Saturday, December 31, 2005

Giá gas còn tăng?

TT - Giá gas đã tăng liên tục trong năm 2005. Tháng 1-2006, giá gas sẽ biến động theo hướng nào? Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần gas Sài Gòn, cho biết:

- Do thời tiết lạnh bất thường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (ba thị trường tiêu thụ gas lớn nhất châu Á), tình hình tồn kho gas thấp ở Nhật Bản và nhu cầu gas tăng nhanh của Ấn Độ nên dự báo giá gas thế giới trong tháng 1-2006 sẽ tăng 20-35USD/tấn.

Giá gas thế giới trong tháng 1-2006 sẽ được Công ty Saudi Aramco công bố trong một vài ngày tới. Nếu như tăng trong mức chúng ta dự kiến thì giá gas trong nước sẽ tăng 4.000 - 7.000 đồng/bình 12kg.

Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng sẽ xấp xỉ 170.000 đồng/bình 12kg là mức giá gas cao nhất trong vòng mười năm qua.

* Có đủ gas trong dịp tết không, thưa ông?

- Những năm trước thì tháng giáp tết nhu cầu gas dân dụng tăng hơn mức bình thường 15-20%. Tuy nhiên một số nhà máy, xí nghiệp dùng gas làm nhiên liệu đốt, đặc biệt là các nhà máy sản xuất gạch men, sẽ ngừng hoạt động để bảo dưỡng nên tổng nhu cầu thị trường về gas trong thời gian này sẽ không biến động nhiều.

Bên cạnh đó, các công ty gas lớn cũng đều đã có kế hoạch nhập khẩu để đảm bảo đủ gas cung ứng cho thị trường.

Ngưng cấp mới giấy phép kinh doanh gas

UBND TP.HCM vừa có quyết định từ nay sẽ tạm ngưng, không giải quyết cấp mới giấy phép kinh doanh mặt hàng gas trên địa bàn TP.HCM cho đến khi có qui định mới.

Đồng thời UBND TP cũng yêu cầu Sở Thương mại báo cáo đề án qui hoạch mạng lưới kinh doanh ga trên địa bàn giai đoạn 2005-2010 để làm cơ sở cấp phép kinh doanh gas. Sở Công nghiệp xây dựng qui chế sang, chiết nạp gas để ban hành trước 28-2-2006, trong khi chờ Bộ Công nghiệp ban hành qui chế áp dụng thống nhất cả nước.

NHƯ HẰNG thực hiện

Giá dầu tăng do nguồn cung giảm

TTO - Giá dầu lại tăng lên vào ngày hôm qua, sau khi chính phủ Mỹ công bố số liệu nguồn cung dầu giảm mạnh.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết trong tuần rồi, nguồn cung dầu còn 209,3 triệu thùng, giảm 1,2 triệu thùng, thấp hơn năm rồi 6%, .

Giá dầu hoả giao trên sàn giao dịch New York là 1.624USD/gallon, tăng 6,13cent. Tuy nhiên, tuần qua, lượng dầu thô cung tăng trên 100.000 thùng, tăng 13% so với năm trước, điều này giúp cho giá dầu bình ổn hơn.

Dầu thô ở Mỹ giao tháng 2- 2006 đã lên mức giá trên 60USD/thùng, tăng 50cent. Điều này đúng như dự đoán "giá dầu sẽ tăng mạnh ngay trong những ngày đầu năm" của các nhà phân tích.

M.PHÚC

Iraq đóng cửa nhà máy lọc dầu lớn nhất

Nhà máy lọc dầu Baiji sản xuất hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày

TTO - Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Iraq đã phải đóng cửa sau khi có các đe dọa tấn công nhắm vào những công nhân lái xe chở dầu, làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện trên khắp miền bắc Iraq.

Các đe dọa được đưa ra sau khi giá dầu tăng nhanh vào đầu tháng này theo đề nghị của chính phủ. Bộ dầu hỏa cho biết việc đóng cửa nhà máy Baiji đã gây thiệt hại 20 triệu USD mỗi ngày.

Bộ này cho biết họ hy vọng nhà máy lọc dầu nói trên, ngưng hoạt động từ cuối tuần này, sẽ sớm trở lại hoạt động trong vài ngày tới.

“Hiện chúng tôi đang nỗ lực thuyết phục các công nhân lái xe chở dầu quay trở lại làm việc”, người phát ngôn Bộ dầu hỏa cho biết.

Nhà máy lọc dầu Baiji bình thường sản xuất 8,5 triệu lít xăng và 7,5 triệu lít dầu diesel mỗi ngày.

Theo hãng tin Reuters, việc phân phối dầu tại Iraq đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn bão, gây cản trở việc xuất khẩu dầu bằng đường thủy do cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng.

T.VY (Theo BBC)

Friday, December 30, 2005

Australia: Tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học



Thủ tướng J. Howard vừa thông báo kế hoạch hành động mới cho ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học. Theo đó, sẽ mang lại tương lai bền vững cho ngành nhiêu liệu sinh học ở Australia. Australia sẽ xây dựng mới khoảng sáu nhà máy nhiên liệu sinh học. Australia sẽ xây dựng mới 6 nhà máy nhiên liệu sinh học, ước tính sẽ sản xuất 350 triệu lít dầu sinh học vào đầu năm 2008 và trước năm 2010 sẽ là 500 triệu lít, hoàn thành mục tiêu trước 2 năm so với thời hạn do Chính phủ Liên bang đặt ra. Hiệp hội các Nhà sản xuất Năng lượng Tái sinh Australia (Renewable Fuels Australia) cho biết, 70% điện năng của các nhà máy này làm từ ngũ cốc, còn lại làm từ đường.


Hiện có hơn 400 điểm bán xăng dầu ở Australia bán hỗn hợp ethanol và dầu sinh học. Chính phủ đã khuyến khích các tài xế dùng hỗn hợp ethanol và các hãng sản xuất ô tô đang ủng hộ ngành nhiên liệu sinh học của Australia.

Báo KH&PT

Sản xuất điện từ cây ngoại lai



Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một công nghệ để sản xuất điện từ loài cỏ nhỏ Anh, một loài thực vật ngoại lai đang xâm lấn hệ sinh thái của đất nước này.

Công nghệ được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Sơn Đông và các viện khác, dẫn đầu là Trung tâm phát triển công nghệ và khoa học của Bộ Giáo dục.

Theo đó, công nghệ yếm khí mới sẽ biến những nguyên tố hydro và carbon trong loài cỏ này thành một loại khí dễ cháy. Sau khi được loại bỏ tạp chất, khí này có thể được dùng cho đun nấu hoặc vận hành nhà máy điện và sưởi ấm.

Loài cỏ nhỏ Anh được du nhập vào Trung Quốc trong thập kỷ 1970 để làm tác nhân gắn kết đất ven biển. Tuy nhiên, nó đã trở thành mối đe dọa sinh thái sau khi tăng trưởng vô tội vạ. Hơn 100 hạt ở Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng sinh thái bởi loài cỏ ngoại lai này.

Các thí nghiệm cho thấy cứ 1 kg cỏ nhỏ Anh có thể tạo ra 2 mét khối khí cháy, sinh ra 1 kwh điện. Nếu tất cả 3 triệu hecta loài cỏ này được xử lý, Trung Quốc sẽ thu được 50-75 tỷ kwh điện.

Thông tin này rất đáng quan tâm vì hiện nay Việt Nam cũng đứng trước mối đe dọa mất cân bằng sinh thái do lan tràn nhiều loài cây ngoại lai, như cây mai dương, bèo lục bình...

(Theo VNExpress)

Tuesday, December 27, 2005

Dầu diesel sinh học từ mỡ cá basa Việt Nam

Mỡ cá tra, ba sa ở vùng sông nước Cửu Long không tiêu thụ được vẫn có thể tái tạo thành dầu diesel sinh học. Đó là công trình nghiên cứu của các cán bộ công tác tại Phân viện khoa học vật liệu tại TP.HCM thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam.

Biodiesel - hay còn gọi là diesel sinh học - là thuật ngữ dùng để chỉ loại nhiên liệu dùng cho động cơ diesel, được làm từ dầu thực vật hay metilester tinh khiết từ dầu thực vật hoặc mỡ động vật. Trong lịch sử, dầu thực vật đã từng được sử dụng để làm nhiên liệu cho động cơ vào những năm 1900. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nguồn năng lượng dầu mỡ rẻ tiền chưa trở nên thật sự cần thiết. Cho đến khi giá nhiên liệu tăng lên, nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu ngày cáng tăng thì việc tìm kiếm nguồn thay thế trở nên cần thiết.


Năm 2004, Phân viện khoa học vật liệu tại TP.HCM đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất dầu biodisel từ mỡ động thực vật. Trong đó, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Đình Thành đã "ra mắt" công nghệ sản xuất dầu biodiesel từ nguồn dầu phế thải và mỡ cá ba sa. Ông Thành phân tích: dầu mỡ là các triglycerid của glycerod và các axit béo khác nhau. Có nhiều phương pháp để tổng hợp dầu biodiesel nhưng cách chuyển vị ester dầu mỡ động thực vật bằng chất xúc tác zeolit với tác nhân metanol (etanol) được xem là tốt nhất.

Nguồn nguyên liệu cùng chất xúc tác và chất metanol qua quá trình phản ứng trong thời gian từ 4-6 giờ, thì tạo thành phần rắn và lỏng. Đối với phần lỏng, sau khi thu hồi metanol dư thừa thì tách thành hai chất hữu ích: glycerin (dùng cho việc pha chế mỹ phẩm) và dầu biodiesel. Theo phương pháp tách này, một tấn nguyên liệu có thể thu được 100 kg glycerin và 800 kg biodiesel. Các tiêu chuẩn về điểm chớp cháy, độ nhớt sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn nhưng giá thành của biodiesel giảm khoảng 20% so với giá dầu diesel trên thị trường.

Một đặc điểm nổi bật là dầu biodiesel từ mỡ cá có khả năng cháy sạch và thải ra rất ít khí độc hại cho môi trường như oxit lưu huỳnh, hidrocacbon... Nghiên cứu đã chứng minh, dùng biodiesel đã giảm 1/3 lần muội than so với nhiên liệu diesel truyền thống. Đồng thời không cần thêm phụ gia để tăng chỉ số octan và nhiệt độ sôi cao cũng là yếu tố thuận lợi cho việc tồn trữ lâu dài.

Ông Thành cho biết công nghệ này xem như đã thành công ở phòng thí nghiệm. Một xí nghiệp chế biến cá basa, cá tra xuất khẩu ở tỉnh An Giang đang thương lượng để xây dựng nhà máy có công suất lớn để góp phần giải quyết lượng lớn mỡ cá basa nơi đây.

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam

Sạc pin điện thoại bằng túi xách điện mặt trời



Một nghiên cứu sinh tại trường Đại học bang Iowa (Mỹ) vừa thiết kế được một loại túi xách rất tiện dụng: một chiếc túi được bọc bằng những tế bào điện mặt trời giúp nó có khả năng nạp điện cho những thiết bị điện tử nhỏ, thí dụ như điện thoại di động. Chiếc túi xách được thiết kế để có thể cấp điện cho bất kỳ thiết bị điện tử cỡ nhỏ nào có sử dụng một cổng USB, thí dụ như điện thoại di động, máy PDA, máy nghe nhạc iPod, thiết bị định vị toàn cầu, máy ghi âm và máy ảnh số.


Anh Hynek muốn đưa chiếc túi của mình ra thị trường để bán cho những khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường. Mặc dù các vật liệu chế tạo ra sản phẩm này tương đối đắt nhưng anh hy vọng sẽ giữ được mức giá bán lẻ dưới 300 USD.

AP, Nhân dân điện tử

Vẫn xuất khẩu quá nhiều dầu thô và than đá



Xuất khẩu than

Theo Bộ Thương mại, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nhóm nguyên nhiên liệu, gồm dầu thô và than đá trong năm 2005 và bình quân giai đoạn 2001 - 2005 vẫn chiếm gần 23% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển xuất khẩu 2001 - 2010 là đến năm 2005 giảm tỷ trọng nhóm này xuống khoảng 9%.

Trong đó, mục tiêu xuất khẩu than đá đặt ra trong Chiến lược là 4 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 với kim ngạch khoảng 120 - 150 triệu USD/năm. Nhưng chỉ riêng năm 2005, do gặp thuận lợi về giá và thị trường xuất khẩu, lượng than đá xuất khẩu ước đạt gần 18 triệu tấn, kim ngạch 658 triệu USD và trong giai đoạn 2001 - 2005 lượng than đá xuất khẩu đạt trên 44,2 triệu tấn, kim ngạch 1 tỷ 389 triệu USD, tốc độ tăng kim ngạch bình quân đạt gần 48%/năm. Tương tự, mục tiêu giảm xuất khẩu dầu thô cũng chưa hoàn thành và dự kiến năm 2005 xuất khẩu dầu thô đạt khoảng 18 triệu tấn, trị giá gần 7,4 tỷ USD.

ĐINH LAN - SGGP

Friday, December 23, 2005

Pin sinh học - Điện năng từ vi khuẩn


Người ta đã biết rằng vi khuẩn - một sinh vật cực nhỏ - có thể tạo ra điện. Nhưng điện năng sản ra đó chẳng có ý nghĩa gì. Tuy vậy những kết quả mà nhà điện hóa học Uwe Schroder ở ĐH Greifswald ở Đức công bố lại chứng tỏ rằng tham vọng sử dụng điện sinh học là hiện thực.

Với cường độ là 1,5 miliampe (mA)/cm2 nhà khoa học đã phá kỷ lục về cường độ dòng điện sinh ra, sao cho dòng điện đó duy trì được lâu với những máy siêu nhỏ. Đó là trường hợp vi khuẩn Escherichia Coli, những tế bào siêu nhỏ hình que, rất phổ biến trong môi trường và nhất là trong ruột non của chúng ta. 1,5 miliAmpe là một con số đáng kinh ngạc, so với những kết quả thử nghiệm trước đó, chỉ loanh quanh trong khoảng vài microAmpe/m2. Đó là một trong những bước quan trọng nhất để hiện thực hóa một kế hoạch, mới nghe thì có vẻ điên rồ, là sản xuất một loại pin chưa từng có trong lịch sử khoa học: pin - sinh học.

Bộ pin “sống” giá rẻ

ĐTDĐ tương lai sẽ dùng pin sinh học?

Hãy tưởng tượng: một máy điện thoại di động được nạp lại điện bằng một ống chứa đầy nước bẩn. Pin vi khuẩn, đại khái là như vậy. Một bộ pin sống (theo nghĩa đen, nghĩa là có hấp thụ, có bài tiết), giá rẻ và chứa đầy vi trùng, những sinh vật mà khi được nạp chất hữu cơ, có thể sinh ra một dòng điện mới. So sánh với pin chất đốt cổ điển, đắt và chỉ có khả năng tiêu thụ hydro hay methanol, thì giải pháp pin sinh học xem ra rất hấp dẫn.

Sự biến hóa xảy ra ngay bên trong những vi khuẩn. Khi chúng tiêu hóa chất hữu cơ, chúng “bình phục” lại với một khối lượng electron dư thừa mà chúng phải thải ra trước khi những electron đó làm suy yếu bộ máy sinh hóa của chúng. Vào lúc bình thường, những vi khuẩn đó thải ra những electron với sự hỗ trợ của oxy trong không khí. Thực vậy, oxy kết hợp với electron và proton (H+), sinh ra bởi sự phân hóa chất hữu cơ, tạo thành nước (H2O), một phân tử vô hại đối với vi trùng.

Chiến thuật của các nhà nghiên cứu là tách phản ứng tạo thành nước ra xa khỏi vi khuẩn, và như vậy bắt buộc những electron di chuyển qua một mạch điện trước khi chúng bị “trung hòa hóa”. Vì thế pin gồm hai ngăn. Ngăn thứ nhất được giữ cho không có không khí, chứa đầy vi khuẩn tách các electron ra. Ngăn thứ hai, tiếp xúc với oxy, nơi xảy ra phản ứng tạo thành nước. Chính sự chuyển dịch của electron qua hai chỗ chứa đó tạo ra dòng điện. Tất nhiên đó không phải là dòng điện gì đặc biệt. Và kỷ lục 1,5 miliAmpe/cm2, thu được điện áp 0,2 Ohm do Uwe - Schroder tạo ra hãy còn khiêm tốn so với sức tiêu thụ của một máy tính xách tay chẳng hạn, một máy tính tiết kiệm, cỡ 5A và 15V. Một phép tính đơn giản cũng cho thấy phải kết hợp 3.000 cái pin sinh học tối tân nhất mới làm máy vi tính hoạt động được. Phải còn có những thành công vượt bậc hơn nữa về mặt cường độ dòng điện, mới có thể nói đến pin sinh học.

Trong pin sinh học, cường độ của dòng điện là lượng electron đi qua một đoạn của mạch trong cùng một lúc. Nó phụ thuộc vào số lần mà vi khuẩn phát ra electron, vào hiệu quả của sự chuyển hóa của chúng và cuối cùng, là diện tích của những điện cực gom vào các electron đó. Nhưng chủ yếu nhất, là phụ thuộc vào vi khuẩn có thiện chí cho nhiều hay ít electron của chúng. Từ 30 năm nay, những nhà nghiên cứu đã vấp phải một trở ngại: electron tích trữ trong vi khuẩn rất khó tiếp cận. Để thu được vài micro-Ampe, các nhà khoa học phải phát minh ra những kỹ thuật tinh vi để “bắt cóc” electron. Họ làm như thế bằng cách thêm vào pin những “nhân viên” hóa học thâm nhập vào những vi trùng và bẫy những electron của chúng, trước khi lại rút ra để đem electron lại cho một điện cực kim loại. Đó là một cách để cung cấp electron cho mạch điện. Cách làm như vậy cũng được nhưng người ta chỉ thu hồi được từ 30 đến 60% electron có mặt. Hơn nữa, những hợp chất đó độc, làm ô nhiễm dòng môi trường. Nói tóm lại, đối với “điện vi sinh học”, đó là sự trục trặc của dòng điện.

Để khắc phục tình trạng đó, Uwe Schroder đã thay thế tác nhân hóa học trung gian bằng một tấm mỏng chất polyaniline (polime dẫn), trên bề mặt của anod (cực dương). Polyaniline thu hút electron của vi khuẩn đi ngang qua đầu mút. Mặt khác, ông đã đi đến chỗ loại bỏ monoxyd carbon (CO), là chất khi tích tụ cô lập điện cực: những xung đột điện rất ngắn oxy hóa nó và bắt nó tách ra. Với cách làm mới này, pin sinh học có thể có bước tiến trong tương lai.

Kế hoạch sản xuất pin sinh học

Từ nay đến năm 2008

Những pin sinh học đầu tiên cỡ lớn sẽ trang bị cho các cơ sở công nghiệp nông phẩm hoặc những cơ sở làm sạch môi trường.

Các nhà công nghiệp sẽ sử dụng pin sinh học vừa để làm sạch những chất thải hữu cơ, vừa để làm tăng giá trị của điện năng.

Từ 2010 đến 2015

Với quá trình thu nhỏ lại, pin sinh học với giá rẻ có thể sử dụng trong phương tiện giao thông đặc biệt, hoặc phương tiên giao thông chạy bằng điện, sử dụng đường, là thứ mà vi khuẩn ưa thích. Một số pin sinh học còn hy vọng có thể phục vụ cho những robot được nạp năng lượng bằng cách cho ăn thức ăn thực vật.

Hơn nữa, có một tìm tòi khác đem lại nhiều hy vọng. Một nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra những vi khuẩn hầu như sinh ra để làm cho pin sinh học hoạt động. Trái với escherichia coli do Uwe Schroder sử dụng, những vi khuẩn này - geobacter hay shewanella có chứa enzym bề mặt chuyên phân phối electron về phía những ion kim loại. Tất cả đều xuất phát từ tìm tòi của Clare Raimers, thuộc Trung tâm khoa học về Biển của ĐH Oregon, và của Leonard Tender thuộc Phòng thí nghiệm của Trung tâm nghiên cứu Hàng hải ở Washington. Hai ông đã nghiên cứu môi trường biển từ năm 1999 để tìm cách biến đổi những trầm tích trong biển thành trung tâm điện năng. Những lớp nằm ở đáy sâu thiếu oxy, và những lớp trên bề mặt thừa oxy giống như hai ngăn của một pin sinh học. Chỉ còn có việc bắt nó sinh ra dòng điện bằng cách cắm vào đó những điện cực: khoảng vài phần mười Watt điện đã nhận được.

Năm 2001, nhà vi sinh vật Daniel Bond ở ĐH Massachusetts đã phát hiện ra những lượng vi khuẩn Geobacter sulfurreducens. Dự đoán ngạc nhiên là các vi khuẩn đó đã được biết đến, đặc biệt về khả năng trao đổi electron với những ion sắt Fe3+, nhưng các nhà nghiên cứu không biết rằng chúng cũng có thể chia sẻ những electron trực tiếp với một điện cực dẫn; hay là lợi dụng tính hấp thụ electron đó, vi khuẩn G. sulfurreducens cư trú ở đó luôn. Rõ ràng là thiên nhiên tự làm lấy tất cả: thâu gom electron và nhường lại trực tiếp cho điện cực.

Tại Viện môi trường Penn State (Mỹ) trên tấm nệm rơm của một căn nhà rất nóng, sừng sững hai lọ bằng thủy tinh. Có một đường hầm nhỏ nối hai lọ đó lại. Ở bên trong là một thứ nước đục ngầu, và những điện cực cắm trên một mạng dây cáp điện, rồi những cái cặp cá sấu... “Đó là một cái pin sinh học”, Hong Liu, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực pin sinh học mô tả các pin trong tương lai như vậy. Không có một chi tiết nào mang tính kỹ thuật cao, mà chỉ toàn là những thứ quá thô sơ của nền khoa học thời nguyên thủy. Các điện cực làm bằng chì của bút chì và môi trường nghiên cứu là nước đã dùng rồi, từ cống chảy ra. Nói tóm lại, con đường tạo ra pin sinh học dùng nguyên liệu là nước thải, vừa rẻ, vừa bảo vệ môi trường, tuy còn khó khăn, nhưng đầy triển vọng...


(Theo LA Times)

Đức: Khuyến khích phát triển nhiên liệu diesel sinh học

ối mặt với giá dầu lửa thế giới không ngừng tăng cao, Chính phủ Đức đã tích cực cổ vũ các doanh nghiệp hoá dầu khai thác, phát triển các sản phẩm thay thế dầu lửa để giải quyết vấn đề chất đốt trong nước.

Nghiên cứu dầu sinh học trong phòng thí nghiệm (Ảnh minh họa từ trang web nước ngòai)

Năm 1988, các công ty hoá chất của Đức đã tinh luyện loại dầu diesel sinh học từ hạt cải dầu, loại dầu này không những giá thành thấp, mà còn có thể trồng được nguyên liệu, đảm bảo cháy hết, hàm lượng các-bon của khí thải ô-tô thấp hơn 50% so với các loại dầu diesel phổ thông khác và bảo vệ môi trường.

Sự xuất hiện của dầu diesel sinh học đã giảm nhẹ gánh nặng thiếu hụt dầu lửa của Đức nên được Chính phủ Đức hết sức ủng hộ.

Để khuyến khích sản xuất loại dầu này, hàng năm ngoài việc có mức trợ cấp kinh tế thoả đáng cho người nông dân trồng hạt cải dầu, nhà nước còn miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ loại dầu này, và cung cấp vốn để phát triển sản phẩm mới.

Hiện nay, 15% trạm xăng của Đức có cung cấp dầu diesel sinh học, nó đã trở thành nguồn nhiên liệu chính cho các xe chở hàng đường dài và xe buýt.

Hãng Shell trong năm nay cũng đã có kế hoạch đầu từ 400 triệu Euro vào miền Bắc nước Đức để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất loại sản phẩm này, dự kiến đến năm 2008, sản lượng sẽ đạt tới 200 triệu lít.

Hãng xe hơi General và Benz là một đối tác chính thức cũng đã ký kết và hứa hẹn loại xe con được sản xuất trong tương lai sẽ không phải cải tạo lại mà vẫn có thể trực tiếp sử dụng loại dầu diesel sinh học.


Ở Đức, lượng lớn dầu ăn dư thừa ở các nhà hàng không được tuỳ tiện đổ đi mà phải nộp phí thu gom cho ngành bảo vệ môi trường để xử lý thống nhất.

Hai năm trước, Béc-lin đã thành lập Công ty " Taxi sinh học" , loại xe này hoàn toàn sử dụng nhiên liệu dầu ăn, nhân viên của công ty này hàng ngày đi thu thập dầu phế liệu miễn phí từ các khách sạn, sau khi tinh lọc, dầu được sử dụng lẫn với dầu diesel thông thường, một bình dầu hỗn hợp này có giá thành không tới 1/4 giá dầu diesel phổ thông, và rẻ gần một nửa so với dầu diesel sinh học.

Cho đến nay, rất nhiều xe tư nhân và các xe chạy đường dài đều dặt mua loại dầu "tổng hợp" này, tỷ lệ pha dầu cũng đã được các chuyên gia tính toán hợp lý.

Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 1/ 2004, Chính phủ Đức cũng đã ra quyết định bắt buộc phải pha thêm vào xăng và dầu một lượng không quá 5% nhiên liệu sinh học.

Các loại ngũ cốc, mía, củ cải đường, vụn gỗ, thậm chí rác thải sinh hoạt đều có thể sản xuất ra nhiên liệu và có ưu điểm là giá thành rẻ, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.  

Nguồn: Tuyết Nhung (Theo Thông tin công nghệ sinh học) - VietnamNet

Tuesday, December 20, 2005

Nhà máy điện trong ba lô

Các nhà khoa học Mỹ vừa sáng chế một loại ba lô tự sản xuất điện, giúp nhân viên cứu hộ, nhà thám hiểm cũng như binh sĩ luôn có đủ điện cho các thiết bị khi đang làm nhiệm vụ.

Cấu tạo của ba lô

Theo nhà sinh học Lawrence Rome thuộc ĐH Pennsylvania, trưởng nhóm nghiên cứu, ý tưởng sáng chế loại ba lô này bắt nguồn từ một yêu cầu của Văn phòng nghiên cứu của Hải quân Mỹ: sản xuất điện từ chuyển động của cơ thể. Vào thời điểm đó, binh lính Mỹ tại Afghanistan phải mang những chiếc ba lô nặng 36kg chứa thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu, kính nhìn đêm và những thiết bị khác cần pin nặng 9kg.

Với trọng lượng từ 20 tới 38kg, ba lô có thể tạo ra hơn 7 watt, đủ để cung cấp năng lượng cùng lúc cho một nhóm các thiết bị điện tử, trong đó có điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, máy tính xách tay, kính nhìn đêm và thiết bị lọc nước. Khi một người đi bộ và mang ba lô chất đầy hàng hoá, hông của họ di chuyển lên xuống khoảng 5-7cm theo mỗi bước chân. Cùng lúc đó, ba lô cũng di chuyển lên xuống theo khoảng cách tương tự. Chuyển động của hàng hoá trong ba lô làm quay một thiết bị kết nối với máy phát điện tí hon ở đầu ba lô, tạo ra điện.

Lượng điện được tạo ra phụ thuộc vào trọng lượng của hàng hoá trong ba lô và tốc độ bước đi của người sử dụng. Kết quả thí nghiệm cho thấy lượng điện tối đa mà ba lô có thể tạo ra là 7,4 watt. Trong khi đó các thiết bị chẳng hạn như điện thoại di động chỉ cần chưa tới 1 watt. Theo kỹ sư cơ khí Arthur Kuo thuộc ĐH Michigan, ba lô rất dễ mang và tiện lợi hơn ba lô thông thường.

Minh Sơn (Theo National Geographic)

Sunday, December 18, 2005

Hà Lan giúp VN xây dựng công trình khí sinh học


09:31' 17/12/2005 (GMT+7)

Chính phủ Hà Lan đồng ý giúp VN xây dựng 180.000 công trình khí sinh học tại 58 tỉnh, thành trong cả nước

Hầm thu khí biogas từ chất thải ngành chăn nuôi (Ảnh minh họa)

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã tổng kết giai đoạn I dự án Hỗ trợ chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ với tổng số tiền 2 triệu USD.

Được triển khai từ tháng 2/2003 tại 12 tỉnh, thành phố gồm Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hoà Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắc Lắc, Đồng Nai và Tiền Giang, dự án đã xây dựng được 18.000 công trình khí sinh học.

Hiện tất cả các công trình đều hoạt động tốt, cung cấp khí phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các vùng phát triển chăn nuôi.

Cùng với việc hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình, dự án còn tham gia đào tạo, nâng cao kiến thức về khí sinh học cho các kỹ thuật viên, thợ xây và người sử dụng công trình, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp để đưa công nghệ khí sinh học tới nông dân giúp phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Trên cơ sở kết quả giai đoạn 1, Chính phủ Hà Lan đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ giai đoạn hai của dự án, dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2006 đến năm 2011 với tổng mức đầu tư 64,4 triệu euro, với mục tiêu xây dựng 180.000 công trình khí sinh học tại 58 tỉnh, thành trong cả nước.

  • Theo VNA

Friday, December 16, 2005

Sáng chế máy bơm chạy bằng sức ... nước!

Sáng chế máy bơm chạy bằng sức ... nước!

[15/12/2005]

Việc con người sử dụng sức nước để sản sinh ra nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất đã trở thành phổ biến. Nhưng với thày giáo Trần Đình Huân, người đã dùng dòng nước thay cho nhiên liệu để bơm nước lên đồi cao, thì quả là một ý tưởng táo bạo.

Vào một ngày đầu tháng 2/2003, khi đang đứng cạnh chiếc máy thủy điện nhỏ do Trung Quốc sản xuất bên dòng suối, thày Huân (hiện công tác tại sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum) đã nảy sinh ý nghĩ: Sao mình không chế ra một chiếc máy bơm chạy bằng sức nước để giảm chi phí cho việc tưới cà phê, khi chỉ cần thêm một chiếc buli và một dây đai?

Nghĩ là làm, kể từ hôm đó thày bắt tay vào việc. Đầu tiên, để có đủ thông số kỹ thuật dành cho việc gia công và sản xuất, thày đã về tận TP HCM để mua tài liệu giảng dạy về thuỷ năng. Mặt khác, cứ mỗi khi rảnh rỗi thày lại truy cập Internet để thu thập thêm tư liệu.

Từ ý tưởng, rồi nghiên cứu thành hình hài chiếc máy đã khó, để chế tạo được ra chiếc máy từ bản vẽ theo thiết kế lại càng khó khăn hơn. Cầm bản vẽ trên tay để đem đi gia công sản phẩm, mọi người đều chẳng tin thày sẽ thành công. Cũng may, thày Huân được một người thợ cơ khí là học trò cũ giúp đỡ. Sau hơn một tuần tháo ra, lắp vào, gọt giũa, tiện mài... chiếc máy bơm của thày đã hoàn chỉnh.

Vui mừng đến quên cả bữa cơm, thày cho chở ngay chiếc máy vào rẫy và lắp thử. Một dòng nước như vòi rồng phun ra trên cả chục mét khiến thày và đám thanh niên giúp việc cùng reo vang. Hôm đó là ngày 20/10/2005.

Theo tính toán của thày Huân, chiếc máy chạy bằng sức nước này đặt ở độ cao chênh lệch của thác nước là 2 m, với ống hút vào có đường kính 30 cm (sử dụng đầu bơm cơ khí Văn Thể VT5), bơm nước đi xa 500 m trong ống dẫn đường kính 5 cm và bơm lên độ cao trên 20 m. Với những chỉ số trên, một ngày đêm bơm được 400 m3 để phục vụ tưới tiêu (tương đương máy bơm dầu diezen công suất 22 mã lực). Ngày trước, để tưới được 1 ha cà phê, gia đình thày đã tốn 70-80 lít nhiên liệu, với chi phí gần 600.000 đồng. Trong khi Tây Nguyên là vùng trọng điểm của cà phê, hồ tiêu và dày đặc hệ thống sông suối có độ dốc tương đối lớn, rất thích hợp cho việc dùng loại máy bơm này.

Để sở hữu được chiếc máy bơm chạy bằng sức nước, mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra 1,5 triệu đồng. Trọng lượng của máy chỉ khoảng 35 kg, cấu tạo đơn giản, dễ vận chuyển và sửa chữa.

Sau khi công trình của thày Huân thành công và đưa vào sử dụng, Sở Khoa học và Công nghệ cũng như Sở Công nghiệp Kon Tum đã cử người đến kiểm tra. Anh Lê Tùng, cán bộ phòng Quản lý thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum, cho biết: "Cơ quan đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận giải pháp hữu ích với đề tài của thày giáo Trần Đình Huân".

(Theo VNExpress)

Sản xuất điện bằng nước biển trộn nước sông - 16/12/2005 3h:58

Sản xuất điện bằng nước biển trộn nước sông -

Nước sẽ là than của tương lai, tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng người Pháp Jules Verne đã dự đoán như thế vào năm 1874. Hơn 100 năm sau đó, các nhà khoa học Hà Lan và Na Uy tin rằng họ có thể biến giấc mơ của Verne thành hiện thực.

Thiết bị sản xuất điện bằng cách trộn nước ngọt và nước mặn do Hà Lan chế tạo

Hợp tác với công ty Statkraft, Trung tâm công nghệ nước bền vững Hà Lan (Vetsus) và tổ chức nghiên cứu độc lập của Na Uy đã sáng chế các thiết bị sản xuất điện năng bằng cách trộn nước biển với nước sông.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị được dựa trên một tiến trình tự nhiên: khi nước sông đổ vào đại dương, một lượng lớn năng lượng được giải phóng do sự khác biệt về hàm lượng muối trong nước.

Thiết bị sẽ thu năng lượng đó, và do vậy con người sẽ có nhiên liệu theo một cách bền vững, không phát thải khí nhà kính. Philippe Schild thuộc Uỷ ban châu Âu cho biết: ''Có tiềm năng lớn đối với cách sản xuất điện mới này tại châu Âu. Nó có thể giúp chúng ta tăng tỷ lệ năng lượng tái sinh trong cơ cấu năng lượng ''.

Hai dự án nói trên sử dụng các phương pháp khác nhau để sản xuất điện: thẩm tách ngược bằng điện (Hà Lan) và thẩm thấu (Na Uy). Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều sử dụng màng mỏng làm bằng vật liệu đặc biệt. Hà Lan vẫn chưa xây dựng nhà máy thử nghiệm. Còn Na Uy đã lắp đặt hai nhà máy cỡ nhỏ.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị do Na Uy chế tạo là nước ngọt và nước mặt được dẫn vào một khoang chứa màng mỏng Nước ngọt được vận chuyển qua màng rồi hoà trộn với nước biển điều áp. Sau đó hỗn hợp nước biển và nước ngọt điều áp chảy ra khỏi khoang, tới một tuabin sản xuất điện. Có thể xây dựng các nhà máy điện kiểu này ở những nơi nước ngọt và mặn gặp nhau.

Trở ngại chính của công nghệ nói trên là giá thành điện năng cao hơn nhiều lần so với năng lượng gió hoặc mặt trời. Các nhà khoa học tin rằng phải mất ít nhất 5 năm nữa mới tạo ra những loại màng rẻ tiền hơn, thử nghiệm chúng rồi đưa dự án ra thực tế. Lúc đó, công nghệ này có thể cạnh tranh với các loại công nghệ năng lượng tái sinh khác.

Một số người nghi ngờ về kỹ thuật mới này. Tuy nhiên, theo Frank Neumann thuộc Chương trình năng lượng biển của Cơ quan năng lượng quốc tế, khi tuốc bin năng lượng gió đầu tiên được lắp đặt tại Đức vào năm 1985, nhiều người trong ngành năng lượng đã cười nhạo. Dự án đó thất bại và mất hàng triệu đôla. Giờ thì năng lượng gió đang được phát triển rất nhanh.

Minh Sơn VNN

Wednesday, December 14, 2005

Chuyện về ông "tổng quản" thủy điện Sơn La


Chuyện về ông "tổng quản" thủy điện Sơn La
13:59' 07/12/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cặm cụi ở thủy điện Hòa Bình, lặn lội trong thủy điện Yaly và bây giờ đau đáu cho thủy điện Sơn La. Người ta gọi ông là người "mê thủy điện"…

Hai năm nay, trước và sau ngày khởi công, ngăn sông thủy điện Sơn La, người ta vẫn thấy Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La Vũ Đức Thìn lang thang trên công trường. Với vóc người 1,5m, chiếc mũ bảo hộ luôn gắn trên đầu, ông lui tới như con thoi tất cả các điểm đang thi công và sắp thi công để kiểm tra, để động viên từng người thợ.

Từ Hòa Bình tới Yaly

Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La Vũ Đức Thìn. Ảnh: Vinh LT

Tốt nghiệp Khoa xây dựng thủy điện, ĐH Xây dựng cuối năm 1977, chàng thanh niên Vũ Đức Thìn (quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cùng một nhóm bạn ba lô con cóc lên thủy điện Hòa Bình. Ban đầu, anh vào làm tại Đoàn Thiết kế nhà máy thủy điện Hòa Bình cùng chuyên gia Nga. Cuối năm 1978, "nhìn thấy" tiềm năng của kỹ sư trẻ này, ông Thái Phụng Nê (lúc đó là Trưởng ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình) xin ông sang làm ở Ban. Đầu tiên, làm ở phòng Kỹ thuật, sau chuyển về phòng Định mức đơn giá và cuối cùng về làm Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch.

Do những đóng góp cho thủy điện Hòa Bình, sau, phòng Kinh tế - Kế hoạch được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III, trong đó, đóng góp của kỹ sư Vũ Đức Thìn không nhỏ. Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in một kỷ niệm tại Hòa Bình với nguyên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc (Khi đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà - đơn vị thi công thủy điện Hòa Bình), Đó là chuyện ông làm rất chặt chẽ về kinh tế, đơn giá, đến nỗi ông Ngô Xuân Lộc phải phát cáu. Cáu như thế nhưng ông vẫn được ông Ngô Xuân Lộc quý và cứ nhìn thấy mặt thì gọi đùa là "thằng giặc lùn"!

Hạn chế về vóc dáng nhưng Vũ Đức Thìn vẫn được nhiều công nhân nữ cảm mến vì tài năng và cách ăn nói có duyên. Năm 1980, chàng kỹ sư trẻ ghi dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời bôn ba của mình là cưới vợ ngay tại công trường thủy điện Hòa Bình. Cô gái làm cùng cơ quan, cùng quê và cùng ông… chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn. Từ đó, đi bất cứ công trình nào, Vũ Đức Thìn cũng mang theo vợ con và mẹ đi theo (bố mất sớm). Nơi nào có gót giày của kỹ sư Vũ Đức Thìn đặt lên, nơi đó ghi dấu niềm hạnh phúc, gian khổ của cả gia đình ông…

Năm 1989, đang làm việc ở thủy điện Hòa Bình, anh được chuyển vào tham gia xây dựng thủy điện Yaly ở Tây Nguyên xa xôi. Lần ấy, mấy buổi chiều liên tiếp, đang giờ làm việc, ông Thái Phụng Nê cứ gọi ông và Trần Quý Hảo (lúc đó là Trưởng phòng Kỹ thuật) lên "uống trà, nói chuyện công việc". Mấy hôm liền như vậy, ông cũng thấy lạ vì ông Nê không hề đả động gì đến công việc. Cứ sau vài tuần trà, ông Nê lại nói về chuyện thủy điện Yaly đang gặp khó khăn, về vùng đất Tây Nguyên nghèo nàn, lạc hậu.v.v. Không ai bảo ai, cả ông và Trần Quý Hảo đều hiểu rằng thủ trưởng đang làm công tác tư tưởng cho mình...

Đúng như dự đoán, một hôm hai anh em lại được ông Thái Phụng Nê mời lên… uống trà và bàn công việc. Lần này, ông Nê trầm hẳn xuống rồi nói thẳng là muốn hai kỹ sư Vũ Đức Thìn và Trần Quý Hảo vào giúp Yaly. Sau này, cả hai người mới biết Trưởng ban của họ đã buồn rầu như thế nào khi nói ra quyết định đó. Cả mấy anh em gắn bó với nhau như ruột thịt. Bỗng nhiên phải chia tay, người ở lại tiếp tục quản lý ở sông Đà, người vào rừng rú Tây Nguyên.

Mấy ngày liền sau đó, không khí gia đình ông chùng xuống mỗi khi nghĩ đến chuyện ra đi. Ai cũng lo lắng. Không thể không lo khi nghĩ đến một nơi vừa xa lạ, heo hút, nhiều gian khổ lại lắm fulrô. Sau mấy đêm không ngủ, rồi ông vẫn quyết vào với Yaly, mặc khó khăn, mặc nguy hiểm…

Bây giờ, đã qua thời kỳ đó, ông cười nhớ lại: "Lúc đầu, mình không tưởng tượng được nghĩ nó phải ghê lắm. Nhưng vào rồi mới thấy nó cũng bình thường, nếu quyết tâm của con người là trên hết…". Sau này, khi thủy điện Yaly hoàn thành, anh được thưởng Huân chương lao động hạng III vì những đóng góp của mình.

Từ Yaly đến... Úc

Năm 1991, công trình thủy điện Yaly thiếu vốn, ý đồ của nhà nước là giãn thi công. Kỹ sư Vũ Đức Thìn lại cùng đồng nghiệp tập trung làm một thủy điện nhỏ bên cạnh Yaly, sau này sẽ cấp điện cho công trình xây dựng thủy điện Yaly và các bản làng khi Yaly chưa hoàn thành.

Vì khó khăn của Yaly, Công ty Điện lực 3 (Đà Nẵng) - chủ đầu tư của dự án thủy điện Yaly muốn điều động Vũ Đức Thìn ra Đà Nẵng. Kể đến đây, giọng người đàn ông "mê thủy điện" lại chùng xuống. Ông nhớ về những kỷ niệm gắn với một người mà anh rất tôn trọng, xem như người anh trong cuộc sống và công việc. Đó là người cùng ông từ thủy điện Hòa Bình vào, kỹ sư Trần Quý Hảo, quyền Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Yaly. Cho đến tận hôm có quyết định được điều động từ "nơi gian khổ" Yaly ra "nơi sung sướng" Đà Nẵng, Vũ Đức Thìn không hề biết gì về chuyện này.

Hôm ấy, có một ông Chủ tịch công đoàn, một ông cán bộ tổ chức của Công ty Điện Lực 3 Đà Nẵng vào Yaly làm việc với kỹ sư Trần Quý Hảo. Gặp nhau, ông ra chào họ rồi lại làm việc tiếp. Khi họ về rồi, ông Hảo mới cho ông biết: "họ muốn xin anh ra ngoài đó". Ông ngỡ ngàng rồi nói với ông Hảo: "Tôi mà ở đây, tôi giúp được anh rất nhiều. Ra ngoài đó, bản thân tôi sẽ có điều kiện tốt hơn nhưng tôi mà đi thì anh sẽ vất vả".

Ông Hảo ngồi im một lúc, rồi nói: "Thôi, trong điều kiện như thế này, đứa nào đi cũng thế, cậu đi, tớ ở lại…". Hai kỹ sư Trần Quý Hảo và Vũ Đức Thìn đã gắn bó với nhau từ thời chân ướt chân ráo lên thủy điện Hòa Bình, cùng những khó khăn ở thủy điện Yaly. Kỹ sư Trần Quý Hảo ở lại tiếp tục gắn bó với Yaly cho tới khi mất vì trọng bệnh.

Trước ngày ông Hảo mất vài tháng, ông Đặng Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực cùng phái viên của Thủ tướng Chính phủ về thủy điện Sơn La Thái Phụng Nê lên Sơn La. Ông Nê bảo: "Nên kéo ông Hảo ra làm việc với Thìn’’. Lúc này, ông Vũ Đức Thìn đã là Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Sơn La. Rất vui, nhưng ông băn khoăn là nên tự mình mời hay là để tổ chức mời. Ông Thái Phụng Nê bảo: "Cậu đừng nói vội, để tổ chức mời cho trang trọng hơn!".

Hôm sau, ông và ông Nê về Hà Nội, buổi tối vừa bước chân vào quán ăn cơm thì từ Yaly gọi ra báo tin ông Hảo đang đi cấp cứu ở TP.HCM. Mấy tháng sau kỹ sư Trần Quý Hảo mất vì bị bệnh tiểu đường… "Anh Hảo là một tấm gương trong công việc cho tôi noi theo. Anh là con người gắn bó và vì thủy điện…" - "Tổng quản" thủy điện Sơn La buồn rười rượi lặng nhớ về người bạn đã cùng mình lăn lội suốt chặng đường làm thủy điện…

Làm ở Công ty Điện lực 3 từ năm 1991 đến năm 1996 với cương vị là Trưởng phòng Thuỷ điện rồi PGĐ Công ty, kỹ sư Vũ Đức Thìn lại được điều động ra Hà Nội để thành lập Ban chuẩn bị đầu tư dự án Thủy điện Sơn La. Đặc biệt, gọi là Ban nhưng trong 3 tháng đầu chỉ có mỗi… một mình ông.

Ông mua một chiếc máy tính cũ kỹ, thuê phòng khách sạn rồi ngày ngày cặm cụi tìm tài liệu liên quan đến thủy điện, đến Sông Đà… Thấy vốn tiếng Anh của mình còn kém, ông xin Tổng GĐ Hoàng Trung Hải (Bộ trưởng Bộ Công nghiệp bây giờ) đi học một lớp đào tạo tiếng Anh cấp tốc 3 tháng ở Úc. Lại một mình ông, tự liên hệ, tự sang Úc, tự thuê khách sạn, tìm thầy tìm lớp ở xứ sở Kanguru.

Kết thúc khóa học, về nước ông lại tiếp tục bỏ tiền ra mua thẻ học tiếng Anh ở các trung tâm buổi tối với… lũ trẻ chỉ bằng tuổi con ông. Cứ hết khóa học này, ông lại chuyển sang khóa khác với trình độ cao hơn. Bây giờ, ông đã có thể tự mình tìm dịch tài liệu về thủy điện và tự tin trong giao tiếp với khách, chuyên gia nước ngoài trên công trường.

Chuẩn bị cho ngày ngăn sông. Ảnh Vinh LT

Ngụp lặn với sông Đà

Để chuẩn bị cho công tác di dân lòng hồ thủy điện Sơn La (khi đó chưa có Ban di dân - Tái định cư), ông cùng cộng sự mò mẫm lên tận Mường Lèo (huyện Sông Mã, Sơn La) để tìm điểm tái định cư. Ông vẫn chưa hết hãi hùng khi nhớ lại việc phải đi bộ gần 30 cây số đường rừng, leo những con dốc dựng đứng để vào Mường Lèo. Đi bộ cả ngày không gặp bản làng để kiếm cái ăn. Ông lạch bạch đi cuối đoàn, vừa đi vừa thở, cuối cùng rồi cũng đến được nơi cần đến.

Hôm trở về, ông tìm thuê một con ngựa nhưng dân bản nhìn ông, cười và nói: "Ngựa của tao chỉ chở được 30 cân thôi, nó không chở được mày đâu". Vì không đủ điều kiện về nước sinh hoạt và tưới nên cuối cùng Mường Lèo không được chọn làm nơi tái định cư.

Năm 1999, ông chính là người được EVN giao nghiên cứu khảo sát để làm báo cáo trình Quốc hội và Chính phủ xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Ông nhớ lại, để có được ngày khởi công, ngăn sông hôm nay, ông Lê Bá Nhung chủ nhiệm thiết kế và các kỹ sư chuyên ngành đã ngược dòng sông Đà tới biên giới Trung Quốc. Sau đó, bằng đường du lịch, sang Vân Nam (Trung Quốc), đi dọc 200 km ven sông Đà bên Trung Quốc để khảo sát đoạn sông thượng nguồn. Ông Thìn tiết lộ, dãy núi cao, hiểm trở nơi thượng nguồn sông Đà đã giúp đoàn khảo sát có một cái nhìn thực tế về khả năng xây dựng hệ thống thuỷ điện của phía Trung Quốc.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 10, những người bảo vệ phương án xây dựng thủy điện Sơn La đã rất căng thẳng để bảo vệ quan điểm cho phương án bê tông trọng lực đối với công trình này. Bởi trước đó không lâu, một đập bê tông trọng lực ở Thạch Cương (Đài Loan) bị vỡ do động đất.

Ngày hôm sau Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư phải báo cáo giải trình bổ sung trước Quốc hội thì tối hôm trước ông Thìn bỏ cả ăn lên mạng tìm tài liệu liên quan đến đập bê tông trọng lực. Lại càng nóng ruột hơn khi trong đầu ông vang vọng ý kiến của các nhà khoa học nói rằng làm thủy điện Sơn La rất khó khăn với phương án đập bê tông trọng lực.

Cả đêm hôm đó, ông lần mò trên mạng tìm thông tin về loại đập này nhưng không có. Sáng hôm sau, ông lên cơ quan sớm, gọi thêm một cậu nhân viên nữa, hai người tiếp tục tìm trên mạng. Ông chợt nhớ ra đập ở Đài Loan bị vỡ do động đất nên tìm kiếm thông tin về động đất thì được thông tin chi tiết, có cả ảnh, nguyên nhân vỡ. Ông lập tức in ra và dịch. 8 giờ Quốc hội làm việc thì 7g45 ông đã kịp đưa tài liệu quan trọng này cho Bộ trưởng.

Khi báo cáo bổ sung trước Quốc hội, Bộ trưởng Đặng Vũ Chư có nêu nguyên nhân đập bê tông trọng lực ở Đài Loan vỡ do thiết kế không tính toán đến một lớp đất trượt, không phát hiện ra và tính toán khả năng chống động đất cho công trình không đủ. "Trước đó, mình gần như tuyệt vọng rồi. Bởi vì, hầu hết các ý kiến đều phản đối. Thế mà may mắn tìm lại ra được bằng chứng bảo vệ…" - Ông cười sảng khoái.

Phía trước!

Trên công trường thủy điện Sơn La, hỏi về "tổng quản" Vũ Đức Thìn, ai cũng có một câu chuyện gì đó kể. Chuyện ông mất ăn mất ngủ trước khởi công, chuyện ông đi khảo sát, chuyện ông ngủ cùng đồng bào để tìm ra khó khăn khi di dân, chuyện 1h sáng ông mới ăn cơm tối và vô vàn chuyện khác…

Ngày 3/12, sau 1 ngày ngăn sông Đà, khởi công nhà máy thủy điện Sơn La, ông cho anh em cùng cơ quan về thăm gia đình hết. Những lo toan, bận rộn cho ngày khởi công, ngăn sông đã qua. Một mình ông ngồi lặng lẽ trong căn phòng làm việc quen thuộc. Đó là khoảng thời gian nhàn rỗi hiếm hoi của ông. Vậy mà ông lại cảm thấy trống trải.

Nhưng rồi ông lại đứng lên: ngày mai phải bắt tay vào việc. Lại đi công trường, lại họp hành, lại đọc tài liệu. Ông bảo, khởi công xong mới thấy lộ ra nhiều cái lo. "Khó khăn đang ở phía trước…!" - Ông nói ngắn gọn rồi lại lên xe ra công trường...

  • Thế Lê Vinh (Từ Sơn La)

Monday, December 12, 2005

Đưa nhiên liệu sinh học vào cuộc sống

Đưa nhiên liệu sinh học vào cuộc sống

[11.12.2005 17:59]
Xem hình

Các quốc gia láng giềng của VN như Thái Lan, Malaisia... đang tìm cách đưa biodiessel, nhiên liệu được chế tạo từ dầu thực vật vào sử dụng rộng rãi trong bối cảnh giá dầu mỏ tăng cao

Trước nguy cơ dầu thô cạn kiệt, thời gian tới Thái Lan sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất và sử dụng dầu diesel sinh học (biodiesel). Trong khi đó, Malaysia sẽ cho sử dụng thí điểm biodiesel cho các phương tiện vận tải và xe tải quân đội và ngành đồn điền kể từ đầu năm 2006…

Thái Lan: 10% nhiên liệu tiêu thụ là biodiesel

Hưởng ứng lời kêu gọi mới đây của nhà vua về việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, Bộ Năng lượng Thái Lan tuyên bố sẽ tăng tốc hoạt động sản xuất và sử dụng dầu diesel sinh học (biodiesel).

Theo đó, tỷ lệ biodiesel sẽ chiếm 10% tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ tại quốc gia này trước năm 2011. Biodiesel sẽ là nguồn năng lượng thay thế dầu thô hiện có nguy cơ cạn kiệt.

Theo Phó Thư ký Thường trực Bộ Năng lượng Thái Lan, Pornchai Rujiprapa, các ban ngành liên quan sẽ họp mặt vào tuần tới bàn kế hoạch đẩy mạnh sử dụng biodiesel. Ông Pornchai cho biết thách thức lớn nhất trong sử dụng năng lượng thay thế là hạn chế về nguồn cung nguyên liệu (dầu cọ dùng sản xuất biodiesel .

Hiện nay, 150.000 tấn dầu cọ dự trữ sẽ không đủ dùng khi biodiesel được sử dụng rộng rãi.

Do vậy, Bộ Năng lượng và Bộ Nông nghiệp - Hợp tác xã sẽ phối hợp định ra các vấn đề về nguồn cung nguyên liệu.

Trong giai đoạn đầu khi đang phát triển "thói quen" dùng biodiesel, Thái Lan có thể nhập khẩu nguyên liệu.

Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cũng cho biết chính phủ dự định đưa ra các ưu đãi thuế nhằm khuyến khích sử dụng loại nhiên liệu xanh này.

Đến nay, nông dân ở miền Bắc và miền Đông Bắc Thái Lan đã thử nghiệm dùng biodiesel chạy máy kéo loại lớn và kết quả rất đáng hài lòng.

Malaysia: Năm 2007, sử dụng biodiessel trên diện rộng

Mới đây, Bộ Công nghiệp Đồn điền và Hàng hóa Malaysia thông báo, kể từ tháng 1/1/2006, các phương tiện vận tải và xe tải quân đội hiện chạy bằng dầu diesel và ngành đồn điền ở Malaysia sẽ dùng thí điểm biodiesel.

“Nhiên liệu xanh" được dùng sẽ là loại biodiesel B5, tức là 5% dầu cọ và còn lại là dầu diesel.

Động thái này là phép đo thử nghiệm của Chính phủ trước khi “dầu xanh” được thương mại hóa hoàn toàn và sẵn sàng cho sử dụng trên diện rộng từ ngày 01/01/2007.

Trước đó ba tháng, chính phủ Malaysia đã thông báo chính sách Nhiên liệu Xanh Quốc gia. Bộ trưởng Công nghiệp Đồn điền và Hàng hoá Malaysia, Peter Chin Fah Kui, cho biết 2006 sẽ là năm thử nghiệm dùng biodiesel để xem có vấn đề gì phát sinh. Biodiesel sẽ được sử dụng trong ngành khác sau khi các bộ Công nghiệp Đồn điền và Hàng hóa, Quốc phòng và Vận tải đưa ra kết luận.

admin (Theo Vietnamnet.vn)



Cỏ lai cho thấy nguồn năng lượng Biomass dồi dào ở trong nó.

[14.10.2005 08:34]
Xem hình

Ethanol và diesel sinh học là những nhiên liệu sinh học được ưa thích hiện nay ở Mỹ nhưng nghiên cứu mới cho thấy rằng có một số những nguồn nhiên liệu sinh học mới đang dần thay thế. Miscanthus khổng lồ, một loài cỏ lai có chiều cao 13 feet (khoảng gần 4m), có thể trở thành nguồn năng lượng có giá trị như là một nguồn năng lượng rắn, những nhà nghiên cứu ở trường đại học Illinois ở Urbana-Champain (UIUC) nói.

Stephen P.Long, giáo sư ngành khoa học cây trồng và sinh vật học tại UIUC gần đây đã đưa thông điệp đó đến Hội nghị khoa học của các tiến sĩ tại Ireland, được tài trợ bởi Hiệp hội những phát minh khoa học Anh Quốc. Hai tiến sĩ là sinh viên của ông Long, Emily A.Heaton và Frank G.Dohleman, đã gửi đến những thứ họ tìm thấy về Miscanthus vào Ngày Khoa học về nông nghiệp hàng năm được tổ chức lần thứ 49 tại UIUC và có hơn 1,100 người tham dự đến từ Trung Đông.

"40% năng lượng của Mỹ được sử dụng như điện," Heaton nói. "Cách dễ dàng nhất để lấy điện là sử dụng nhiên liệu rắn ví dụ như than." Họ thấy rằng phơi khô, tước hết lá thì thân cây Miscanthus có thể được sử dụng như một nhiên liệu rắn. Loài cỏ lâu năm này thích hợp với khí hậu lạnh được trồng trong một cái ống cắm vào trong đất giống như thân cây được gọi là rễ. Nó có vụ mùa thông thường như vụ mùa ở châu Á và cùng họ với cây mía, Miscanthus rụng lá vào mùa đông khi nó cao như thân một cây tre sau đó sẽ được thu họach vào mùa xuân và bị đốt nóng để lấy nhiên liệu.

Heaton dự tính rằng nếu chỉ có 10% diện tích đất ở Illinois trồng Miscanthus, thì nó có thể cung cấp đến 50% nhu cầu điện ở Illinois. Sử dụng năng lượng Miscanthus sẽ không nhất thiết giảm chi phí năng lượng trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ giữ lại một lượng lớn CO2 sản xuất ra môi trường.

Loài cỏ Rhizomatous như Miscanthus là những nhiên liệu sạch, Dohleman, người đang nghiên cứu về sinh vật học đã phát biểu như thế. Các chất dinh dưỡng như N2 được chuyển đến rễ để giữ lại cho đến vụ mùa sau.

Đốt nóng Miscanthus sẽ sản xuất ra lượng CO2 mà lượng này sẽ được lấy lại từ không khí khi nó được trồng. Sự cân bằng này có nghỉa là không có sự ảnh hưởng nào đến không khí bởi lượng CO2 mà trường hợp này không thể xảy ra khi chúng ta lấy nhiên liệu từ xác động vật bị phân hủy từ thời xa xưa, Heaton, người đang nghiên cứu trong ngành khoa học cây trồng nói

Miscanthus cũng là một nhiên liệu rất hiệu quả, bởi vì tỉ lệ năng lượng đầu vào ít hơn tỉ lệ năng lượng đầu ra là 0.2. Ngược lại, tỉ lệ này sẽ vượt quá 0.8 đối với ethanol và diesel sinh học từ canola là những nguồn năng lượng lấy từ những cây trồng khác.

Ngòai việc là một nguồn nhiên liệu sạch, hiệu quả và có thể tái tạo, Miscanthus rất dễ trồng. Nó giống như một loài cỏ dại, chỉ cần một ít nước và một lượng nhỏ phân bón và trồng trên những diện tích đất mà có những lòai cỏ dại khác mọc xung quanh.

ntnt (Theo renewableenergyaccess.com)

Cuộc đua thăm dò dầu khí tại Đông Nam Á

Cuộc đua thăm dò dầu khí tại Đông Nam Á
(12/10/2005 10:43:58 AM)

Các công ty dầu khí quốc tế đã xác nhận một cuộc chạy đua thăm dò dầu khí trên biển ở Đông Nam Á với ngày càng nhiều dàn khoan thăm dò xuất hiện trên các vùng biển khu vực này.Nhiều khu vực trước đây đã phát hiện có dầu nhưng khai thác không kinh tế nay cũng đang được tích cực thăm dò trở lại như khu vực biển sâu Malampaya của Philíppines đã bị các công ty dầu khí quốc tế Royal Dutch /Shell và Chevrron Corp từ bỏ từ năm 2004.


Philíppines tăng cường rất mạnh các hoạt động thăm dò nhưng kết quả rất khiêm tốn. Sản lượng khai thác dầu của nước này dự kiến trong 4 năm tới cũng chỉ tăng từ mức 12.500 thùng mỗi ngày năm 2004 lên 40.000 thùng/ngày năm 2008. Brunei hiện đang khai thác 200.000 thùng /ngày cũng đang thúc đẩy các hoạt động thăm dò từ tháng 8 năm nay nhưng chưa đạt được kết quả.


Myanmar cũng đang tích cực thăm dò dầu khí ngoài khơi với hy vọng tăng sản lượng khai thác 23.000 thùng/ngày hiện nay lên 50.000 thùng/ngày vào năm 2010 nhưng cho đến nay kết quả đạt được cũng rất hạn chế.

Wouter Hoogeveen, Giám đốc thăm dò dầu khí của công ty Shell ở châu Á - Thái Bình dương nói rằng trong khi sản lượng khai thác dầu của châu Á vẫn được bổ sung hàng năm từ sản lượng khai thác từ các mỏ khai thác có lãi ở Việt Nam, Malaysia ..., sản lượng dầu thô được khai thác từ các mỏ mới phát hiện quá thấp không thể bù đắp được sản lượng đang giảm đi từ các mỏ đã khai thác và đang cạn kiệt.

Monday, December 05, 2005

Cấp phép cho dự án thuỷ điện 273 triệu USD tại Lào


Sơ đồ tổng mặt bằng công trình thuỷ điện Xecaman 3
Dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Xecaman 3 tại Lào với tổng vốn 273,1 triệu USD vừa được Bộ KHĐT chính thức cấp phép đầu tư ra nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc vừa ký quyết định cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài số 2528/GP (30-11-2005) cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào (trụ sở đặt tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) được đầu tư tổng vốn 273,1 triệu USD (vốn chủ sở hữu 69,2 triệu USD và vốn vay 203,8 triệu USD) để thành lập công ty 100% vốn VN tại Lào với tên gọi Công ty TNHH Điện Xecaman 3 (trụ sở chính tại Vieng Chan).

Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào do 6 doanh nghiệp lớn của VN gồm Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Điện lực VN, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng miền Trung và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị - khu công nghiệp cùng góp vốn thành lập với tổng vốn điều lệ 1.080 tỉ đồng.

Trong đó Tổng công ty Sông Đà là cổ đông chi phối nắm giữ 60% vốn điều lệ (648 tỉ đồng); Tổng công ty Điện lực VN, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 nắm giữ mỗi đơn vị 10% vốn điều lệ (108 tỉ đồng); Tổng công ty Xây dựng miền Trung và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị - khu công nghiệp chia nhau nắm giữ 10% vốn điều lệ còn lại.

Công ty TNHH Điện Xecaman 3 do Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào thành lập tại Lào sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện Xecaman 3 (tại huyện Đăk Chung, tỉnh Sekong) với công suất 250MW theo hình thức B.O.T (xây dựng - vận hành - chuyển giao) theo Luật về Điện của CHDCND Lào; đầu tư xây dựng đường dây tải điện 220KV từ nhà máy thuỷ điện Xecaman 3 về hoà vào lưới điện VN tại tỉnh Quảng Nam; đồng thời sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu điện năng.

Giấy phép đầu tư ra nước ngoài do Bộ KHĐT cấp cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào có thời hạn 30 năm. Theo quy định, hàng năm, trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính (của Lào), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động kinh doanh cho Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước VN, UBND TP Hà Nội và chuyển lợi nhuận, các khoản thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh về nước.

Trước đó, ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký văn bản số 1825/TTg-QHQT thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Xekaman 3 do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt Lào làm chủ đầu tư. Đồng thời đồng ý về nguyên tắc cho chủ đầu tư dự án này được vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển 30% tổng mức đầu tư; đồng ý về nguyên tắc các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư dự án này được vay vượt 15% vốn tự có.

Văn bản 1825 cũng nêu rõ: Dự án thuỷ điện Xecaman 3 là dự án đặc biệt. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính bảo lãnh các khoản vay của chủ đầu tư. Giao Bộ Tư pháp có ý kiến pháp lý về hợp đồng BOT để chủ đầu tư dự án hoàn tất việc đàm phán, các thủ tục chi tiết ký kết hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện và thực hiện các thủ tục đầu tư cụ thể với phía Lào. Chủ đầu tư dự án và Tổng Công ty Sông Đà chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng BOT và các khoản vay, hiệu quả đầu tư của dự án.

Theo kế hoạch, nhà máy thuỷ điện Xecaman 3 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2008, cung cấp sản lượng điện hàng năm khoảng 1,5 tỉ KWh.

Theo VietNamNet

Trung Quốc: Sẽ đóng cửa 12.000 mỏ than


(12/5/2005 7:35:13 AM)


Trung Quốc, nước sản xuất than lớn nhất trên thế giới, sẽ đóng cửa khoảng 12.000 mỏ than nhỏ trong vòng 3 năm tới trong nỗ lực cắt giảm tại nạn lao động trong ngành khai thác này, một quan chức nước này cho biết hôm 3/12.

Ông Triệu Thiết Trùy, người đứng đầu Cơ quan Giám sát An toàn mỏ than Trung Quốc, đã tuyên bố như vậy tại một cuộc họp sau khi sảy ra vụ nổ hầm mỏ ở tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc hôm 27/11 làm ít nhất 169 người thiệt mạng.

Vị quan chức này cũng hứa rằng sẽ dần dần giảm bới các vụ tai nạn hầm mỏ nghiêm trọng ở nước này trong vòng 2 năm tới. "Chúng tôi chỉ có thể và nên giữ lại khoảng 10.000 mỏ than nhỏ tất cả," ông Zhao nói

Những mỏ than bị đóng cửa sẽ bao gồm các mỏ than tư nhân và các mỏ than nhà nước loại nhỏ và các biên pháp như cơ cấu lại sản xuất hay sát nhập sẽ được tiến hành đồng thời với việc đóng cửa các mỏ này. "Việc đóng cửa các mỏ than nhỏ này sẽ không ảnh hưởng tới nhu cầu than của cả nước vì Trung Quốc đã thành lập 13 cơ sở sản xuất than với công suất mỗi mỏ là 100 triệu tấn/năm," ông Zhao nói..

Trung Quốc hiện có khoảng 24.000 mỏ than nhỏ với sản lượng khai thác từ 10.000-30.000, chiếm 70% tổng số mỏ than ở nước này. Tuy nhiên, những mỏ than nhỏ không chỉ gây ô nhiễm các nguồn nước với sự phục hồi kém, mà tình trạng mất an toàn sản xuất cũng thuờng làm xảy ra các vụ tại nạn hầm mỏ chết người lớn.

Hôm 2/12 vừa qua, lại thêm một vụ tai nạn hầm mỏ ở Trung quốc sau sự cố tràn hầm làm 76 công nhân bị mắc kẹt ở một mỏ than ở tỉnh Hà Nam. Trước đó chỉ vài giờ, một vụ nổ hầm mỏ ở thành phố Lục Bàn Thuỷ, thuộc tỉnh Quý Châu, đã làm chết 16 người. Những người phụ trách tại khu mỏ này đã bỏ trốn ngay sau khi tai nạn xảy ra.

Trong khi đó, dư luận Trung Quốc vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ hầm mỏ ở tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc hôm 27/11 làm 169 người chết. Đây được coi là một trong những vụ tai nạn lao động chết người nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc từ trước đến nay và vụ nổ hầm mỏ này là thảm kịch mới nhất giáng xuống tỉnh Hắc Long Giang, vốn đang gánh chịu nạn ô nhiễm hoá chất gây ra cuộc khủng hoảng nước sạch ở thành phố thủ phủ Cáp Nhĩ Tân.

Cũng liên quan đến các tai nạn trên, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Trung Quốc Xie Zhenhua hôm qua đã từ chức để nhận trách nhiệm về vụ nước sông nhiễm độc khiến hàng triệu người không có nước dùng và đang làm quan hệ Nga - Trung trở nên căng thẳng. Hàng tấn chất benzene gây ung thư đổ ra sông Tùng Hoa (đông bắc Trung Quốc), khiến hàng triệu người dân bị cắt nước. Đoạn sông nhiễm độc đang chảy sang Nga và dự kiến sẽ tới nước này ngày 10/12.

Trung Quốc là nước thường xuyên để xảy ra các vụ tai nạn hầm mỏ chết người với hàng ngàn thợ mỏ bị thiệt mạng mỗi năm mặc dù chính phủ đã cam kết làm tất cả có thể để chấm dứt tình trạng này. Vụ tai nạn hầm mỏ nhiều người chết nhất ở Trung Quốc là vụ sảy ra hồi tháng 2/2005 làm 214 người thiệt mạng. Theo thống kê, khoảng 18 thợ mỏ Trung Quốc bị thiệt mạng mỗi ngày.

Ngành công nghiệp khai mỏ, tập trung chủ yếu ở phía đông bắc Trung Quốc, có tỷ lệ tai nạn lao động vào loại cao nhất thế giới, với khoảng gần 3.000 công nhân thiệt mạng chỉ riêng trong nửa đầu năm 2005. Theo số liệu chính thức, các vụ tai nạn hầm mỏ xảy ra tại Trung Quốc trong năm 2004 đã làm hơn 6.000 người thiệt mạng.

Chính quyền Trung Quốc đang phát động nhiều chiến dịch an toàn, đóng cửa các mỏ than hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhu cầu lớn cộng với than được giá khiến cho nhiều chủ mỏ bất chấp các quy định của nhà nước.

Ở Trung Quốc, hơn 130.000 người thiệt mạng trong các tai nạn lao động năm 2004.

Nguyên Hưng (Theo Xinhua) - VNN

25 năm Vietsopetro và tấn dầu thứ 150 triệu


(12/4/2005 11:38:36 PM)

Khai thác dầu khí

Ngày 8-12-2005, XNLD Vietsovpetro làm lễ mừng công khai thác tấn dầu thứ 150 triệu. Đây cũng là dịp XNLD Vietsovpetro tròn 25 năm xây dựng và trưởng thành, XNLD Vietsovpetro có nhiều điều đáng nói trong thời điểm đáng nhớ này.

XNLD Vietsovpetro chính thức tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam từ ngày 19-11-1981 trong khuôn khổ Hiệp định của 2 Chính phủ Việt Nam và Liên Xô ngày 19-6-1981 và Hiệp định sửa đổi ngày 11-7-1991, trụ sở đặt tại TP. Vũng Tàu.

Sau 3 năm hoạt động, ngày 31-12-1983, tàu Mikhain Mirchink đã khoan giếng khoan thăm dò đầu tiên mang số hiệu BH.5 tại mỏ Bạch Hổ và ngày 24-5-1984 phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Ngày 3-6-1984, lễ mừng tìm thấy dầu tại thềm lục địa Nam Việt Nam được tổ chức trọng thể tại TP. Vũng Tàu. Phó Thủ tướng Trần Quỳnh và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam B.N. Saplin đốt đuốc chính thức chào mừng sự kiện lớn lao này.

Ngày 22-7-1984, giếng khoan BH.4 được thực hiện bằng giàn tự nâng Êkhabi. Giếng khoan BH.4 không những gia tăng trữ lượng trong Miocen mà còn phát hiện 2 tầng dầu mới ở Oligocen trên và Oligocen dưới. Ngày 15-2-1985, lần đầu tiên dòng dầu Oligocen dưới phun lên với lưu lượng 200 tấn dầu/ngày. Tổng lưu lượng dầu Oligocen trên (9 vỉa) đạt 1.300 tấn dầu/ngày.

Từ giữa năm 1984 đến giữa năm 1986 là thời gian làm việc khẩn trương chuẩn bị cho khai thác dầu. Ngày 26-6-1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời ngành công nghiệp mới – công nghiệp khai thác dầu khí – đưa Việt Nam thành quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới. Một chương trình khai thác dầu khí đến năm 2000 được vạch ra.

Công tác tìm kiếm, thăm dò liên tục phát hiện các tầng dầu khí: Tầng dầu Miocen ở mỏ Rồng (1985); mỏ Đại Hùng (1988), tầng khí Condensat Oligocen Rồng Đông Bắc (1989). Giai đoạn 1988-1990, XNLD đã mở rộng thăm dò sang các vùng mới và đã tìm thấy các biểu hiện dầu khí ở các cấu tạo Tam Đảo, Ba Vì, Bà Đen, Sói… Giai đoạn 1996-2000, đã khoan 29.712m khoan với 8 giếng khoan thăm dò, hệ số thành công đạt 50%. Giai đoạn 2001-2005, đã khoan 62.202m khoan thăm dò ở Bạch Hổ, Rồng, các cấu tạo Đại Bàng, Thiên Ưng – Mãng Cầu (lô 04-3), Vải Thiều (lô 17)… với hệ số thành công là 57%.

Một phát hiện đặc biệt là tìm ra tầng dầu trong đá móng tiền Đệ Tam tại giếng khoan BH.6 ngày 15-5-1987 và bắt đầu khai thác từ 6-9-1988. Đây là tầng dầu quan trọng và độc đáo. Quan trọng vì từ tầng dầu này đã góp phần tăng sản lượng khai thác dầu hàng năm ở mỏ Bạch Hổ. Một quan trọng nữa là vùng thềm lục địa Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Độc đáo vì tầng dầu ở dạng này chưa tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trong khu vực.

Kiên trì và gian khó để xác lập thân dầu trong đá móng đến việc xác lập công nghệ khai thác dầu trong tầng móng là thành tựu lớn của Vietsovpetro. Lần đầu tiên khai thác tầng dầu trong đá móng nên chưa ai biết phải duy trì áp suất vỉa bằng cách nào. Mãi đến tháng 6-1993 mới quyết định giải pháp công nghệ: Bơm ép nước. Nhờ áp dụng giải pháp công nghệ này mà hệ số thu hồi dầu từ 15-18% được nâng lên đến 40,3%. Nhờ thế mà trong 129 triệu tấn dầu lấy lên từ tầng móng mỏ Bạch Hổ có hơn 50% lượng dầu từ tảng móng được khai thác nhờ áp dụng bơm ép nước. Giải pháp này được Hội đồng xét duyệt cấp Nhà nước phê duyệt vào tháng 3-1993.

Việc khai thác được dầu ở mỏ Bạch Hổ (1986) đã đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu dầu thô và ngày 21-4-1987 lần đầu tiên Việt Nam bán dầu thô ra thị trường thế giới. Từ nhiều năm nay dầu khí luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 20-30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Từ năm 1995, khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đã được đưa vào sử dụng. Năm đầu tiên cung cấp 202,9 triệu m3 khí. Năm 2000: 1,577 tỷ m3; đến năm 2004: 2,126 tỷ m3; năm 2005: 1,800 tỷ m3. Tính đến ngày 7-11-2005 đã cung cấp 14,730 tỷ m3 cho công trình khí – điện – đạm Phú Mỹ, Bà Rịa. 10 năm đưa dòng khí vào bờ, PetroVietnam đã cung cấp cho các hộ tiêu thụ 15 tỷ m3 khí, gần 2 triệu tấn khí hóa lỏng và hơn 8 triệu tấn Condensat. Tổng doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 8.000 tỷ đồng.

25 năm hoạt động, Vietsovpetro đã trang bị cho mình những thiết bị kỹ thuật, phương tiện đủ để độc lập tiến hành các công tác thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa. Cơ sở kỹ thuật đồng bộ này còn có khả năng đáp ứng yêu cầu của các khu vực khác cho phép Vietsovpetro khai thác dầu một cách an toàn.

Năm 1996, Vietsovpetro đã tham gia xây dựng giàn khai thác cho mỏ Rạng Đông (JVPC), và Ryby (Carigaly, Petronas). Năm 2001 Vietsovpetro đã xây dựng và đưa vào vận hành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao công trình đường ống dẫn khí Rạng Đông – Bạch Hổ góp phần tăng lượng khí cung cấp vào bờ. Mới đây (17-10-2005), Vietsovpetro đã ký hợp đồng EPC dự án đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau, giá trị hợp đồng 245 triệu USD. Cuối năm 2006 đường ống sẽ hoàn thành và đưa khí vào bờ.

Từ 1986 đến 31-2-2004, Vietsovpetro đã khai thác 140,153 triệu tấn dầu và 13,375 tỷ m3 khí. Doanh thu từ bán dầu là 22,364 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước: 10,368 tỷ USD. Năm 2005 (dự báo) doanh thu bán dầu: 4,250 tỷ USD, nộp ngân sách 3,053 tỷ USD. Từ năm 1981 đến nay (10-2005) doanh thu đạt 27.317,2 triệu USD và nộp ngân sách đạt 16.604,5 triệu USD.

Hiện nay, Vietsovpetro có 5.944 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 622 chuyên gia người Nga. Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề hoàn chỉnh (37 tiến sĩ, 41 thạc sĩ, 2.033 đại học và cao đẳng, 3.321 công nhân lành nghề…) đáp ứng được các nhiệm vụ quản lý và yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Từ khi thành lập để đáp ứng nhân lực phục vụ khai thác dầu khí, Vietsovpetro đã cử hàng loạt cán bộ, công nhân đến các trung tâm đào tạo của Liên Xô để thực tập và làm việc. Từ năm 1989 công tác đào tạo của Vietsovpetro được mở rộng sang các nước công nghiệp dầu khí phát triển. Đến nay, hầu hết các chức danh chủ chốt từ đơn vị cơ sở đến bộ máy điều hành phần lớn do người Việt Nam đảm nhận. Từ năm 1992, chức danh Tổng Giám đốc do người Việt Nam đảm nhận.

Bên cạnh những thành tựu phát hiện khai thác dầu khí, đào tạo đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, Vietsovpetro coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội. Chỉ tính trong 5 năm (2001-2005) Vietsovpetro đã trích quỹ hoạt động 12.758.498 USD để góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo các địa phương trong cả nước trong đó để xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 7.978.052USD. Bằng kinh phí quyên góp của CBCNV đã ủng hộ 1.455.833USD để phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào bị thiên tai lũ lụt… hoạt động nhân đạo quốc tế. Phía Nga cũng đã ủng hộ 780 triệu đồng để hỗ trợ cho các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TX. Bà Rịa để xây dựng nhà tình nghĩa, trung tâm thể thao văn hóa cho thanh thiếu niên nông thôn.

Đoàn Thiên Tích - Theo báo BR-VT

Việt Nam, Indonesia và Malaysia thỏa thuận hợp tác khoan thăm dò dầu khí khu vực Đông Java



[29/11/2005]

Ngày 24-11, Công ty dầu khí quốc doanh Indonesia PT Pertamina cho biết, họ sẽ ký hợp đồng khoan thăm dò dầu, khí ở khu vực Đông Java với các công ty dầu khí của Việt Nam và Malaysia.

Theo đó, PT Pertamina sẽ cùng với Công ty dầu khí Petroliam Nasional Bhd của Malaysia (Petronas) và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực Randugunting thuộc Đông Java.

Indonesia là nước sản xuất dầu đứng hàng cuối trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đang nỗ lực thu hút các nhà thăm dò và khai thác dầu nước ngoài nhằm đối phó với sản lượng dầu khai thác đang giảm.
Theo thỏa thuận với các công ty dầu khí Việt Nam và Malaysia, Pertamina sẽ được nhận 40% của sản lượng dầu, khí còn lại sau khi chính phủ Indonesia đã nhận phần của mình. Số còn lại, Petronas và PetroVietnam mỗi bên được 30%.

Trước đó, Pertamina, Petronas và PetroVietnam đã ký các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu, khí ở hai khu vực ở Việt Nam và Malaysia.

(Theo MONREnet)


Cập nhật thông tin: CIRENet
® Ghi rõ nguồn tin "CIRENet" khi phát hành lại thông tin này.

Dự trữ carbone dioxide!

11/17/2005 4:11:36 AM

Chuyện nghe có vẻ lạ, nhưng đó là sự thật. Một dự án khoa học tại Canada nhằm ứng dụng carbon dioxide vào khai thác dầu mỏ đã được thử nghiệm thành công, giúp giải quyết được 5 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

CO2 thải ra từ xe cộ, các nhà máy... gây hiệu ứng nhà kính

Thông báo do Bộ Năng lượng Mỹ công bố hôm 15-11. Bộ này cho biết nếu ứng dụng phương pháp này trên toàn thế giới sẽ loại trừ được 1/3 đến 1/2 số khí thải CO2 vào không khí trong thế kỷ tới và thu về hàng tỷ thùng dầu.

Dự án này là một nỗ lực chung giữa Bộ Năng lượng Mỹ, chính phủ Canada và khối công nghiệp tư nhân. Carbon dioxide được dẫn từ nhà máy Great Plains Synfuels ở Beulah đến mỏ dầu Weyburn ở Saskatchewan, Canada. Carbon dioxide đã giúp gia tăng áp suất và thu được nhiều dầu ở bề mặt hơn. Nó tăng sản lượng dầu lên khoảng 10.000 thùng mỗi ngày.

Thành công của dự án Weyburn có thể là điều không thể tin được trong việc giảm khí CO2 và tăng sản lượng dầu cho châu Mỹ”, Bộ trưởng năng lượng Samuel Bodman cho biết. Ông này cho biết thêm nếu dự án này được ứng dụng tại tất cả các mỏ dầu ở miền tây Canada, “chúng tôi sẽ thu được hàng tỷ thùng dầu và giảm lượng khí CO2 tương đương với lượng CO2 do hơn 200 triệu chiếc xe hơi thải ra trên đường trong 1 năm”. Điều này cũng đồng nghĩa với giảm nguy cơ thay đổi khí hậu và cho phép tăng cường khả năng khai thác dầu.

Carbon dioxide hiện đang dẫn đầu trong nhóm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều nhà khoa học cho rằng carbon dioxide cùng nhiều chất khí khác do các hoạt động của con người gây ra sẽ dẫn tới tình trạng toàn cầu ấm lên nếu con người không có biện pháp khắc phục.

TƯỜNG VY (Theo AP, Xinhua)

Theo Tuổi Trẻ Online

Saturday, December 03, 2005

Phát điện vào 2010!

Thủ tướng Phan Văn Khải thăm hỏi đồng bào tại lễ khởi công (ảnh: D.Đ.Minh)

Ngày 2/12/2005, Tổng công ty điện lực Việt Nam - chủ đầu tư, Tổng công ty xây dựng Sông Đà - tổng thầu các đơn vị thi công đã chính thức làm lễ khởi công xây dựng công trình thủy điện Sơn La.

Ngay từ đầu giờ sáng, người dân ở nhiều huyện của tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã kéo về chật các ngả đường dẫn tới nơi chính thức phát lệnh xây dựng công trình (xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) để chứng kiến thời khắc của một sự đổi mới, rất lớn lao cho vùng Tây Bắc xa xôi.

Trong hơn 1.000 ngày qua, kể từ khi Quốc hội ra Nghị quyết về xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, tại đây hơn 5.000 kỹ sư, công nhân của 12 tổng công ty, công ty đã làm việc không ngừng nghỉ, nhiều tháng làm 3 ca liên tục, để san lấp, đào đắp hơn 10 triệu m3 đất đá, đổ hàng trăm ngàn tấn xi măng để tạo mặt bằng, khơi kênh dẫn dòng, xây đập


Thủ tướng Phan Văn Khải ký tên lưu niệm công trình (ảnh:D.Đ.M)

ngăn sông, đường giao thông và các công trình phụ trợ.

Trước giờ phát lệnh khởi công, ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Việt Nam phát biểu nhấn mạnh rằng đây sẽ là công trình thủy điện có công suất lớn nhất nước ta hiện nay, nhưng để đủ điện dùng cho cả nước thì cần phải xây dựng thêm 22 nhà máy nữa với tổng công suất 7.150 MW. Tuy nhiên, công trình Sơn La có ý nghĩa đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ ở các tỉnh Tây Bắc, nâng tần suất chống lũ từ 125 năm lên 500 năm và cung cấp nước tưới, tiêu cho khoảng 20 triệu dân và hàng trăm ngàn ha ruộng lúa, hoa màu thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá cao chủ đầu tư, các đơn vị thi công, UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã khẩn trương triển khai dự án,


Thủ tướng Phan Văn Khải ấn nút nổ mìn khởi công công trình

đáp ứng yêu cầu mà Thủ tướng giao. Đồng thời, Thủ tướng vẫn lưu ý lãnh đạo các tỉnh phải chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa việc tổ chức tái định cư cho dân, đảm bảo đời sống của họ tốt hơn nơi ở cũ.

Nghị quyết của Quốc hội xác định mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành công trình vào năm 2015 nhưng trong lễ khởi công, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kêu gọi lãnh đạo các tỉnh, chủ đầu tư, các đơn vị thi công "cố gắng phấn đấu để phát điện tổ máy số 1 vào năm 2010 (sớm hơn dự kiến ban đầu 2 năm) và hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2012 để đáp ứng mong đợi của nhân dân cả nước". Và nếu thực hiện được điều này, Thủ tướng hứa "sẽ có thưởng".

Theo tính toán của EVN, nếu phát điện sớm hơn 1 năm thì sẽ có thêm 10,2 tỉ Kwh điện được cung cấp, tạo ra 500 triệu USD doanh thu, tiết kiệm 5 triệu tấn than. Trên thực tế, tại những công trình như thủy điện Ya Ly, Sông Hinh thường xảy ra tình trạng chậm tiến độ, bởi thế thời hạn mà Thủ tướng đưa ra lần này là một thách thức không nhỏ đối với chủ đầu tư cũng như các đơn vị tham gia thi công. Tuy nhiên, việc "hứa thưởng" và đặt thời hạn hoàn thành sớm công trình là phù hợp ý nguyện của người dân.


Niềm vui của các công nhân khi công tác ngăn sông Đà hòan tất


Công tác ngăn sông Đà hoàn tất

Mạnh Quân


® Liên hệ với Tòa soạn khi phát hành lại thông tin từ Website này. Ghi rõ nguồn "thanhnien.com.vn"