Những thế kỷ trước đây, vàng từng là cơn sốt của nhân loại. Còn bây giờ, cũng một loại vàng mới đã và đang làm nghiêng ngả cán cân chính trị toàn cầu: dầu mỏ - hay còn gọi là vàng đen. Nhiều nhà nghiên cứu dự báo, trong vòng 20 năm nữa, dầu vẫn tiếp tục bôi trơn cho trục quay chính của cỗ xe lịch sử. Các "đại gia" sẽ không ngừng công du và gõ cửa đàm phán cho vấn đề năng lượng của mình. Chuyên trang Lanhdao.net xin trích dịch bài viết Nền chính trị dầu mỏ của nhà báo Thomas L. Friedman, bình luận viên của tờ The New York Times. Toàn bộ quan điểm trong bài viết này là của tác giả. Những điều tự vấn Tổng thống Iran bác bỏ sự kiện Holocaust (sự kiện Đức Quốc xã tàn sát khoảng 6 triệu người Do Thái và những nhóm chủng tộc, tôn giáo, chính trị khác trong Đại chiến II), ngài Hugo Chavez nặng lời với các nhà lãnh đạo phương Tây, còn ông Putin đang từ chối nhiều cơ hội. Chuyện gì đang xảy ra? Họ hiểu rõ rằng giá dầu và nền tự do không bao giờ cùng hướng về một phía. Đó là Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ, và có lẽ cũng là điều cốt lõi để hiểu ngọn ngành mọi vấn đề trong thời đại của chúng ta. Khi tôi nghe thấy Tổng thống Iran, Mamoud Ahmadinejad, tuyên bố: Holocaust là một câu chuyện hoang đường, tôi không thể không tự hỏi mình: “Liệu ngài Tổng thống Iran có thể xử sự theo cách này hay không nếu giá dầu là 20 đôla/thùng chứ không phải là 60 đôla/thùng như hiện nay?”. Khi tôi nghe nói Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, “nặng lời” với Thủ tướng Anh, và nói với những người ủng hộ mình rằng khu vực tự do thương mại nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ ở Châu Mỹ rồi cũng sẽ “chẳng đi đến đâu”, tôi cũng không thể không tự nói với mình rằng: “Liệu ngài Tổng thống có nói như vậy hay không nếu giá dầu là 20 đôla/thùng chứ không phải là 60 đôla/thùng như hiện nay? Đất nước của ngài cũng đã từng phải dựa vào giới doanh nhân, chứ đâu phải trông chờ vào riêng những giếng dầu”. Trong thời gian qua, khi theo sát những diễn biến tại vùng Vịnh, tôi thấy Bahrain là nhà nước Arập đầu tiên tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng, trong đó phụ nữ có thể bầu cử và đứng ra tranh cử. Đây cũng là nhà nước Arập đầu tiên điều chỉnh toàn bộ luật lao động của mình để người dân dễ kiếm việc hơn và ít phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Người ta cũng cho rằng Bahrain là quốc gia đầu tiên sẽ cạn kiệt nguồn dầu mỏ. Và đó cũng là quốc gia đầu tiên ký hiệp định tự do thương mại với Mỹ. Tôi không thể không tự hỏi mình: “Liệu đó có phải là một sự trùng hợp?”. Và cuối cùng, khi tôi quan sát thế giới Arập, chứng kiến những nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở Libăng đẩy quân đội Syria ra khỏi nước mình, tôi không thể không tự nói với mình rằng: “Liệu đây có phải là điều ngẫu nhiên không khi mà nền dân chủ thật sự đầu tiên của thế giới Arập chỉ có được ở nơi không có một giọt dầu nào?”. Đi tìm câu trả lời Càng ngẫm nghĩ những câu hỏi này, dường như tôi càng thấy rõ một điều: chắc chắn có mối liên hệ nào đó - một mối liên hệ theo nghĩa đen mà người ta có thể đo, vẽ được - giữa giá dầu với mức độ ổn định, tự do chính trị và các cuộc cải cách kinh tế ở một số quốc gia. Cách đây vài tháng, tôi đã đến gặp các biên tập viên của tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) và đề nghị xem liệu họ có thể biểu hiện được mối liên hệ đó bằng biểu đồ hay không. Trên một trục, chúng tôi sẽ vẽ giá dầu trung bình của thế giới, trục còn lại chúng tôi sẽ thể hiện mức độ tăng lên hay giảm xuống của tự do - về cả khía cạnh kinh tế lẫn chính trị - theo một cách chính xác giống như các tổ chức nghiên cứu có thể làm được. Chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên những cuộc bầu cử có màu sắc tự do dân chủ đã được tổ chức, các tờ báo đang hoạt động hoặc đã đóng cửa, những cuộc bắt bớ tuỳ tiện, số lượng các nhà cải cách được bầu vào quốc hội, các kế hoạch cải cách kinh tế đang thực hiện hoặc đã chấm dứt, các công ty được tư nhân hoá hoặc quốc hữu hoá, v.v… Và tôi là người đầu tiên nhận thấy rằng: đây không phải là một thí nghiệm khoa học, bởi lẽ sự phát triển và sụp đổ của nền tự do chính trị và kinh tế trong một xã hội hoàn toàn không thể đoán định trước hay đổi chỗ cho nhau. Bởi lẽ tôi không có ý định tìm kiếm một chức vụ ở đâu đó mà chỉ đang cố chứng minh một linh cảm và khơi nguồn cho một cuộc thảo luận về mối tương quan thực tế giữa giá dầu và mức độ tự do. Bởi lẽ, dầu thô tăng giá là yếu tố chủ chốt định hình và dẫn dắt quan hệ chính trị toàn cầu. Biểu đồ đuợc thể hiện dưới đây chắc chắn sẽ gợi mở cho các bạn về mối tương quan chặt chẽ giữa giá dầu và mức độ tự do - chặt chẽ đến độ tôi đã phải nhấn mạnh cuộc thảo luận này bằng cách đưa ra khái niệm về Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ. Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ thừa nhận điều sau: ở các quốc gia có nhiều dầu mỏ, giá dầu và mức độ tự do luôn tỉ lệ nghịch với nhau. Theo Quy luật này, giá dầu thô trung bình của thế giới càng tăng cao thì sự tự do ngôn luận, tự do báo chí, các cuộc bầu cử tự do và công bằng, hệ thống quan chức tư pháp độc lập, các nguyên tắc của luật pháp và các đảng phái chính trị độc lập sẽ càng bị xói mòn. Những khuynh hướng tiêu cực này còn được gia cố bởi một thực tế là khi giá dầu càng tăng cao, các nhà lãnh đạo của những quốc gia giầu dầu mỏ ngày càng kém nhạy cảm hơn với những gì mà thế giới nghĩ hay nói về họ. Ngược lại, theo Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ, khi giá dầu ngày càng thấp thì các quốc gia dầu mỏ sẽ phải xây dựng một hệ thống chính trị - xã hội nhạy cảm hơn với những quan điểm chống đối; đồng thời tập trung hơn vào việc xây dựng một cấu trúc luật pháp và một hệ thống giáo dục phát huy tối đa khả năng của người dân, bao gồm cả nam giới và nữ giới; và để tăng sức cạnh tranh, các quốc gia này còn phải kích hoạt các công ty mới và thu hút đầu tư từ nước ngoài. Khi giá dầu càng giảm, lãnh đạo các quốc gia dầu mỏ sẽ càng phải quan tâm và lắng nghe hơn những gì mà người ngoài nói về họ. Một vài khái niệm Theo tôi, nhà nước dầu mỏ là nhà nước vừa phụ thuộc vào sản lượng dầu mỏ khai thác - thứ vốn chiếm phần lớn lượng hàng hoá xuất khẩu và giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - vừa chịu sự điều hành của một thể chế nhà nước yếu kém hoặc của một chính phủ độc đoán với bàn tay sắt. Điển hình các nhà nước dầu mỏ là: Azerbaijan, Angola, Chad, Ai Cập, Equatorial Guinea, Iran, Kazakhstan, Nigeria, Nga, Arập Xêut, Sudan, Uzbekistan và Venezuela. (Các nước có trữ lượng dầu thô lớn nhưng tồn tại một nhà nước vững chắc cộng với một thể chế dân chủ vững vàng và đã có một nền kinh tế đa dạng trước khi trữ lượng dầu được phát hiện - như Anh, Na Uy, Mỹ - không phải là đối tượng của Quy luật này). Trong một khoảng thời gian dài, các nhà kinh tế học đã chỉ ra ở mức độ khái quát về những tác động chính trị và kinh tế tiêu cực mà nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào có thể gây ra cho một đất nước. Hiện tượng này được gọi là “Hội chứng Hà Lan” hay “Thảm hoạ tài nguyên”. "Hội chứng Hà Lan" là hiện tượng nhằm ám chỉ một quá trình suy thoái công nghiệp do chịu hậu quả từ việc đột nhiên tiếp nhận một khối lượng lớn tài nguyên thiên nhiên. Thuật ngữ "Hội chứng Hà Lan" bắt đầu được nhắc đến vào những năm 1960, sau khi quốc gia này phát hiện ra một khối lượng lớn khí tự nhiên. Hậu quả ở những nước có "Hội chứng Hà Lan" là sự gia tăng giá trị đồng tiền, do có một lượng tiền lớn đến từ dầu mỏ, vàng, khí đốt, kim cương và một số tài nguyên thiên nhiên khác. Điều này khiến cho ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá để xuất khẩu mất đi tính cạnh tranh, còn hàng hoá nhập khẩu lại trở nên rất rẻ. Người dân rủng rỉnh túi tiền bắt đầu mặc sức mua sắm, ngành công nghiệp nội địa bị xoá sổ, đất nước rơi vào thời kỳ suy thoái công nghiệp. Còn “Thảm họa tài nguyên” dùng để chỉ một hiện tượng kinh tế tương tự, nói rộng hơn là chỉ sự phụ thuộc của một đất nước vào tài nguyên thiên nhiên, làm chệch hướng những ưu tiên về chính trị, đầu tư và giáo dục của đất nước đó đến độ mọi thứ đều xoay quanh người kiểm soát dầu mỏ và những người được hưởng lợi từ nó. Ngoài những lý thuyết tổng quan này, một số nhà khoa học chính trị còn chỉ ra rằng trữ lượng dầu mỏ lớn có thể đảo ngược hoặc làm suy yếu các xu hướng dân chủ hoá. Một trong những bài phân tích sắc sảo nhất mà tôi có dịp đọc qua là công trình của nhà khoa học chính trị UCLA Michael L.Ross.
Phân tích số liệu thống kê của 113 quốc gia từ năm 1971 đến 1997, Ross kết luận "rằng sự phụ thuộc của một nhà nước vào xuất khẩu dầu mỏ hay khai thác các nguồn khoáng sản khác sẽ khiến nhà nước đó trở nên ít dân chủ đi; rằng các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu khác không thể tạo ra loại ảnh huởng này; rằng hiện tượng này không chỉ giới hạn trong khu vực bán đảo Arập, Trung Đông hay Châu Phi tiểu vùng Sahara; và rằng đó không chỉ là hiện tượng xảy ra ở những quốc gia nhỏ”. Đặc biệt, tôi cảm thấy bản danh sách mà Ross phân tích về những cơ chế, thông qua đó cho thấy sự dồi dào của dầu mỏ có thể tác động đến nền dân chủ, thực sự rất có ích. Đầu tiên, ông cho rằng có một “hiệu ứng thuế”. Chính phủ các quốc gia nhiều dầu mỏ luôn có khuynh hướng dùng khoản lợi nhuận kiếm được từ dầu mỏ để xoa dịu những áp lực xã hội đòi hỏi nhà cầm quyền phải có trách nhiệm hơn hoặc mang tính đại diện hơn. Tôi thích cách đặt vấn đề kiểu này: trong cuộc cách mạng Mỹ có khẩu hiệu “nếu không có đại diện sẽ không có thuế”, còn khẩu hiệu của các chính phủ chuyên quyền dầu mỏ lại là “đại diện không, thuế không”. Những chính phủ dầu mỏ không phải sống bằng tiền thu thuế của người dân vì lẽ đơn giản, họ chỉ cần khai thác dầu lên để bán nên họ cũng không cần lắng nghe dân chúng nói gì và cũng không cần người đại diện cho quyền lợi của họ. Còn cơ chế thứ hai mà dầu mỏ được dùng như một công cụ làm suy yếu quá trình dân chủ hóa là “hiệu ứng tiêu tiền”. Sự trù phú về dầu mỏ làm gia tăng những khoản tiền hỗ trợ. Những khoản tiền này làm giảm đi các áp lực lên quá trình dân chủ hoá. Cơ chế thứ ba mà Ross nói đến là “hiệu ứng của việc hình thành các nhóm chính trị”. Khi lợi tức từ dầu mỏ mang lại cho nhà nước chuyên quyền một khoản tiền khổng lồ thì chính phủ sẽ sử dụng nguồn của cải này để ngăn chặn việc thành lập các nhóm xã hội có khuynh hướng độc lập - chính xác là các nhóm có khuynh hướng đấu tranh đòi quyền chính trị. Ngoài ra, ông cho rằng, sự thừa thãi tiền bạc có được từ lợi tức dầu mỏ có thể tạo ra “hiệu ứng trấn áp”, nghĩa là chính phủ có thể chi một khoản khổng lồ cho lực lượng cảnh sát, an ninh nội địa và các lực lượng tình báo để chặn đứng các phong trào dân chủ. Cuối cùng, Ross nói đến “hiệu ứng hiện đại hoá”. Một lượng lớn của cải có được từ dầu mỏ có thể làm giảm bớt những áp lực xã hội trong các vấn đề như chuyên môn hoá nghề nghiệp, đô thị hoá và bảo đảm trình độ giáo dục cao - những xu hướng này thường đồng hành với sự phát triển kinh tế trên diện rộng và sẽ làm sản sinh ra một thế hệ công dân có khả năng tổ chức, thương thảo và giao tiếp, đồng thời tự xây dựng các trung tâm kinh tế của đất nước. Như vậy, điều tôi muốn nói khi thừa nhận Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ không chỉ là ở chỗ: sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ có thể trở thành một thảm họa, mà sự phụ thuộc quá mức ấy, thực tế, có thể tạo ra một sợi dây ràng buộc giữa sự lên xuống của giá dầu với sự thăng trầm trong mức độ tự do của các quốc gia dầu mỏ. Mối liên hệ đã rất rõ ràng. Như biểu đồ trên đã minh hoạ, mức độ tự do trên thực tế giảm xuống khi giá dầu có dấu hiệu đi lên. Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ được xây dựng trên những tranh luận đó, nhưng phải tiến thêm một bước nào đó mới có thể làm rõ hơn mối tương quan giữa dầu mỏ và chính trị? Mời quý độc giả theo dõi tiếp trong các phần sau: Phần II: Trục chính trị mới? Phần III: Địa chất thao túng tư tưởng Từ ngày 11/9/2001, giá dầu đã tăng dần từ mức 20-40 đôla lên mức 40-60 đôla/thùng. Nguyên nhân của sự gia tăng này một phần liên quan đến sự bất ổn và bạo lực liên tiếp xảy ra tại các thị trường xuất khẩu dầu lớn của thế giới như Iraq, Nigeria, Indonesia và Sudan.
Nhưng đáng chú ý hơn có lẽ vẫn là kết quả của sự việc mà tôi gọi là “sự bằng phẳng” của thế giới cùng với sự tấn công ồ ạt vào thị trường 3 tỉ người tiêu dùng của những người đang mong muốn có nhà cửa, ôtô, lò vi sóng và tủ lạnh tại các nước như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết trước đây. Họ cần một nguồn năng lượng khổng lồ. Do vậy, nhu cầu này đã và sẽ trở thành một áp lực mạnh mẽ đối với giá dầu. Nếu phương Tây không có những nỗ lực mạnh mẽ để bảo tồn năng lượng hoặc tìm ra nguồn năng lượng mới thì trong một tương lai không xa, giá dầu vẫn sẽ đứng ở mức 40-60 đôla, thậm chí còn cao hơn. Với thể chế chính trị yếu kém, hay nói cách khác là do còn duy trì chính phủ độc tài, thực tế trên cũng đồng nghĩa với chuyện toàn bộ nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ có thể sẽ phải trải qua một giai đoạn mà ở đó quyền tự do ngày càng xói mòn, trong khi nạn tham nhũng và những hành vi chuyên quyền, chống dân chủ ngày càng gia tăng. Lãnh đạo ở những quốc gia này luôn muốn có trong tay một khoản tiền lớn để có thể xây dựng lực lượng an ninh, hối lộ những kẻ chống đối, giành được sự ủng hộ từ các cử tri và không tuân theo những quy chuẩn, quy ước quốc tế. Chỉ cần lượm một tờ báo phát hành vào bất kỳ ngày nào trong tuần, chúng ta cũng có thể nhận thấy dấu hiệu của xu hướng này. Trở lại những câu chuyện Trên tạp chí Wall Street tháng 2/2005 có đăng một bài báo nói về chuyện các giáo sĩ đạo Hồi ở Tehran - những người trở nên giàu có nhờ giá dầu liên tục tăng cao - đang quay lưng lại trước những nhà đầu tư nước ngoài thay vì trải thảm đón chào họ.
Cụ thể là, nhà khai thác điện thoại di động Thổ Nhĩ Kỳ Turkcell đã ký một hợp đồng với Tehran để xây dựng mạng lưới điện thoại di động do tư nhân làm chủ đầu tiên tại nước này. Nội dung bản hợp đồng rất hấp dẫn: hãng Turkcell đồng ý trả cho Iran 300 triệu USD để có được giấy phép, đồng thời họ sẽ đầu tư 2,25 tỷ USD và tạo ra 20.000 cơ hội việc làm cho người dân Iran. Nhưng các giáo sĩ trong Quốc hội Iran lại đóng băng bản hợp đồng này, với lý do là hợp đồng đó có thể giúp các nhà đầu tư nước ngoài do thám Iran. Ali Ansari, một chuyên gia về Iran tại trường Đại học trên phố Andrew của Scotland phát biểu rằng: cho đến nay, các nhà phân tích Iran đã ủng hộ cải cách kinh tế được 10 năm, nhưng “trên thực tế, viễn cảnh còn mờ mịt hơn”. “Tất cả số tiền mà họ có được đều nhờ vào giá dầu liên tục ở mức cao, họ không cần phải làm bất kỳ điều gì để cải thiện nền kinh tế”, Ansari nhận xét. Một bài báo khác về Iran đăng trong tạp chí The Economist ngày 11/2/2006 cũng nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc sẽ thuận lợi khi dạ dày căng đầy và ông Ahmadinejad là Tổng thổng may mắn hiếm thấy khi mong nhận được một ngân khố từ xuất khẩu dầu mỏ trị giá khoảng 36 tỷ USD để giúp ông mua được sự trung thành. Trong bản dự thảo ngân sách đầu tiên, chính phủ đã cam kết sẽ xây dựng 300.000 căn hộ, 2/3 số này nằm ngoài các thị trấn lớn và chính phủ cũng hứa sẽ duy trì mức trợ giá năng lượng, hiện chiếm tới 10% GDP". Một sự kiện khác tại Nigeria. Đến nay, đất nước này vẫn duy trì chế độ tối đa 2 nhiệm kỳ cho các tổng thống, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm. Năm 1999, Olusegun Obasanjo nhậm chức Tổng thống và sau đó tái đắc cử trong cuộc bầu cử toàn dân năm 2003. Khi tiếp quản quyền lực từ các vị tướng năm 1999, Obasanjio tiến hành điều tra nhiều vụ vi phạm nhân quyền trong quân đội Nigeria, phóng thích tù nhân chính trị, thậm chí còn quyết tâm nhổ tận gốc nạn tham nhũng. Vào thời điểm đó, giá dầu dao động ở mức 25 USD/thùng. Nhưng giờ đây, khi giá dầu đã lên đến mức 60 USD, Obasanjo đang cố gắng thuyết phục Quốc hội Nigeria điều chỉnh Hiến pháp để cho phép ông đảm trách cương vị Tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ ba. Wunmi Bewaji, lãnh đạo thuộc đảng đối lập trong Hạ viện Nigeria cho hay: có nhiều khoản hối lộ trị giá 1 triệu USD được biếu tặng các nhà lập pháp để họ đồng ý kéo dài thêm nhiệm kỳ cho Tổng thống Obasanjio. “Thứ người ta đang chào hàng hiện nay là một khoản tiền trị giá 1 triệu USD cho mỗi lá phiếu ủng hộ Tổng thống Obasanjio mở rộng nhiệm kỳ”, ông Bewaji trả lời hãng VOA ngày 11/3/2006. “Một quan chức cao cấp trong Hạ viện và một quan chức cao cấp trong Thượng viện đang đứng ra dàn xếp vụ này”. Clement Nwankwo, một trong những nhà vận động nhân quyền hàng đầu tại Nigeria đã nói rằng, kể từ khi giá dầu bắt đầu leo thang thì “quyền tự do của công dân lâm vào tình trạng suy giảm trầm trọng: người dân bị bắt bớ tuỳ tiện, các phần tử chính trị bị giết hại, nền dân chủ lụn bại.”
Theo ông Nwankwo, dầu chiếm tới 90% hàng xuất khẩu của Nigeria nên có thể hiểu được phần nào tại sao trong thời gian gần đây, số vụ bắt cóc công nhân dầu mỏ nước ngoài lại gia tăng đột ngột tại khu vực châu thổ Niger trú phú của nước này. Nhiều người Nigeria đinh ninh rằng những công nhân này đang đánh cắp dầu mỏ vì lợi nhuận mà họ nhận được từ dầu ngày càng nhỏ giọt. Dầu mỏ: Nếu có...? Và nếu không...? Ngày nay, không chỉ mọi hoạt động chính trị đều xoay quanh nhân vật kiểm soát chiếc chìa khoá dầu mà ngay cả chính công chúng cũng đang ngày càng quan niệm lệch lạc về vấn đề này. Đây là tình trạng thường thấy ở các nước xuất khẩu dầu mỏ. Nếu dân chúng sống trong cảnh nghèo nàn mà giới lãnh đạo lại giàu có thì lý do không phải vì đất nước ấy đã thất bại trong việc đẩy mạnh giáo dục, tiến hành đổi mới, cải tổ luật pháp và thúc đẩy thương mại. Lý do là vì ai đó đã đánh cắp nguồn lợi nhuận từ dầu mỏ mà công chúng không được hưởng lợi gì. Mọi người bắt đầu cho rằng để có thể giàu có thì tất cả những gì họ phải làm là ngăn chặn những kẻ đang ăn trộm dầu mỏ của đất nước mình chứ không phải là xây dựng một xã hội quan tâm đến việc đẩy mạnh giáo dục, cải tổ và thúc đẩy thương mại. “Nếu Nigeria không có dầu mỏ thì toàn cảnh chính trị của nước này hẳn sẽ khác”, Nwankwo nhận xét. “Khi đó, thu nhập không đến từ dầu mỏ, nền kinh tế sẽ trở nên đa dạng hơn, các doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng hơn và con người cũng sẽ phải sáng tạo hơn”. Thực vậy, ở những quốc gia như thế, mối quan hệ giữa giá dầu và mức độ tự do chặt chẽ tới mức nếu giá dầu tăng đột biến có thể sẽ khiến cho phương hướng lãnh đạo chệch khỏi đường lối cải cách kinh tế và chính trị. Như trường hợp của Bahrain, khi nước này nhận ra nguồn dầu của mình đã cạn kiệt thì ngay lập tức, Bahrain đã phải khích lệ cải cách và trở thành một trường hợp đáng để nghiên cứu, cho dù nước này vẫn chưa thể cưỡng lại sự cám dỗ khi giá dầu ngày càng leo thang. “Chúng tôi đang hưởng một giai đoạn tuyệt vời nhờ giá dầu tăng cao. Điều này có thể khiến các quan chức tự mãn”, Jasim Husain Ali, chủ nhiệm khoa nghiên cứu kinh tế thuộc trường đại học Bahrain nhận xét. “Xu hướng này thật nguy hiểm, vì dầu không thể đem lại thu nhập ổn định và bền vững. Dầu mỏ của Bahrain có thể đủ đáp ứng cho vùng Vịnh nhưng không thể đáp ứng được các đòi hỏi quốc tế. Nên không phải ngẫu nhiên khi một nhà báo trẻ người Iran từng bình luận khi chúng tôi tản bộ ở Tehran rằng: “Nếu nước tôi không có dầu mỏ, nước tôi đã giống như Nhật Bản rồi”. Nền chính trị dầu mỏ - Phần III: Địa chất thao túng tư tưởng | 18:11' 29/06/2006 (GMT+7) | | Trong rất nhiều bài báo của mình, Thomas Friedman luôn đề cập đến mối tương quan giữa giá dầu và mức độ dân chủ ở những quốc gia nằm ngoài sự ảnh hưởng của Mỹ. Nhiều quan điểm của ông bị đẩy đến mức cực đoan, đặc biệt khi ông đưa ra những chính sách mới nhằm tăng thêm quyền lực cho Mỹ. Các khái niệm về Thế giới phẳng*, GEO-Green**... được nhắc đi nhắc lại khiến cho nhiều người bắt đầu hoài nghi: liệu Friedman có còn giữ được bình tĩnh và khách quan hay không khi đánh giá cả một "đại dương" chính trị thế giới chỉ từ "một giọt nước" là dầu mỏ? Chuyên trang Lãnh đạo trong kỷ nguyên mới xin trích dịch phần cuối của góc nhìn này. "... Với tất cả sự kính trọng dành cho Ronald Reagan, tôi không tin rằng ông ấy là người đã làm lụi bại Liên bang Xô Viết. Rõ ràng, trên thực tế còn có nhiều yếu tố khác, nhưng giá dầu toàn cầu sụt giảm vào khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX là yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. (Khi Liên bang Xô Viết chính thức tan rã vào ngày Giáng sinh năm 1991, giá một thùng dầu dao động ở mức 17 USD). Ngoài ra, giá dầu thấp chắc chắn đã giúp cho chính quyền hậu cộng sản dưới thời Boris Yeltsin quan tâm hơn đến luật pháp, cởi mở hơn với thế giới bên ngoài và nhanh nhạy hơn trước những hệ thống chính sách mà các nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi. Sau đó, Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền. Hãy cân nhắc sự khác biệt ở Putin khi giá dầu còn ở mức 20-40 USD/thùng với thời điểm hiện tại, khi giá dầu biến động từ khoảng 40-60 USD/thùng. Khi giá dầu chỉ 20-40 USD/thùng, chúng ta gọi giai đoạn này là “Putin I”. Năm 2001, sau hội nghị đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga, Bush cho rằng mình đã nhìn vào “tâm hồn” của Putin và thấy đây là một người đàn ông có thể tin tưởng được. Nhưng nếu giờ này, Bush nhìn vào “tâm hồn” của Putin - Putin II - khi giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì có lẽ màu sắc ấy đã khác. Bush nhận thấy rằng Putin đã sử dụng vận may bất ngờ mà vàng đen đem lại để thâu tóm (quốc hữu hoá) công ty dầu mỏ khổng lồ Gazprom, nhiều đài truyền hình và các hãng báo chí, tất cả các cơ sở kinh doanh và các viện đã từng hoạt động độc lập. Khi giá dầu thấp nhất ở đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ngay cả các quốc gia nhiều dầu mỏ trong khu vực Arập như Cô oét, Arập Xêut và Ai Cập ít nhất cũng đã đề cập đến cải cách kinh tế, cho dù nó mới chỉ chập chững. Nhưng lúc giá dầu bắt đầu leo thang, toàn bộ tiến trình cải cách lâm vào tình trạng trì trệ, đặc biệt trên phương diện chính trị. Khi các nước xuất khẩu dầu mỏ ngày càng giàu có nhờ nguồn lợi mà vàng đen đem lại thì có thể dầu mỏ đã bắt đầu bóp méo trật tự quốc tế, và trở thành đặc điểm chính của thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Khi bức tường Berlin sụp đổ, ngày càng có nhiều người tin rằng xu hướng mở cửa thị trường và dân chủ hoá, vốn được cho là không thể ngăn chặn nổi, sẽ trở thành hiện thực. Các cuộc bầu cử dân chủ diễn ra ngày càng nhiều trên khắp thế giới. Và rồi, xu hướng ấy lại trở thành làn sóng bất ngờ chống lại chính quyền các nước xuất khẩu dầu, biến giá dầu có thể lên đến mức 60 USD. Đột nhiên, chế độ tại các quốc gia như Iran, Nigeria, Nga và Venezuela trượt ra khỏi cái từng được gọi là quá trình dân chủ hoá mạnh mẽ cùng với sự hiện diện của những nhà lãnh đạo chuyên quyền đang tận dụng dịp may bất ngờ mà dầu mỏ đem lại để thâu tóm quyền lực, mua chuộc hết những phần tử đối lập và những người ủng hộ mình, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của nhà nước đối với khu vực tư nhân, mặc dù trước đó có nhiều người nghĩ rằng chuyện này đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Mặc dù chủ nghĩa chuyên quyền tại các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không phải là hiện thân cho mối đe doạ về mặt tư tưởng và chiến lược như chủ nghĩa cộng sản tạo ra đối với phương Tây, nhưng ảnh hưởng của trào lưu này có thể làm xói mòn sự ổn định của thế giới. Không chỉ một vài chính phủ có thêm tiền trong một khoảng thời gian dài chưa từng thấy để thực hiện những việc chỉ của riêng mình, mà ngay cả các nền dân chủ khác như Nhật Bản, Ấn Độ cũng buộc phải khúm núm hay nhắm mắt bỏ qua trước hành vi của chính phủ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Iran hay Sudan, bởi lẽ các nền dân chủ này phụ thuộc nặng nề vào nguồn dầu mỏ của các quốc gia trên. Điều này không hề có lợi cho sự ổn định chính trị toàn cầu. Hãy cho phép tôi nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, mối tương quan được trình bày qua đồ thị trên chưa hoàn toàn chính xác, và chắc chắn bạn đọc sẽ là người chỉ ra những điểm hạn chế, nhưng tôi thực sự tin rằng đồ thị đó minh hoạ cho một xu hướng chung mà chúng ta có thể nhận thấy trong các chùm tin hàng ngày: giá dầu tăng rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ tự do ở nhiều quốc gia. Và khi số quốc gia này tăng lên, điều ấy có nghĩa là nền chính trị thế giới bắt đầu bị đầu độc. Mặc dù chúng ta không thể tác động đến nguồn cung dầu ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng ta vẫn có thể tác động đến giá dầu thế giới bằng việc thay đổi số lượng và loại năng lượng mà chúng ta đang tiêu thụ. Khi tôi nói “chúng ta” thì có nghĩa là tôi đang đề cập đến nước Mỹ, quốc gia tiêu thụ tới 25% năng lượng của thế giới, và người dân ở các quốc gia nhập khẩu dầu nói chung. Nghiên cứu về những giải pháp thay thế cho các dạng năng lượng mà chúng ta đang tiêu thụ nhằm hạ thấp giá dầu không còn là sở thích riêng của các nhà môi trường tâm huyết hay bất kỳ cá nhân nào. Giờ đây, nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu của nền an ninh quốc gia. Vậy nên bất kỳ chiến lược thúc đẩy dân chủ nào của Mỹ nếu không tính đến chiến lược tìm kiếm những giải pháp thay thế năng lượng nhằm kéo lùi giá dầu mỏ thì chiến lược đó sẽ hoàn toàn vô nghĩa và sớm muộn phải nếm mùi thất bại. Ngày nay, dù bạn ở giai đoạn nào của chính sách ngoại giao, bạn cũng phải suy nghĩ như một người theo thuyết GEO-Green. Bạn sẽ không phải là người có óc thực tế trước chính sách ngoại giao hiện đại, cũng không phải là người có óc thực tế trước trào lưu đẩy mạnh dân chủ nếu như bạn không phải là một chuyên gia môi trường và quan tâm đến lĩnh vực năng lượng".
Thomas L. Friedman Nguồn: Petropolitics Tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại), Mỹ, Tháng 5-6/2006. An Duyên - Phùng Thảo - Hà Anh (dịch và biên tập) ------------------------------------------ Thomas L. Friedman là người phụ trách chuyên mục Đối ngoại của tờ The New York Times, từng đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer và là tác giả của một số cuốn sách như: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ôliu. * Thế giới phẳng: Friedman cho rằng trong làn sóng toàn cầu hoá ngày nay, cơ hội phát triển của mỗi quốc gia, mỗi công ty, mỗi cá nhân… là như nhau. Sân chơi toàn cầu được san phẳng, trong đó nhân tố then chốt chính là công nghệ thông tin, các phần mềm, các ứng dụng mới. Tất cả sẽ biến nhân loại thành láng giềng sát vách. ** GEO-Green: Thuật ngữ do Friedman khởi xướng, là sự tích hợp giữa thuyết địa chính trị (Geopolitics) với thuyết môi trường và năng lượng. Theo đó, một quốc gia, đặc biệt là Mỹ, nếu không muốn lệ thuộc vào các chính phủ khác thì phải có một chiến lược cải cách nhằm hạ giá dầu bằng cách bảo vệ mỏ dầu, phát triển những nguồn năng lượng mới, thậm chí là mở rộng nguồn năng lượng nguyên tử. |
Thomas L. Friedman* Nguồn: Petropolitics Tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại), Mỹ, Tháng 5-6/2006. An Duyên - Phùng Thảo - Hà Anh (dịch và biên tập) ------------------------------------------ * Thomas L. Friedman là người phụ trách chuyên mục Đối ngoại của tờ The New York Times, từng đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer và là tác giả của một số cuốn sách như: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ôliu. |