Tuesday, February 28, 2006

Xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất ĐBSCL


TT (Cần Thơ) - Hôm 26-2, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã ấn nút khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 (quận Ô Môn, Cần Thơ - ảnh). Đây là nhà máy nhiệt điện lớn nhất ĐBSCL và lớn thứ hai trong cả nước sau Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ.

Nhà máy này thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn, có công suất 2x330 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm khoảng 3,6 tỉ kWh, kinh phí xây dựng 6.666 tỉ đồng (555 triệu USD). Dự kiến năm 2008 sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1 và năm 2010 vận hành tổ máy số 2. Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực ĐBSCL, nhà máy này còn tận dụng hiệu quả nguồn khí đốt lên đến hàng trăm tỉ mét khối ở thềm lục địa Tây Nam.

PHƯƠNG NGUYÊN

Điều chỉnh giá xăng dầu theo tháng: Vẫn chưa thống nhất


Trước áp lực giá xăng dầu thế giới liên tục biến động, mới đây Bộ Tài chính đã soạn thảo đề án điều chỉnh giá xăng dầu định hướng theo từng tháng để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đề án này, các doanh nghiệp (DN) căn cứ vào biến động giá trên thế giới để tự điều chỉnh giá bán lẻ theo tháng hoặc quý. Có nhiều ý kiến trái ngược xoay quanh vấn đề này.

Biên độ ± 10% liệu có hợp lý?

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex), đến thời điểm này Petrolimex vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ các bộ ngành chức năng về việc cho phép các DN nhập khẩu xăng dầu tự điều chỉnh giá bán hàng tháng theo giá thế giới.

Thế nhưng, nếu chủ trương này của Chính phủ trở thành hiện thực, nó sẽ phù hợp với tình hình nước ta trong giai đoạn đã và đang hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, buộc các DN phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.

Cũng theo ông Cảnh, xét về mặt thị trường, các DN được tự quyết định giá bán với biên độ ± 10% đối với xăng (theo Quyết định 187/CP) mà Bộ Tài chính đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Có thể đây sẽ là tiền đề để mở từng bước cho mặt hàng xăng, hướng tới sẽ thả nổi hoàn toàn giá bán theo giá thế giới.

Cách làm này buộc các DN phải thực sự là nhà thương mại, không bị ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp giá. Trong đó, các DN phải tự tính toán nhập khẩu xăng vào lúc nào, giá bao nhiêu, cách quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường như thế nào với chi phí thấp nhất, tồn trữ hàng ra sao…

Lúc này áp lực về giá bán sao cho cạnh tranh sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu DN nào không có cách tổ chức thị trường tốt hoặc không có chính sách tốt sẽ bị đào thải. DN nào tồn tại sẽ bước vào cuộc chơi mới, trong đó nhiều đối thủ đa quốc gia sẽ xuất hiện. Người tiêu dùng khi đó sẽ thực sự được thụ hưởng đúng mức giá của quy luật thị trường.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí TPHCM, cách tính của Bộ Tài Chính cho phép DN tự định giá với biên độ ± 10% chỉ đúng về mặt lý thuyết. Trên thực tế thì việc ràng buộc bởi biên độ này rất khó thực hiện và không có gì mới so với hiện nay bởi nhà nước đã không còn bù lỗ cho mặt hàng này.

Theo tính toán của ông Sang, với mức giá như hiện nay, nếu áp dụng biên độ ± 10% thì giá xăng cao nhất cũng chỉ đứng ở mức hơn 11.000 đồng/lít và thấp nhất là 8.000 đồng/lít. “Quy định điều chỉnh giá định hướng hàng tháng rất nguy hiểm bởi công tác bảo mật thông tin hiện nay rất khó. Thực tế cho thấy, trong năm 2005, khi nhà nước dự tính điều chỉnh giá, ngay lập tức trên thị trường đã phát sinh hàng loạt vấn đề phức tạp như đầu cơ hoặc ghim hàng để làm giá…” - ông Sang nhấn mạnh.

Thả nổi theo giá thế giới: nên hay không?

Theo phân tích của ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Tư pháp Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, đứng về góc độ thị trường, nhà nước chỉ nên can thiệp, khắc phục những “khuyết tật” từ thị trường và điều tiết giá cả các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng con người. Những mặt hàng nào nằm trong danh mục này, nhà nước cần sớm lập ra để thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Trở lại với mặt hàng xăng dầu, ông Huỳnh phân tích: “đây là mặt hàng vô cùng thiết yếu nhưng về lâu dài Nhà nước không nên can thiệp vì cách làm này không khả thi. Nhà nước đã không còn bù lỗ cho xăng thì nên trả nó về quy luật điều tiết của thị trường. Đây chính là cách để làm minh bạch giá trị của nó.

Mặt khác, chúng ta đang hội nhập, đã có nhiều mặt hàng phải nhập khẩu nên các DN VN cũng như người tiêu dùng cần tập làm quen với mức giá lên xuống của thế giới. Nhà nước nên tính đến những chuyện lớn hơn như điều hành vĩ mô và công tác dự trữ an ninh năng lượng”.

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Vinh Sang cũng cho rằng, nhà nước nên để cho các DN tự định giá bán lẻ theo cơ chế thị trường thì hợp lý hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra các lập luận là mặc dù cho phép DN định giá xăng dầu song trên thực tế nhà nước vẫn áp theo một quy định nào đó nên đôi khi phản tác dụng và làm méo mó quy luật điều tiết của thị trường.

Xăng dầu luôn vận động theo sự biến động của thế giới, trong khi chúng ta rất khó đoán trước được những gì xảy ra. Do vậy việc định khung giá sẽ làm cản trở sự chủ động của các DN.

Có thể nói, đề án cho phép DN điều chỉnh giá xăng dầu theo tháng là một bước tiến mới trong việc điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu. Thế nhưng, như ý kiến của các chuyên gia đã phân tích, nếu chúng ta vẫn áp dụng biên độ trong việc điều chỉnh giá và điều chỉnh theo tháng thì nhiều vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng, tức phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát…

Xét về khía cạnh kinh tế là tốn kém và rất khó thực thi. Mặt khác, nếu giá bán được áp dụng theo cách tính này thì về cơ bản vẫn không có gì thay đổi.

Theo Sài Gòn giải phóng

Giá điện sẽ tăng lên 852 đồng/kWh?


Dự án thủy điện Đại Ninh trên hệ thống sông Đồng Nai được xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận có tổng công suất 300MW với tổng mức đầu tư khoảng 440 triệu USD (trong đó vay ODA 85% của Chính phủ Nhật Bản) dự kiến phát điện vào cuối năm 2007. Trong ảnh: thi công xây dựng đập tràn thủy điện Đại Ninh - Ảnh: N.C.T.

TT - Theo thống nhất của tổ công tác liên ngành, giá điện bình quân sẽ tăng lên 852 đồng/kWh. Theo lộ trình, sau đợt tăng giá điện vào năm nay, đầu năm 2008 giá điện sẽ lên mức 890 đồng/kWh.

Năm 2010 giá điện tiếp tục được điều chỉnh.

Lấy ý kiến rộng rãi

Cuối tuần qua tổ công tác liên ngành về giá điện đã họp và thống nhất trình Bộ Công nghiệp bốn phương án với mức tăng bình quân 8,8% (thấp hơn 6% so với đề nghị 14,8% của EVN). Một quan chức bộ cho hay dự kiến trong tuần tới bộ sẽ tổ chức lấy ý kiến, lựa chọn phương án qua trang web www.moi.gov.vn.

Theo Bộ Công nghiệp, phương án được lựa chọn phải giảm bù chéo giữa giá điện cho sản xuất và giá điện cho sinh hoạt; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo cân đối tài chính cho các đơn vị điện lực.

Cụ thể có bốn phương án được lấy ý kiến như sau:

Không “đụng” đến sản xuất

Trước đó, Tổng công ty Điện lực VN đưa ra năm phương án biểu giá bán lẻ năm 2006. Với xuất phát điểm là mục tiêu tăng giá bình quân lên 898 đồng/kWh (tăng bình quân 14,8%) và phương án không điều chỉnh giá điện sản xuất (chiếm 45,8% tổng sản lượng), nên mức tăng sẽ dồn vào các đối tượng còn lại (chiếm 54,2%). Mức tăng các đối tượng này sẽ rất cao, bình quân 25-40%.

Các chuyên gia tổ công tác nhận định đây là mức tăng có thể gây đột biến, tính khả thi không cao trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.

Phương án 1: hạn chế hoàn toàn những tác động đến đối tượng sản xuất, những hộ gia đình có mức sống thấp (sử dụng dưới 100 kWh/tháng) và các tổ chức quản lý điện nông thôn. Biểu giá mới không tăng với đối tượng sản xuất, bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và 100 kWh đầu tiên điện sinh hoạt bậc thang. Do các đối tượng không tăng giá chiếm tới 75% tổng sản lượng nên các đối tượng còn lại sẽ phải chịu mức tăng 20%. Các bậc thang sau của biểu giá điện sinh hoạt tăng bình quân 35%.

Các chuyên gia cho rằng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và giá bán điện sinh hoạt bậc thang đối với 100 kWh đầu tiên không tăng sẽ tiếp tục là gánh nặng bù chéo đối với đối tượng sản xuất và kinh doanh. Giá bán điện sinh hoạt bậc thang đối với mức trên 100 kWh tới 35% sẽ tác động rất lớn tới sinh hoạt của đại bộ phận các hộ tiêu thụ điện sinh hoạt. Mức giá này cũng chưa đảm bảo mục tiêu tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp bố trí lại lịch sản xuất kinh doanh.

Tăng 20% giá điện giờ cao điểm

Phương án 2: không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm, tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng, tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn lên 410 đ/kWh (tăng 5% so với hiện nay); chia đôi mức 100 kWh giờ đầu đối với điện sinh hoạt bậc thang thành hai mức: 50 kWh đầu giá 600 đ/kWh, 50 kWh tiếp theo giá 750 đ/kWh.

Ở phương án này, do tăng giá giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%. Giá điện sinh hoạt bậc thang của 50 kWh đầu chỉ tăng 50 đ/kWh (tăng 10%), các bậc thang trên 100 kWh tiếp theo có mức tăng 12-18%, các đối tượng hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ có mức tăng lần lượt là 10% và 12%.

Mỗi hộ thêm 8.000 đồng/tháng

Phương án 3: tương tự phương án 2 nhưng không tách đôi 100 kWh đầu đối với điện sinh hoạt bậc thang mà tăng cả lên 630 đ/kWh. Với phương án này, bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%, giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tăng 5%, điện sinh hoạt bậc thang tăng bình quân 17%. Giá điện đối với bậc thang 100 kWh đầu tăng 80 đ/kWh, tương đương 15% so với hiện hành. Mỗi hộ sẽ tăng chi phí tiền điện tối đa 8.000 đ/tháng. Các đối tượng hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ có mức tăng lần lượt là 11% và 12%.

Giá điện nông thôn, thành thị bằng nhau

Phương án 4: tương tự phương án 3 và xóa bỏ sự phân biệt về giá điện sinh hoạt giữa thành thị và nông thôn. Tăng giá bán 100 kWh giờ đầu điện sinh hoạt bậc thang lên 700 đ/kWh. Hiện nay các hộ dân nông thôn đang phải mua điện sinh hoạt theo cơ chế giá trần 700 đ/kWh, các hộ ở thành thị có mức sử dụng tương đương lại được mua điện với giá chỉ 550 đ/kWh.

Với phương án này giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%, giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tăng 20 đ/kWh (tăng 5%), điện sinh hoạt bậc thang tăng 18%. Giá điện đối với bậc thang 100 kWh đầu tăng 150 đ/kWh, tương đương 27% so với hiện hành. Các hộ gia đình sử dụng dưới 100 kWh sẽ tăng chi phí tiền điện tối đa 15.000 đ/tháng. Các bậc thang trên 100 kWh tiếp theo có mức tăng 9-12%, các đối tượng hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ cũng sẽ có mức tăng thấp hơn, lần lượt là 10% và 11%.

HẢI MINH

IAEA: Iran muốn mở rộng chương trình hạt nhân


Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (trái) và tiểu vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmed Al Sabah tại cung điện Bayan, Bayan, Kuwait hôm 27-2
TTO - Iran dường như muốn mở rộng chương trình làm giàu uranium mà cộng đồng quốc tế lo ngại họ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết hôm qua.

Cơ quan giám sát hạt nhân Liên hiệp quốc cho biết Iran dự định bắt đầu lắp ráp máy ly tâm làm giàu uranium trong năm nay cho dù các cuộc đàm phán của họ với Nga có loại bỏ chương trình làm giàu uranium nội địa.

IAEA cũng cho biết trừ khi Iran tăng cường hợp tác, nếu không cơ quan này sẽ không thể xác minh rằng liệu các hoạt động hạt nhân bí mật trong quá khứ của Iran có nhằm vào sản xuất vũ khí hạt nhân hay không.

Báo cáo do giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei chuẩn bị công bố tại cuộc họp vào ngày 6-3 với sự tham gia của 35 nước thành viên ủy ban IAEA có thể giúp Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc quyết định có trừng phạt Iran hay không.

Báo cáo 11 trang này cũng nhấn mạnh rằng cuộc điều tra hơn 3 năm qua không phát hiện “bất kỳ sự chuyển hướng dùng nguyên liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác”. Cho đến nay, do thiếu sự hợp tác từ phía Iran, IAEA vẫn không thể “kết luận rằng có các vật liệu hạt nhân hay các hoạt động hạt nhân bí mật tại Iran hay không”.

Báo cáo này cho thấy về cơ bản sự thừa nhận của IAEA rằng cơ quan này không thể xác định được liệu Iran có che giấu các chương trình hạt nhân đáng ngờ của họ hay không mà Iran buộc phải cáo trước IAEA dưới quy định của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NNT).

Phát ngôn viên Nhà trắng Scott McClellan
Cũng trong hôm qua, Mỹ bày tỏ nghi ngờ khả năng Iran tiến đến một thỏa thuận với Nga về đề xuất liên doanh để làm giàu uranium trên đất Nga.

“Chúng tôi sẽ theo dõi quá trình đàm phán Nga-Iran, nhưng với những diễn biến trong quá khứ, bạn có thể hiểu vì sao chúng tôi vẫn nghi ngờ”, người phát ngôn Nhà trắng Scott McClellan nói.

Phó tổng thống Iran Gholamreza Aghazadeh, cũng là người đứng đầu cơ quan hạt nhân Iran hôm chủ nhật cho biết Iran và Nga đã đồng ý về cơ bản việc thành lập một liên doanh làm giàu uranium và các cuộc đàm phán về vấn đề này vẫn đang tiếp tục.

Vừa thúc giục Iran đình chỉ tất cả các hoạt động làm giàu uranium theo yêu cầu của IAEA, McClellan lặp lại rằng Mỹ lo ngại “về việc Iran theo đuổi mục đích sản xuất vũ khí hạt nhân dưới lốt vỏ một chương trình dân sự”, cho dù nước này đã khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích cung cấp điện.

T.VY (Theo AP, Xinhua)

Monday, February 27, 2006

Sắp có ôtô chạy xăng và điện giá rẻ

Một loại xe hybird của Honda - Ảnh: www.speedsportlife.com
Hãng Honda Motor dự kiến vào đầu năm 2008 sẽ tung ra thị trường mẫu xe có thể chạy bằng xăng và điện kết hợp với giá cạnh tranh hơn đối thủ Toyota - hiện đang dẫn đầu thế giới về loại xe này.

Theo nhật báo kinh tế Nihon Keizai, Honda dự kiến giá của loại xe là phiên bản của dòng Fit rất gọn nhẹ này dao động ở mức khoảng 1,4 triệu yen (11.800 USD).

Trong bối cảnh giá dầu tăng cao khiến người tiêu dùng hướng tới các loại xe nhỏ gọn và tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, Honda sẽ phát triển loại động cơ hybrid cho loại xe nhỏ và lắp ráp loại xe mới này tại Nhật Bản để xuất khẩu.

Toyota Motor đã thắng lớn khi tung ra loại xe hybrid đầu tiên mang nhãn hiệu Prius vào năm 1997. Toyota hiện đang sở hữu năm dòng xe hydrid và dự kiến tung ra một kiểu xe hydrid mới (có thể là một phiên bản của xe Camry) vào mùa xuân năm nay.

TTXVN

Máy lạnh nào ít hao điện?


TT - * Ngoài hệ thống điều hòa không khí sử dụng điện như hiện nay, có hệ thống điều hòa không khí nào sử dụng ít điện hơn không? (Huỳnh Kim Dung - TP.HCM)

* PGS.TS Lê Chí Hiệp (chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt - lạnh Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - ảnh):

- Cho đến nay, ở VN, hệ thống điều hòa không khí trung tâm trong các tòa cao ốc, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, hội trường... thường chỉ được vận hành bằng điện. Các hệ thống này tiêu thụ lượng điện khá lớn, chiếm 35-50% tổng lượng điện tiêu thụ bởi toàn bộ công trình.

Dưới áp lực sử dụng hợp lý năng lượng và bảo vệ môi trường, nhiều nước đã tìm cách chuyển đổi các hệ thống điều hòa không khí loại cũ sang các hệ thống điều hòa không khí loại mới làm việc với máy lạnh hấp thụ.

Điểm đặc biệt của máy lạnh hấp thụ là vận hành bằng nhiệt năng, nhu cầu sử dụng điện năng rất ít. Nhiệt năng cung cấp cho máy lạnh hấp thụ thường là dầu hoặc khí đốt, ở nơi nào có điều kiện thuận lợi thì có thể sử dụng nước nóng hay hơi nước.

Với các tòa nhà được xây dựng mới, nếu đưa máy lạnh hấp thụ vào thay thế máy lạnh có máy nén hơi trong các hệ thống điều hòa không khí trung tâm sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu điện.

Về mặt tổng thể, chi phí vận hành máy lạnh hấp thụ ít hơn so với chi phí vận hành máy lạnh có máy nén hơi. Không những thế, việc sử dụng máy lạnh hấp thụ cũng tạo điều kiện thuận lợi để phối hợp đáp ứng các nhu cầu cấp nhiệt khác trong công trình, làm cho việc sử dụng năng lượng thêm hiệu quả.

PV

Monday, February 20, 2006

Năm 2020, VN sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Hôm nay (17-2), tại Hà Nội, phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020" (ban hành tháng 1-2006), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng cho biết VN sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020.

Theo Thứ trưởng, để ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử phục vụ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Việt Nam sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam với quy mô công suất khoảng 2.000 MW với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành an toàn và khai thác hiệu quả.

Hiện Bộ Khoa học - Công nghệ đang chuẩn bị tích cực cho việc xây dựng đội ngũ chuyên gia về điện hạt nhân, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề được đào tạo đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Các ngành công nghiệp trong nước phải nhanh chóng xây dựng năng lực về thiết kế, chế tạo thiết bị và sản xuất vật liệu nhằm tăng cường khả năng tham gia vào việc thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 tất cả các nhu cầu về dược chất phóng xạ được đáp ứng đầy đủ; tất cả các tỉnh có các cơ sở y học hạt nhân và xạ trị có một số chủng loại thiết bị ghi đo hạt nhân, thiết bị X - quang, thiết bị lade và máy gia tốc mang thương hiệu Việt Nam; một số công nghệ và sản phẩm của kỹ thuật bức xạ được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong các ngành kinh tế - xã hội.

Để thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, ngoài 8 nhóm giải pháp, tháng 4-2006, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược và bắt đầu triển khai thực hiện chiến lược vào tháng 5-2006.

Theo TTXVN

Sử dụng điện mặt trời: Dễ hay khó?


Hộ gia đình ông Trần Đình Cường (Phú Nhuận, TP.HCM) đã lắp đặt và sử dụng thiết bị bình nước nóng năng lượng mặt trời loại 200 lít từ hai tháng nay - Ảnh: Thu Thảo
TT - "Dễ dàng chẳng khác gì sử dụng một cái tivi" - ông Trịnh Quang Dũng, trưởng phòng phát triển điện mặt trời (Phân viện Vật lý TP.HCM), nói về việc sử dụng các sản phẩm và thiết bị từ năng lượng mặt trời hiện nay...

Người dân có thể tự lắp ráp

Để có được hệ thống điện từ năng lượng mặt trời, quan trọng nhất là phải có tấm pin thu nhiệt và chuyển nhiệt thành quang. Hiện nay trong cả nước chưa có cơ sở nào sản xuất tấm pin này mà phần lớn đều được nhập ngoại.

Tại TP.HCM có hai cơ sở bán thiết bị làm điện từ năng lượng mặt trời là Solarlab (Phân viện Vật lý, số 1 Mạc Đĩnh Chi, Q.1) và SEL-CO (công ty của Mỹ, 164 Đề Thám, Q.1). Kỹ sư Nguyễn Đức Thọ, nhân viên Solarlab, cho biết: một bộ hệ điện mặt trời gồm có tấm pin, bình ăcqui, bộ biến điện và bộ điều khiển.

Điện mặt trời từ các tấm pin sẽ được dẫn xuống và trữ vào hệ thống các bình ăcqui. Từ đây, bộ biến điện sẽ chuyển dòng điện một chiều 24 volt từ ăcqui sang dòng điện xoay chiều 220 volt. Người sử dụng chỉ cần mở bộ điều khiển lên là có thể sử dụng điện mặt trời.

Tại Solarlab, giá bán của một bộ hệ điện mặt trời dao động từ 9 triệu cho đến vài trăm triệu đồng, tùy theo qui mô và công suất điện. Trong đó như bộ có giá thấp nhất (9 triệu đồng) có thể sử dụng thắp sáng bốn bóng đèn và một máy cassette. Đối với những hệ điện có qui mô nhỏ, người mua có thể tự lắp ráp thông qua giấy hướng dẫn mà không cần kỹ thuật viên.

Ngoài việc sử dụng điện sinh hoạt gia đình, các nhà khoa học thuộc Solarlab còn sử dụng điện mặt trời để sạc pin cho xe cấp cứu. Loại xe này đã đưa vào hoạt động tại Đắc Lắc với giá khoảng 10.000 USD/xe.

Điện mặt trời cũng được dùng để chạy máy nổ, sử dụng cho thuyền du lịch ở Hội An và máy bơm nước tại một số hộ ở Đắc Lắc và TP.HCM (có thể bơm nước từ độ sâu 25-30m lên mặt đất).

Đó là chưa kể các loại bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cũng ngày càng trở nên phổ biến và giá thành (do các cơ sở nội địa thiết kế và lắp ráp) cũng có xu hướng giảm còn 1/3 so với trước đây.

Bếp nấu và bình lọc nước: hai trong một

Hiện Công ty Petech đã bắt đầu triển khai sản xuất bếp nấu bằng năng lượng mặt trời. Bếp gồm một chảo parabol làm bằng inox với đường kính 1,5m, được đặt trên một giá đỡ. Toàn bộ hệ thống được thiết kế tự động để chảo có thể quay theo hướng di chuyển của mặt trời.

Ánh sáng do chảo parabol phản xạ được hội tụ vào vị trí lò nấu nên việc đốt nóng diễn ra nhanh hơn so với các loại bếp nấu khác, nhiệt độ lên đến 120-150OC (khoảng 15 phút là có thể nấu chín nồi cơm).

Ngoài ra, để tận dụng bếp “mặt trời” những lúc không cần nấu nướng, nhóm nghiên cứu cũng thiết kế bình chưng cất nước lợ gồm bộ ngưng tụ, hộp than hoạt tính để lọc nước.

Hơi nước sẽ đi qua bộ ngưng tụ hình xoắn ốc để cho ra nước ngọt, trung bình 10 lít nước mặn sẽ tạo được 7 lít nước ngọt.

Giá thành của một chiếc bếp năng lượng mặt trời là 950.000 đồng (loại parabol xoay tự động theo nắng mặt trời) và 450.000 đồng cho loại không tự động (người dùng phải tự xoay parabol theo hướng nắng). Nếu dùng bếp kèm theo bộ lọc nước tinh khiết loại 120 lít, giá thành sẽ là 2,5 triệu đồng/bộ.

Tuy nhiên, để sử dụng bếp nấu bằng năng lượng mặt trời, người nấu ăn phải... đội mũ và tất nhiên chỉ có thể nấu vào những lúc có nắng lớn. Hiện loại bếp này đã được đưa vào sử dụng và bán ở một số tỉnh như Bình Thuận, Lâm Đồng, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)...

THU THẢO

Thu nước ngọt từ nước biển bằng ánh nắng

Hệ thống lắp đại tại Bình Đại gồm 3 modul, mỗi modul có diện tích đón nắng 4m2

Các chuyên gia thuộc Viện Hoá học (Viện Khoa học-Công nghệ VN) đang triển khai ứng dụng trên thực tế công nghệ mới: cất nước biển bằng năng lượng mặt trời để lấy nước ngọt.

Hai hệ thiết bị thử nghiệm đã được lắp đặt tại Bến Tre. Một hệ được đặt tại ngư trường Bình Đại vào cuối tháng 8-2005, cung cấp 120-150 lít nước sạch mỗi ngày cho đội công nhân 8 người. Hệ còn lại, nhỏ hơn, được lắp đặt tại một hộ gia đình ở thị xã Bến Tre.

Ưu điểm của công nghệ này là chi phí đầu tư thấp, dễ sử dụng, tạo nước sạch cho cư dân ở nơi xa xôi, khan hiếm nước ngọt, sống phân tán và không có điện.

Công nghệ trên dựa vào nguyên lý làm bốc hơi nước biển để thu nước ngọt. Nước biển được đưa vào các bồn chứa. Phía trên bồn được che kín bằng mái kính trong suốt để đón ánh nắng. Nắng làm cho nước mặn bên trong nóng lên và bay hơi. Hơi nước bay lên gặp bề mặt phía dưới của mái kính sẽ ngưng đọng thành giọt, chảy vào thùng chứa. Kết quả là nước thu được sạch hơn cả nước mưa vì không bị nhiễm bụi bẩn từ khí quyển.

Tuy nhiên, hiệu suất của phương pháp trên thường thấp, chỉ thu được 2-3lít/ngày trên một mét vuông do thời gian có nắng trong ngày thường chỉ có 6-9 tiếng. Trên cơ sở nghiên cứu công nghệ tích trữ nhiệt bằng vật liệu chuyển pha trong gần 10 năm qua nên nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Tiến Tài, Phòng Vật liệu vô cơ, đã quyết định ứng dụng công nghệ này nhằm tăng hiệu suất của quy trình cất nước biển.

TS Tài tiết lộ vật liệu tích trữ nhiệt theo cơ chế chuyển pha mà nhóm sử dụng là một hợp chất sẵn có và rẻ tiền tại VN, có nguồn gốc từ sản phẩm dầu mỏ. Trong trường hợp này, chuyển pha có nghĩa là khi vật liệu nhận nhiệt thì nó mềm ra và khi toả nhiệt thì cứng lại.

Các chuyên gia đang lắp đặt hệ thiết bị cất nước biển bằng năng lượng mặt trời tại ngư trường Bình Đại, Bến Tre. Mặc dù đã khoan tới độ sâu 400m nhưng vẫn không tìm thấy nước ngọt ở đây. Còn nếu lắp đặt hệ thống lọc thẩm thấu ngược thì phải tốn vài trăm triệu đồng, không phù hợp vì dân cư sống phân tán
Được đặt trong thiết bị cất nước, vật liệu sẽ tích trữ nhiệt dư thừa từ ánh nắng ban ngày. Khi tắt nắng, vật liệu sẽ giải phóng lượng nhiệt đã tích được nhằm kéo dài quá trình cất nước.

Bằng cách này, nhóm đã thu được 8-10 lít/ngày trên mỗi mét vuông. Hiện nhóm tiếp tục cải tiến công nghệ để nâng hiệu suất lên 15-20lít/m2/ngày. Nhóm cũng dự định bổ sung một số chất vi lượng vào nước sau khi lọc vì nước cất theo kiểu này thường quá sạch.

Trong tháng 3 tới, công nghệ sẽ được thử nghiệm tại Thừa Thiên-Huế.

Sau khi hoàn thiện, nhóm sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà cho các địa phương chẳng hạn như hải đảo và các cùng khan hiếm nước ngọt.

Kỳ vọng của nhóm là giảm giá thành xuống còn 1 triệu đồng/m2 khi đưa vào ứng dụng đại trà.

Theo VietNamNet

Sắp có siêu xe hơi chạy bằng lithium

TTO - Hãng Hybrid Technologies sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho loại siêu xe hơi hoạt động bằng pin lithium với tốc độ tối đa khoảng 290km/g - gần với tốc độ xe lửa tốc hành của Nhật - vào tháng tư này tại Mỹ.

Xe hơi chạy bằng điện mới, được đặt tên là Lithium Carbon Fiber Super Car (siêu xe hơi sợi carbon lithium), dự kiến bán với giá 124.900 USD/chiếc, theo một tuyên bố của hãng Hybrid Technologies. Hãng cho biết với một lần xạc điện sáu tiếng đồng hồ, xe hơi hai chỗ không xả khói này có thể chạy được 160km với tốc độ tối đa 290km/g, và có thể đạt đến tốc độ 97km/g trong vòng ba giây.

Siêu xe hơi này sẽ được giới thiệu cho công chúng tại Cuộc triển lãm xe hơi quốc tế ở New York vào tháng tư tới. Hãng Hybrid Technologies cũng dự kiến bán siêu xe hơi tại Nhật do nước này rất chuộng xe hơi điện. Các hãng xe hơi lớn của Nhật như Nissan cũng tỏ ra tất quan tâm đến siêu xe hơi sử dụng pin lithium này.

K.NHẬT (Theo The Age)

Wednesday, February 08, 2006

Thụy Điển sẽ là nền kinh tế không dầu lửa đầu tiên trên thế giới

TTO - Thụy Điển dự kiến thực hiện một bước tiến về năng lượng lớn nhất so với bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào của tây phương bằng cách làm quen dần với việc hoàn toàn không sử dụng xăng dầu trong vòng 15 năm tới – mà không cần phải xây dựng một thế hệ mới các trạm năng lượng hạt nhân nào.

Ngày 7-2, chính quyền Thụy Điển cho biết nước này dự định thay thế tất cả các nhiên liệu hóa thạch bằng các nhiên liệu có thể đổi mới được trước khi sự thay đổi khí hậu tàn phá các nền kinh tế và tình trạng ngày càng khan hiếm dầu lửa dẫn đến giá cả mặt hàng này tăng đến chóng mặt.

Theo ủy ban năng lượng của Hàn lâm viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển, càng ngày người ta càng lo lắng việc cung cấp dầu trên thế giới đạt đến cực điểm và không bao lâu sẽ giảm xuống, và một sự suy thoái kinh tế toàn cầu có thể phát xuất từ giá dầu cao.

Mona Sahlin, Bộ trưởng phát triển bền vững của Thụy Điển, mô tả việc lệ thuộc vào dầu lửa là một trong những vấn đề thế giới đang phải đương đầu. Bà nói:”Một nước Thụy Điển không sử dụng dầu lửa hóa thạch sẽ mang lại cho chúng tôi rất nhiều thuận lợi, chí ít là giảm bớt ảnh hưởng của việc tăng giá dầu”.

Một quan chức Thụy Điển nói:”Chúng tôi muốn được chuẩn bị về mặt tinh thần lẫn mặt kỹ thuật cho một thế giới không dầu lửa. Kế hoạch của chúng tôi nhằm đáp ứng sự thay đổi khí hậu toàn cầu, giá dầu tăng và những cảnh báo của một số chuyên gia về việc một ngày kia thế giới sẽ cạn kiệt dầu lửa”.

Thụy Điển, nước bị ảnh hưởng nặng nề vì giá dầu lửa trong thập niên 1970, nay sử dụng hầu như tất cả lượng điện từ năng lượng hạt nhân và năng lượng thủy điện, và chỉ sử dụng nhiên liệu hóa thạch chủ yếu cho vận chuyển. Hầu hết các thiết bị sưởi của nước này đã được chuyển đổi trong thập niên qua thành hệ thống phân phối hơi nước hoặc nước nóng phát xuất từ năng lượng địa nhiệt hoặc sức nóng từ việc đốt chất thải.

K.NHẬT (Theo Guardian)

29 triệu USD đầu tư cho tiết kiệm năng lượng

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc năm ngành nghề được lựa chọn tham gia dự án là sản xuất gạch, gốm sứ, dệt, giấy và bột giấy và chế biến thực phẩm. Trong ảnh: Một nhà máy dệt may tại TP.HCM
Ngày 7-2, Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng (Sở KH-CN TP.HCM) cho biết, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) kết hợp với Bộ KH-CN sẽ triển khai dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam".

Dự án này sẽ tiến hành trong vòng 5 năm với tổng kinh phí trên 29 triệu USD.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm ngành nghề chủ yếu được lựa chọn tham gia thực hiện trong khuôn khổ dự án là sản xuất gạch, gốm sứ, dệt, giấy và bột giấy và chế biến thực phẩm.

Dự án gồm 6 chương trình: Hỗ trợ phát triển chính sách và thể chế, Truyền thông và nâng cao nhận thức, Xây dựng năng lực kỹ thuật, Hỗ trợ các tổ chức cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng, Hỗ trợ tài chính và Trình diễn hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự án sẽ sử dụng kết quả của 10 điểm trình diễn trong 4 ngành công nghiệp để áp dụng thí điểm ở 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Theo ông Tước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm đối tượng quan trọng đối với hoạt động tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam vì hiện họ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp, tạo ra 26% số việc làm, đóng góp 25% tổng sản phẩm quốc nội và sẽ tiếp tục góp phần tạo thêm nhiều việc làm trong tương lai.

Vì vậy, các đơn vị thực hiện dự án ước tính thành công của dự án sẽ góp phần tiết kiệm tổng mức năng lượng là 136 nghìn tấn dầu FO và giảm phát thải khí nhà kính tương đương 962 nghìn tấn CO2 trong giai đoạn 2005-2009.

Theo VietNamNet