều chỉnh lên 11.000 đồng/lít, tăng 1.500 đồng/lít.

Quyết định này được đưa ra đúng vào thời điểm giá dầu giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao với 76,33 USD/thùng. Ngay sau có quyết định tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối đã có công điện gửi cho tất cả các đơn vị thành viên trong hệ thống thông báo mức giá mới.

Theo VnExpress

>> Biên giới Tây Nam: Xăng dầu lại ồ ạt “xuất ngoại”

Tuesday, August 08, 2006

Xăng tự chế, 7.250 đồng/lít - Một sáng chế mới?

Xăng tự chế, 7.250 đồng/lít - Một sáng chế mới?

Chỉ với 2 gam enzyme do kỹ sư Lê Ngọc Khánh tìm ra, có thể tạo ra một loại xăng tự chế không thua xăng A92 mà giá thành chỉ có 7.250 đ/lít.

Kỹ sư Lê Ngọc Khánh đang pha chế loại nhiên liệu mới để chạy thử xe. (Ảnh: T.Duy)

Kỹ sư Lê Ngọc Khánh rao bán công nghệ chế tạo loại "xăng tự chế" nói trên với giá 6 triệu USD.

Từ 10 năm nay, Kỹ sư Lê Ngọc Khánh đã theo đuổi nghiên cứu nói trên.

Để giảm giá xăng dầu, trên thế giới và ở Việt Nam đã có những nghiên cứu và ứng dụng pha trộn cồn vào xăng. Tuy nhiên, để pha trộn được cồn vào xăng, người ta phải dùng cồn khan có độ tinh khiết từ 99% trở lên.

Nhược điểm của phương pháp này là giá cồn khan đắt (trên 40.000 đồng/lít). Còn nếu dùng riêng lẻ, cồn có chỉ số kích nổ cao (130) nên không thể dùng làm nhiên liệu để chạy máy các loại.. (chỉ số octan thường được hiểu là thông số định lượng xác định tính chất chống cháy kich nổ của xăng).

Trong khi đó, một loại phụ phẩm khác của ngành dầu khí, vốn có nhiều ở Việt Nam là condensat (Nhà máy Dinh Cố - Vũng Tàu thải ra gần 1 triệu lít/ngày) lại có chỉ số octan thấp (60-64) nên cũng không thể dùng làm nhiên liệu.

Trước thực tế trên, Kỹ sư Lê Ngọc Khánh đã nghiên cứu tìm ra và tuyển chọn được một loại enzyme đặc biệt có thể chuyển hóa cồn công nghiệp (độ tinh khiết 96%) thành một hổn hợp, gọi là aleston. Đem aleston trộn với xăng A92 theo tỷ lệ 50:50, tác giả thu được một loại “xăng” mà tác giả gọi là “xăng C95”.

Qua đo đạc bước đầu tại một số phòng kiểm nghiệm trong nước, “xăng C95” có chỉ số octan là 101,2 (so với xăng A92 có chỉ số Octan là 92).

“Xăng C95” có thể sử dụng giống như xăng A92, lại tiết kiệm hơn. 1 lít xăng A92 chỉ chạy được 120 km nhưng xăng C95 có thể cho phép xe vượt quảng đường 120 km. Còn mức độ ô nhiễm môi trường của “xăng C95” giảm xuống gần 5 lần so với xăng A92.

Theo tính toán của Kỹ sư Lê Ngọc Khánh, giá thành cho ra một lít xăng C95 chỉ vào khoảng 7.250 đồng/lít.

Kỹ sư Lê Ngọc Khánh đang pha chế loại nhiên liệu mới để chạy thử xe. (Ảnh: T.Duy)

Loại enzyme đặc biệt có thể chuyển hóa cồn công nghiệp thành aleston để pha với xăng hiện được giữ kín.

Theo tiết lộ của Kỹ sư Lê Ngọc Khánh, đó là một chủng vi sinh vật được tuyển chọn trong số loài vi sinh vật có ở Việt Nam.

Sau đó, Kỹ sư Lê Ngọc Khánh đã dùng phương pháp ly tâm để làm vở màng tế bào của chủng vi sinh vật. Tiếp theo, qua một loạt quá trình sinh hóa, tác giả thu được enzyme có độ tinh khiết cao.

Trong quá trình thí nghiệm, ở nhiệt độ 28-320C, chỉ với 2 gam enzyme nói trên đã phân giải được hoàn toàn lượng cồn 100 lít thành aleston trong thời gian 10 giờ.

Tương tự, trong quá trình nghiên cứu, Kỹ sư Lê Ngọc Khánh cũng đã tìm ra một chất được ông đặt tên là OBK-5 (OBK, viết tắt từ Oil Reduction, Khánh).

Với OBK-5, nhà nghiên cứu công bố, đã nâng được chỉ số octan của condensat nguyên chất từ 60-64 đơn vị lên 83-96 đơn vị, tức là tương đương chỉ số octan của xăng A83 hoặc A92.

Chỉ cần pha khoảng 2% OBK-5 vào condensat thì có thế biến condensat thành một loại xăng mới tương tự như xăng A92.

Theo tính toán của Kỹ sư Lê Ngọc Khánh, nếu giá 1 lít condensat là 12,2 cent (khoảng 2.000 đồng) thì giá thành để chuyển hóa condensat thành loại xăng mới, tương đương với xăng A 83 hoặc A92) chỉ vào khoảng 4.500 đồng/lít.

Giá thành này bao gồm chi phí 1.000 đồng để mua chất OBK-5 và 1.500 đồng nữa cho các chi phí cần thiết khác!

Kỹ sư Lê Ngọc Khánh năm nay 66 tuổi. Từng công tác tại Viện Công nghệ Hóa học thuộc Phân viện Khoa học và Công nghệ tại TPHCM (trực thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia, nay là Viện Khoa học-Công nghệ Quốc Gia) từ năm 1967-2002.

Nghiên cứu của ông về loại nhiên liệu mới nói trên đã bắt đầu từ 1996.

Vào cuối năm 2005, Viện Di truyền Nông nghiệp đã ra Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu gốm 17 thành viên để xét nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sản xuất loại nhiên liệu mới theo công nghệ cao, dùng chạy động cơ nổ, ô tô và xe máy thay thế 50% xăng” của Kỹ sư Lê Ngọc Khánh.

Từ khi về hưu, ông mở một Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực khoa học -công nghệ tại đường Nguyễn Hồng Đào, Phường 14, Tân Bình - TPHCM.

Kỹ sư Lê Ngọc Khánh hiện đang rao bán công nghệ mới để tạo ra loại "xăng tự chế" nói trên với giá 6 triệu USD!

“Đề tài đã phát triển một công nghệ mới để chuyển hóa cồn công nghiệp thành loại nhiên liệu mới pha với xăng để chạy động cơ nổ.

Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiển cao theo hướng có thể tận dụng được các nguyên liệu là phế thải nông, lâm, công nghiệp và các chất loại trong khai thác khí đốt và dầu khí.

Do vậy, nó góp phần khắc phục sự lệ thuộc và khan hiếm về xăng dầu hiện nay.”

(Trích Biên bản nghiệm thu đề tài khoa học-công nghệ “Nghiên cứu sản xuất loại nhiên liệu mới theo công nghệ cao, dùng chạy động cơ nổ, ô tô và xe máy thay thế 50% xăng” do Hội đồng nghiệm thu Viện Di truyển Nông nghiệp xác nhận vào ngày 23/12/2005)

Theo Vietnamnet

Monday, August 07, 2006

Các tỉnh vùng xa: Xăng dầu đồng loạt tăng giá 2%

Các tỉnh vùng xa: Xăng dầu đồng loạt tăng giá 2%

Kể từ hôm nay, giá bán lẻ nhiên liệu tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa được điều chỉnh tăng thêm 2%, lên mức 11.220 đồng/lít với xăng A92 và 8.058 đồng/lít với dầu.

Đây có thể là một tín hiệu báo trước việc đồng loạt tăng giá xăng dầu trên toàn quốc trong thời gian ngắn sắp tới.

Với mức tăng 2%, giá các loại xăng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Cà Mau, Bạc Liêu (các tỉnh thuộc khu vực 2) là 11.020 đồng/lít (A90) và 10.820 đồng/lít (A83).

Theo ông Vũ Thế Bằng, Chánh văn phòng Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cho một số tỉnh ở khu vực vùng sâu vùng xa được công ty thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.

Theo quy chế 187 của Chính phủ và Quyết định số 0674 của Bộ Thương mại, các đơn vị nằm xa nguồn cung được mở rộng biên độ thêm 2% nhằm đảm bảo các khoản chi phí vận chuyển, bến bãi mỗi khi thị trường có biến động.

Trước những thông tin về việc một số cửa hàng đại lý tại Yên Bái tự ý nâng giá bán lên 12.200 đồng/lít ông Bằng khẳng định trong hệ thống của Petrolimex không hề có đơn vị nào niêm yết với mức giá này.

"Khi chưa có quyết định của Chính phủ, bất kể đơn vị nào tự tiện nâng giá bán vượt quá quy định vì bất kể lý do gì đều sẽ bị xử lý. Chúng tôi đã cho tiến hành kiểm tra, kết quả là các đơn vị này vẫn hoạt động bán buôn bình thường", ông Bằng nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, hiện nay, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore đang giao dịch ở mức 87,57 USD/thùng.

Sau khi cộng các thêm các khoản như phí giao thông (5 USD/thùng), thuế VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%... giá cập cảng về Việt Nam sẽ lên tới trên 100 USD/thùng, tương đương với 11.718 đồng/lít. Nếu cộng thêm các chi phí lưu thông, đại lý, bến bãi, bình quân mỗi một lít xăng doanh nghiệp lỗ khoảng 1.100 đồng.

Giá mỗi thùng dầu thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore hiện đang ở mức 87,41 USD/thùng (một thùng dầu tương đương 159 lít). Trừ đi các khoản chi phí, giá bán lẻ trong ước đương ứng với gần 14.000 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ gần 3.000 đồng/lít.

"Với mức lỗ khá cao như hiện nay, nếu các cơ quan quản lý không có chính sách điều chỉnh giá phù hợp chúng tôi không biết sống như thế nào", đại diện công ty này nói.

Theo nguồn tin riêng của báo giới, hiện nay, cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tính toán phương án giá phù hợp. Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu tăng hay không và tăng ở mức nào chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cuối tháng 4, trước biến động giá dầu thế giới, các doanh nghiệp trong nước cũng được phép tăng giá xăng ở các tỉnh vùng biên. Hai ngày sau đó, giá mới được áp dụng đồng loạt trên cả nước.

Theo VnExpress

2007, lại một năm thiếu điện?

2007, lại một năm thiếu điện?

Sẽ là "thảm hoạ" nếu hồ Hoà Bình lại cạn nước như thế này vào năm 2007

Năm nay, thời điểm căng thẳng nhất về cung cấp điện đã qua. Mọi lo ngại lúc này đang dồn vào năm 2007 mà theo lãnh đạo ngành điện, thiếu điện là khó tránh khỏi.

Sẽ thiếu triền miên

Sau chuỗi ngày đằng đẵng phát điện cầm chừng chờ nước về, những ngày cuối tháng 7, hồ thuỷ điện Hoà Bình bắt đầu cho phát điện 24/24giờ trong ngày với công suất tối đa lên đến 1.500-1.700MW. Cùng lúc đó, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện Yaly, Hàm Thuận, Trị An cũng được cải thiện rõ rệt và các nhà máy này tiếp tục được đưa vào vận hành công suất lớn.

Cộng thêm hai mạch 500kV Bắc-Nam tải điện có hiệu quả từ Nam ra Bắc, Chủ tịch HĐQT TCty Điện lực VN (EVN) - ông Đào Văn Hưng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2006, các tỉnh miền Bắc sẽ không còn tái diễn cảnh bị cắt điện trên diện rộng.

Thế nhưng, việc cắt điện tại nhiều tỉnh, thành có thể sẽ lặp lại vào mùa khô 2007 và thậm chí sang đến tận năm 2008. EVN tính toán rằng, trong hai năm này, mỗi năm hệ thống điện cần được bổ sung thêm khoảng 1.500-1.700MW mới đáp ứng đủ nhu cầu dùng điện. Có nghĩa là mỗi năm, 2007 hoặc 2008, phải có ít nhất 6 Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng hoặc cần đến 20 Nhà máy thuỷ điện Quảng Trị đi vào phát điện. Và với thời gian 3-5 năm cần có cho một nhà máy điện hoàn thiện, số lượng trên là không thể thực hiện được.

Đánh giá của EVN cho thấy, khả năng thiếu điện vào năm 2007 phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng phụ tải, tần suất nước về các hồ thuỷ điện cũng như xác suất hỏng hóc của các tổ máy. Song ngay cả với phương án phụ tải (tăng) thấp, khả năng thiếu điện vẫn xảy ra và khi thuỷ văn gặp bất lợi, tình trạng thiếu điện sẽ trở nên nghiêm trọng vào mùa khô 2007.

Ông Đào Văn Hưng cho rằng, toàn bộ các giải pháp dẫu được thực hiện đúng tiến độ mới chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu tăng trưởng phụ tải. Tương đương mức thiếu hụt khoảng 500-570MW công suất.

Chống thiếu từ mọi phía

Một kế hoạch "đối phó" với thiếu điện vào năm 2007 vừa được EVN thông qua và tới đây cơ quan này sẽ cho huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, hoàn thành tích nước sớm cho các hồ thuỷ điện Plei Krông và thuỷ điện Tuyên Quang vào tháng 9.2006. Nhờ vậy khả năng phát điện của thuỷ điện Yaly và Sê San 3 sẽ được tăng cường lên khoảng 200 triệu kWh bắt đầu từ tháng 1.2007.

Bên cạnh đó, EVN cũng sẽ đốc thúc để sớm đưa tổ máy số 2 của thuỷ điện Sê San 3, nhiệt điện Uông Bí mở rộng vào vận hành và nâng công suất các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ 2.1 lên. Song nếu tính toán chi tiết, các giải pháp này mới bổ sung cho hệ thống khoảng 1.000MW và vẫn còn thiếu đến 1/3 công suất cần có.

Do đó, theo ông Đào Văn Hưng, một loạt các tổ máy điện tại thuỷ điện Quảng Trị, tổ máy số 1 thuỷ điện Tuyên Quang và Đại Ninh phải sớm hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2007. Đồng thời, EVN sẽ phối hợp với TCty Dầu khí VN sớm đưa ngay 3 tổ tuabin khí nhà máy điện Cà Mau vào vận hành trong tháng 3-2007 và đưa ngay công trình mua điện qua lưới điện 220kV Trung Quốc tại Hà Giang vào hoạt động trước 30-4-2007.

Nhiều chuyên gia ngành điện khẳng định, tình hình cung ứng điện sẽ trở nên căng thẳng không kém mùa khô 2005 nếu các công trình trên không được đưa vào vận hành đúng tiến độ. Song ngay cả khi các nhà máy này đi vào vận hành và do hệ thống không có công suất dự phòng, một sự cố nhỏ tại thuỷ điện Hoà Bình vẫn có thể gây ra tình trạng cắt điện trên diện rộng.

Theo Lao động

Sunday, August 06, 2006

Thanh Hóa: xây dựng nhà máy phát điện từ rác thải

Thanh Hóa: xây dựng nhà máy phát điện từ rác thải

TTO - Nguồn tin từ văn phòng UBND TP Thanh Hóa sáng 6-8-2006 cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho Tập đoàn năng lượng Nanovo (Canada) đầu tư xây dựng Nhà máy phát điện từ rác thải tại TP Thanh Hóa, với tổng số vốn đầu tư là hơn 67 triệu USD.

Nhà máy này sẽ được xây dựng tại phường Phú Sơn, hệ thống nhà máy được lắp đặt 2 modul có công suất 14MW, với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Theo thiết kế, mỗi ngày nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 360 tấn rác thải các loại, có năng lực sản xuất ra sản lượng hơn 143 triệu kw điện/năm.

Theo kế hoạch, đầu tháng 12-2006, Nhà máy phát điện từ rác thải tại TP Thanh Hóa sẽ được khởi công xây dựng, và đến đầu năm 2008 đi vào hoạt động. Đây là nhà máy điện chạy bằng rác thải đầu tiên được xây dựng tại Thanh Hóa.

HÀ ĐỒNG

Wednesday, August 02, 2006

TP.HCM sẽ sản xuất dầu diesel sinh học

TP.HCM sẽ sản xuất dầu diesel sinh học

Từ tháng 8, hệ thống thiết bị sản xuất nhiên liệu diesel sinh học (biodiesel) từ dầu ăn phế thải với công suất 2 tấn/ngày sẽ được triển khai tại công ty Phú Xương, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Dự án sản xuất dầu biodiesel từ dầu ăn phế thải tại TP.HCM có nguồn vốn đầu tư khoảng 9,69 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng vay từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là đối tác chịu trách nhiệm về số vốn còn lại và việc tiêu thụ, phân phối sản phẩm trên thị trường.

Dự án sẽ được triển khai với lượng nguyên liệu đầu vào (dầu ăn phế thải) khoảng 4 đến 5 tấn/ngày và liên tục mở rộng cùng với quá trình thiết kế hệ thống thu gom dầu ăn phế thải trên toàn địa bàn. Theo tính toán ban đầu, giá thành dầu biodiesel khoảng 7.500 đồng/lít, thấp hơn giá diesel thường đang bán trên thị trường 400 đồng/lít.

Theo các chuyên gia về động cơ diesel, tất cả các loại động cơ diesel sản xuất từ năm 1994 đến nay đều có thể sử dụng biodiesel an toàn.

Theo TTXVN