Buôn lậu xăng dầu vẫn tiếp diễn
|
Đi mua gom xăng dầu tại thị trấn Xuân Tô, Tịnh Biên, An Giang... - Ảnh: Đ.VỊNH |
TT - Hiện nay tại một số cửa hàng ở huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) thường có dân Campuchia, dân địa phương mua xăng dầu số lượng lớn rồi vận chuyển bằng tắc ráng vượt băng đồng nước đổ qua Thum Đưng (Kirivong, Ta Keo, Campuchia).
Mỗi can xăng 30 lít bán cho dân buôn lậu qua mua tại chỗ giá 350.000 đồng, còn giao tại bên kia biên giới tới 400.000 đồng. Tại Đồng Tháp, hằng ngày vẫn có khá nhiều lượt phương tiện chở xăng dầu số lượng lớn ngược sông Sở Thượng, ngược các ngả kênh đổ lên Piem Cho, Preyveng.
Dọc biên giới Tây Nam vào mùa lũ hai bên liền một biển nước nên các phương tiện vận chuyển xăng dầu có thể... vượt biên bằng nhiều ngả.
ĐỨC VỊNH
Ô nhiễm ánh sáng đô thị: Cảnh báo từ Đà Nẵng
|
Với những con đường Đà Nẵng, tiêu chí tiết giảm nguồn điện dư thừa, tổ chức luồng sáng công cộng có định hướng là rất cần thiết |
Cách đây 7 năm, khi các kỹ sư Công ty Điện chiếu sáng (cũ) đặt ra vấn đề tiết kiệm điện năng trên đường phố Đà Nẵng, nhiều người cho rằng không cần thiết.
Lý do là người ta “muốn” Thành phố nhiều ánh sáng hơn vào đêm, rực rỡ với ánh đèn. Không ai nghĩ rằng quan niệm này đã nảy sinh một nguy cơ cho đô thị Đà Nẵng: ô nhiễm ánh sáng.
Với những con đường Đà Nẵng, tiêu chí tiết giảm nguồn điện dư thừa, tổ chức luồng sáng công cộng có định hướng là rất cần thiết. Ngay khi vừa tiếp xúc để cung cấp các sản phẩm chiếu sáng cho đô thị Đà Nẵng gần 4 năm trước, những chuyên gia tư vấn của Tập đoàn Schréder (Bỉ) đã đưa ra cảnh báo “ô nhiễm ánh sáng” cho đô thị trẻ này.
Và mới đây, tại hội thảo chuyên đề về chiếu sáng đô thị, Schréder lại tiếp tục bày tỏ nỗi lo của mình về hiện trạng Đà Nẵng mất cân đối ánh sáng và khả năng ô nhiễm ánh sáng cục bộ. Theo diện tích bình quân và mật độ xây dựng hiện có, Đà Nẵng đang đối diện hiện trạng mất cân đối phân bổ nguồn sáng ban đêm, nơi quá thiếu ánh sáng và nơi quá dư thừa. Cộng hưởng cả 2 điểm này, là nạn ô nhiễm ánh sáng gia tăng.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, khi di chuyển trên đường phố Đà Nẵng về đêm, hầu hết người tham gia giao thông đều gặp phải 2 trở ngại. Thứ nhất là bị chói mắt do phương tiện ngược chiều rọi vào mặt mà nguồn sáng xung quanh không xóa được, chủ yếu vì đèn chiếu sáng công cộng không đủ mạnh. Thứ hai là bị lẫn tầm nhìn do nguồn sáng cấp không đủ, không đều giữa các luồng chiếu sáng khác nhau: đèn của các tòa nhà, đèn đường, đèn xe... Cả 2 đều gây ra hiện tượng “quáng gà” cho người tham gia giao thông, khiến tai nạn dễ xảy ra. Đó là chưa kể đến nạn lãng phí điện năng và lạm dụng ánh sáng nhân tạo làm ô nhiễm không gian.
Cũng như nhiều đô thị lớn khác, mấy năm qua, Đà Nẵng đã sử dụng các loại đèn chiếu sáng cường độ mạnh, thiếu tập trung, nhất là đèn chiếu sáng công cộng có mức độ quang học phát tán lớn. Dễ thấy hơn cả là các loại đèn trang trí, quảng cáo hiện vừa manh mún cục bộ, vừa dùng nhiều loại đèn chiếu hắt lên trời, kể cả đèn pha dùng trong chiếu sáng thể thao.
Các tòa nhà cao tầng, nhà ở liền kề mặt phố cũng sử dụng rất nhiều nguồn sáng thiếu chủ đề, phát sáng ngoài phạm vi cần thiết, sử dụng quá nhiều bóng điện ở một phạm vi nhỏ... Các loại đèn hình ống với độ phát quang thiếu tập trung vẫn được sử dụng nhiều. Tất cả đã cộng hưởng, tạo một quầng sáng mạnh trên bầu trời Đà Nẵng hằng đêm, làm ô nhiễm không gian và tầm nhìn thành phố - hiện tượng mà các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Bảo vệ bầu trời đêm thế giới (IDA) kịch liệt phê phán.
Theo những nhà khoa học này, một bầu trời đêm nhìn trong sáng, thấy rõ các vì sao và ánh trăng, không bị các nguồn sáng nhân tạo cản trở, mới là bầu trời và không gian an toàn. “Nếu mỗi người dân đô thị không để ý mình có thấy mặt trăng trên đầu hay không, không thấy rõ bầu trời đầy sao khi đi trên các con đường lớn, chúng ta phải nghĩ đến những nguy hại của nạn ô nhiễm ánh sáng”, một chuyên gia chiếu sáng cảnh báo như vậy.
Ông Nguyễn Đắc Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Niên (Đà Nẵng), một đơn vị chuyên thiết kế chiếu sáng đô thị cho biết, trong các dự án thiết kế chiếu sáng công cộng, tiêu chí chiếu sáng hợp lý, tiết kiệm và không gây ô nhiễm ánh sáng đã được đơn vị tập trung thể hiện. Song thực tế thi công một số dự án công cộng đã không diễn ra đúng với tinh thần đó. Hơn nữa, sự nỗ lực của một vài đơn vị cũng không thể khắc phục hết những nhược điểm chiếu sáng thiếu kiểm soát của một đô thị trẻ đang cố gắng thể hiện diện mạo rực rỡ.
Đã đến lúc các nhà quản lý phải có một cách nhìn tường tận hơn về vấn đề này, với những động thái can thiệp và kiểm soát cần thiết. Cụ thể, với những con đường Đà Nẵng, tiêu chí tiết giảm nguồn điện dư thừa, tổ chức luồng sáng công cộng có định hướng là rất cần thiết. Với các công trình xây dựng, cũng phải bố trí hài hòa các dạng cửa gương, tường che và hệ thống chiếu sáng trang trí.
Những sản phẩm đèn điện chiếu sáng tiết giảm điện năng, có màu sắc, quang thông giống ánh sáng tự nhiên và kiểm soát được cần được khuyến khích sử dụng. Có vậy, bầu trời những đô thị như Đà Nẵng về đêm mới tránh khỏi họa ô nhiễm, mỗi người dân mới cảm nhận được vẻ đẹp Thành phố dưới các nguồn ánh sáng đầy đủ và an toàn.
Theo Đầu tư