(VietNamNet) - Cặm cụi ở thủy điện Hòa Bình, lặn lội trong thủy điện Yaly và bây giờ đau đáu cho thủy điện Sơn La. Người ta gọi ông là người "mê thủy điện"…
Hai năm nay, trước và sau ngày khởi công, ngăn sông thủy điện Sơn La, người ta vẫn thấy Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La Vũ Đức Thìn lang thang trên công trường. Với vóc người 1,5m, chiếc mũ bảo hộ luôn gắn trên đầu, ông lui tới như con thoi tất cả các điểm đang thi công và sắp thi công để kiểm tra, để động viên từng người thợ. Từ Hòa Bình tới Yaly | Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La Vũ Đức Thìn. Ảnh: Vinh LT | Tốt nghiệp Khoa xây dựng thủy điện, ĐH Xây dựng cuối năm 1977, chàng thanh niên Vũ Đức Thìn (quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cùng một nhóm bạn ba lô con cóc lên thủy điện Hòa Bình. Ban đầu, anh vào làm tại Đoàn Thiết kế nhà máy thủy điện Hòa Bình cùng chuyên gia Nga. Cuối năm 1978, "nhìn thấy" tiềm năng của kỹ sư trẻ này, ông Thái Phụng Nê (lúc đó là Trưởng ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình) xin ông sang làm ở Ban. Đầu tiên, làm ở phòng Kỹ thuật, sau chuyển về phòng Định mức đơn giá và cuối cùng về làm Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch. Do những đóng góp cho thủy điện Hòa Bình, sau, phòng Kinh tế - Kế hoạch được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III, trong đó, đóng góp của kỹ sư Vũ Đức Thìn không nhỏ. Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in một kỷ niệm tại Hòa Bình với nguyên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc (Khi đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà - đơn vị thi công thủy điện Hòa Bình), Đó là chuyện ông làm rất chặt chẽ về kinh tế, đơn giá, đến nỗi ông Ngô Xuân Lộc phải phát cáu. Cáu như thế nhưng ông vẫn được ông Ngô Xuân Lộc quý và cứ nhìn thấy mặt thì gọi đùa là "thằng giặc lùn"!
Hạn chế về vóc dáng nhưng Vũ Đức Thìn vẫn được nhiều công nhân nữ cảm mến vì tài năng và cách ăn nói có duyên. Năm 1980, chàng kỹ sư trẻ ghi dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời bôn ba của mình là cưới vợ ngay tại công trường thủy điện Hòa Bình. Cô gái làm cùng cơ quan, cùng quê và cùng ông… chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn. Từ đó, đi bất cứ công trình nào, Vũ Đức Thìn cũng mang theo vợ con và mẹ đi theo (bố mất sớm). Nơi nào có gót giày của kỹ sư Vũ Đức Thìn đặt lên, nơi đó ghi dấu niềm hạnh phúc, gian khổ của cả gia đình ông…
Năm 1989, đang làm việc ở thủy điện Hòa Bình, anh được chuyển vào tham gia xây dựng thủy điện Yaly ở Tây Nguyên xa xôi. Lần ấy, mấy buổi chiều liên tiếp, đang giờ làm việc, ông Thái Phụng Nê cứ gọi ông và Trần Quý Hảo (lúc đó là Trưởng phòng Kỹ thuật) lên "uống trà, nói chuyện công việc". Mấy hôm liền như vậy, ông cũng thấy lạ vì ông Nê không hề đả động gì đến công việc. Cứ sau vài tuần trà, ông Nê lại nói về chuyện thủy điện Yaly đang gặp khó khăn, về vùng đất Tây Nguyên nghèo nàn, lạc hậu.v.v. Không ai bảo ai, cả ông và Trần Quý Hảo đều hiểu rằng thủ trưởng đang làm công tác tư tưởng cho mình...
Đúng như dự đoán, một hôm hai anh em lại được ông Thái Phụng Nê mời lên… uống trà và bàn công việc. Lần này, ông Nê trầm hẳn xuống rồi nói thẳng là muốn hai kỹ sư Vũ Đức Thìn và Trần Quý Hảo vào giúp Yaly. Sau này, cả hai người mới biết Trưởng ban của họ đã buồn rầu như thế nào khi nói ra quyết định đó. Cả mấy anh em gắn bó với nhau như ruột thịt. Bỗng nhiên phải chia tay, người ở lại tiếp tục quản lý ở sông Đà, người vào rừng rú Tây Nguyên.
Mấy ngày liền sau đó, không khí gia đình ông chùng xuống mỗi khi nghĩ đến chuyện ra đi. Ai cũng lo lắng. Không thể không lo khi nghĩ đến một nơi vừa xa lạ, heo hút, nhiều gian khổ lại lắm fulrô. Sau mấy đêm không ngủ, rồi ông vẫn quyết vào với Yaly, mặc khó khăn, mặc nguy hiểm… Bây giờ, đã qua thời kỳ đó, ông cười nhớ lại: "Lúc đầu, mình không tưởng tượng được nghĩ nó phải ghê lắm. Nhưng vào rồi mới thấy nó cũng bình thường, nếu quyết tâm của con người là trên hết…". Sau này, khi thủy điện Yaly hoàn thành, anh được thưởng Huân chương lao động hạng III vì những đóng góp của mình.
Từ Yaly đến... Úc
Năm 1991, công trình thủy điện Yaly thiếu vốn, ý đồ của nhà nước là giãn thi công. Kỹ sư Vũ Đức Thìn lại cùng đồng nghiệp tập trung làm một thủy điện nhỏ bên cạnh Yaly, sau này sẽ cấp điện cho công trình xây dựng thủy điện Yaly và các bản làng khi Yaly chưa hoàn thành. Vì khó khăn của Yaly, Công ty Điện lực 3 (Đà Nẵng) - chủ đầu tư của dự án thủy điện Yaly muốn điều động Vũ Đức Thìn ra Đà Nẵng. Kể đến đây, giọng người đàn ông "mê thủy điện" lại chùng xuống. Ông nhớ về những kỷ niệm gắn với một người mà anh rất tôn trọng, xem như người anh trong cuộc sống và công việc. Đó là người cùng ông từ thủy điện Hòa Bình vào, kỹ sư Trần Quý Hảo, quyền Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Yaly. Cho đến tận hôm có quyết định được điều động từ "nơi gian khổ" Yaly ra "nơi sung sướng" Đà Nẵng, Vũ Đức Thìn không hề biết gì về chuyện này.
Hôm ấy, có một ông Chủ tịch công đoàn, một ông cán bộ tổ chức của Công ty Điện Lực 3 Đà Nẵng vào Yaly làm việc với kỹ sư Trần Quý Hảo. Gặp nhau, ông ra chào họ rồi lại làm việc tiếp. Khi họ về rồi, ông Hảo mới cho ông biết: "họ muốn xin anh ra ngoài đó". Ông ngỡ ngàng rồi nói với ông Hảo: "Tôi mà ở đây, tôi giúp được anh rất nhiều. Ra ngoài đó, bản thân tôi sẽ có điều kiện tốt hơn nhưng tôi mà đi thì anh sẽ vất vả". Ông Hảo ngồi im một lúc, rồi nói: "Thôi, trong điều kiện như thế này, đứa nào đi cũng thế, cậu đi, tớ ở lại…". Hai kỹ sư Trần Quý Hảo và Vũ Đức Thìn đã gắn bó với nhau từ thời chân ướt chân ráo lên thủy điện Hòa Bình, cùng những khó khăn ở thủy điện Yaly. Kỹ sư Trần Quý Hảo ở lại tiếp tục gắn bó với Yaly cho tới khi mất vì trọng bệnh.
Trước ngày ông Hảo mất vài tháng, ông Đặng Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực cùng phái viên của Thủ tướng Chính phủ về thủy điện Sơn La Thái Phụng Nê lên Sơn La. Ông Nê bảo: "Nên kéo ông Hảo ra làm việc với Thìn’’. Lúc này, ông Vũ Đức Thìn đã là Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Sơn La. Rất vui, nhưng ông băn khoăn là nên tự mình mời hay là để tổ chức mời. Ông Thái Phụng Nê bảo: "Cậu đừng nói vội, để tổ chức mời cho trang trọng hơn!". Hôm sau, ông và ông Nê về Hà Nội, buổi tối vừa bước chân vào quán ăn cơm thì từ Yaly gọi ra báo tin ông Hảo đang đi cấp cứu ở TP.HCM. Mấy tháng sau kỹ sư Trần Quý Hảo mất vì bị bệnh tiểu đường… "Anh Hảo là một tấm gương trong công việc cho tôi noi theo. Anh là con người gắn bó và vì thủy điện…" - "Tổng quản" thủy điện Sơn La buồn rười rượi lặng nhớ về người bạn đã cùng mình lăn lội suốt chặng đường làm thủy điện…
Làm ở Công ty Điện lực 3 từ năm 1991 đến năm 1996 với cương vị là Trưởng phòng Thuỷ điện rồi PGĐ Công ty, kỹ sư Vũ Đức Thìn lại được điều động ra Hà Nội để thành lập Ban chuẩn bị đầu tư dự án Thủy điện Sơn La. Đặc biệt, gọi là Ban nhưng trong 3 tháng đầu chỉ có mỗi… một mình ông. Ông mua một chiếc máy tính cũ kỹ, thuê phòng khách sạn rồi ngày ngày cặm cụi tìm tài liệu liên quan đến thủy điện, đến Sông Đà… Thấy vốn tiếng Anh của mình còn kém, ông xin Tổng GĐ Hoàng Trung Hải (Bộ trưởng Bộ Công nghiệp bây giờ) đi học một lớp đào tạo tiếng Anh cấp tốc 3 tháng ở Úc. Lại một mình ông, tự liên hệ, tự sang Úc, tự thuê khách sạn, tìm thầy tìm lớp ở xứ sở Kanguru. Kết thúc khóa học, về nước ông lại tiếp tục bỏ tiền ra mua thẻ học tiếng Anh ở các trung tâm buổi tối với… lũ trẻ chỉ bằng tuổi con ông. Cứ hết khóa học này, ông lại chuyển sang khóa khác với trình độ cao hơn. Bây giờ, ông đã có thể tự mình tìm dịch tài liệu về thủy điện và tự tin trong giao tiếp với khách, chuyên gia nước ngoài trên công trường. | Chuẩn bị cho ngày ngăn sông. Ảnh Vinh LT | Ngụp lặn với sông Đà
Để chuẩn bị cho công tác di dân lòng hồ thủy điện Sơn La (khi đó chưa có Ban di dân - Tái định cư), ông cùng cộng sự mò mẫm lên tận Mường Lèo (huyện Sông Mã, Sơn La) để tìm điểm tái định cư. Ông vẫn chưa hết hãi hùng khi nhớ lại việc phải đi bộ gần 30 cây số đường rừng, leo những con dốc dựng đứng để vào Mường Lèo. Đi bộ cả ngày không gặp bản làng để kiếm cái ăn. Ông lạch bạch đi cuối đoàn, vừa đi vừa thở, cuối cùng rồi cũng đến được nơi cần đến. Hôm trở về, ông tìm thuê một con ngựa nhưng dân bản nhìn ông, cười và nói: "Ngựa của tao chỉ chở được 30 cân thôi, nó không chở được mày đâu". Vì không đủ điều kiện về nước sinh hoạt và tưới nên cuối cùng Mường Lèo không được chọn làm nơi tái định cư. Năm 1999, ông chính là người được EVN giao nghiên cứu khảo sát để làm báo cáo trình Quốc hội và Chính phủ xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Ông nhớ lại, để có được ngày khởi công, ngăn sông hôm nay, ông Lê Bá Nhung chủ nhiệm thiết kế và các kỹ sư chuyên ngành đã ngược dòng sông Đà tới biên giới Trung Quốc. Sau đó, bằng đường du lịch, sang Vân Nam (Trung Quốc), đi dọc 200 km ven sông Đà bên Trung Quốc để khảo sát đoạn sông thượng nguồn. Ông Thìn tiết lộ, dãy núi cao, hiểm trở nơi thượng nguồn sông Đà đã giúp đoàn khảo sát có một cái nhìn thực tế về khả năng xây dựng hệ thống thuỷ điện của phía Trung Quốc. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 10, những người bảo vệ phương án xây dựng thủy điện Sơn La đã rất căng thẳng để bảo vệ quan điểm cho phương án bê tông trọng lực đối với công trình này. Bởi trước đó không lâu, một đập bê tông trọng lực ở Thạch Cương (Đài Loan) bị vỡ do động đất. Ngày hôm sau Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư phải báo cáo giải trình bổ sung trước Quốc hội thì tối hôm trước ông Thìn bỏ cả ăn lên mạng tìm tài liệu liên quan đến đập bê tông trọng lực. Lại càng nóng ruột hơn khi trong đầu ông vang vọng ý kiến của các nhà khoa học nói rằng làm thủy điện Sơn La rất khó khăn với phương án đập bê tông trọng lực. Cả đêm hôm đó, ông lần mò trên mạng tìm thông tin về loại đập này nhưng không có. Sáng hôm sau, ông lên cơ quan sớm, gọi thêm một cậu nhân viên nữa, hai người tiếp tục tìm trên mạng. Ông chợt nhớ ra đập ở Đài Loan bị vỡ do động đất nên tìm kiếm thông tin về động đất thì được thông tin chi tiết, có cả ảnh, nguyên nhân vỡ. Ông lập tức in ra và dịch. 8 giờ Quốc hội làm việc thì 7g45 ông đã kịp đưa tài liệu quan trọng này cho Bộ trưởng. Khi báo cáo bổ sung trước Quốc hội, Bộ trưởng Đặng Vũ Chư có nêu nguyên nhân đập bê tông trọng lực ở Đài Loan vỡ do thiết kế không tính toán đến một lớp đất trượt, không phát hiện ra và tính toán khả năng chống động đất cho công trình không đủ. "Trước đó, mình gần như tuyệt vọng rồi. Bởi vì, hầu hết các ý kiến đều phản đối. Thế mà may mắn tìm lại ra được bằng chứng bảo vệ…" - Ông cười sảng khoái. Phía trước!
Trên công trường thủy điện Sơn La, hỏi về "tổng quản" Vũ Đức Thìn, ai cũng có một câu chuyện gì đó kể. Chuyện ông mất ăn mất ngủ trước khởi công, chuyện ông đi khảo sát, chuyện ông ngủ cùng đồng bào để tìm ra khó khăn khi di dân, chuyện 1h sáng ông mới ăn cơm tối và vô vàn chuyện khác…
Ngày 3/12, sau 1 ngày ngăn sông Đà, khởi công nhà máy thủy điện Sơn La, ông cho anh em cùng cơ quan về thăm gia đình hết. Những lo toan, bận rộn cho ngày khởi công, ngăn sông đã qua. Một mình ông ngồi lặng lẽ trong căn phòng làm việc quen thuộc. Đó là khoảng thời gian nhàn rỗi hiếm hoi của ông. Vậy mà ông lại cảm thấy trống trải.
Nhưng rồi ông lại đứng lên: ngày mai phải bắt tay vào việc. Lại đi công trường, lại họp hành, lại đọc tài liệu. Ông bảo, khởi công xong mới thấy lộ ra nhiều cái lo. "Khó khăn đang ở phía trước…!" - Ông nói ngắn gọn rồi lại lên xe ra công trường... |